Cần những đột phá trong thực hiện cơ chế “một cửa”

Hà An| 25/09/2015 07:58

Trong những năm qua, việc đưa vào triển khai, áp dụng mô hình “một cửa”, “một cửa liên thông” được xem là điểm nhấn quan trọng trong chương trình cải cách hành chính của tỉnh. Vì vậy, nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này là tương đối lớn, đồng bộ và bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực.

ADQuảng cáo

Tuy nhiên, vì cải cách đòi hỏi phải mang tính kịp thời, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân trong những thời gian nhất định nên nếu chỉ dừng lại ở hiệu quả bước đầu đó mà không có những giải pháp đột phá để tiếp tục cải cách thì sẽ trở thành lỗi thời, lạc hậu.

Đến thời điểm hiện nay, hầu hết các cơ quan hành chính Nhà nước từ cấp tỉnh đến các xã, phường trên địa bàn tỉnh đã đưa vào áp dụng mô hình “một cửa” trong giải quyết thủ tục hành chính. Hơn thế, tùy vào tính chất về lĩnh vực chuyên ngành mà nhiều đơn vị đã áp dụng mô hình “một cửa điện tử liên thông” để giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân.

Cụ thể, hiện 8/8 đơn vị cấp huyện đã triển khai áp dụng cơ chế “một cửa điện tử”, đạt 100% so với kế hoạch giai đoạn đề ra. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 20/71 đơn vị cấp xã đã và đang triển khai áp dụng “một cửa điện tử liên thông”, đạt trên 28%. Ở cấp tỉnh, tùy vào lĩnh vực, các đơn vị cũng đã áp dụng mô hình “một cửa liên thông” như đăng ký doanh nghiệp; đầu tư, đất đai, lao động, thương binh-xã hội, tài nguyên-môi trường. Ngoài ra, 100% cấp xã đã thực hiện “một cửa liên thông” từ cấp xã đến cấp huyện trên lĩnh vực đất đai, lao động, thương binh - xã hội.

Qua thực tế cho thấy, khi thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” đã tạo thuận lợi cho người dân khi thực hiện các TTHC như giảm chi phí đi lại, giảm thời gian chờ đợi, thuận tiện, đơn giản rõ ràng trong giải quyết hồ sơ. Việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” theo hướng hiện đại cũng đã góp phần nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ hành chính, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực từ cơ chế này mang lại thì vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Dễ thấy và thường xuyên nhất đó là tình trạng vẫn còn một số đơn vị, địa phương mặc dù áp dụng cơ chế mới nhưng hình thức vận hành vẫn theo cơ chế cũ, chậm đổi mới; tác phong, thái độ của cán bộ đầu mối chưa được cải thiện nhiều.

Theo đánh giá của người dân thì có khoảng trên 50% cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận “một cửa” hướng dẫn người dân thỏa đáng, số còn lại hướng dẫn người dân qua loa hoặc không hướng dẫn, thái độ có phần hời hợt, hách dịch. Người dân không được hướng dẫn, giải thích thỏa đáng, đầy đủ nên phải đi lại nhiều lần và vẫn phải chi trả nhiều chi phí không chính thức.

ADQuảng cáo

Mặt khác, hiện nay, các đơn vị hành chính cấp huyện thực hiện cơ chế “một cửa điện tử” nhưng chưa có cơ chế phối hợp với các cơ quan ngành dọc đóng chân trên địa bàn huyện như thuế, kho bạc… để giải quyết hồ sơ triệt để nên nói là “một cửa” nhưng khi giải quyết thủ tục ở các lĩnh vực này, người dân, doanh nghiệp vẫn phải đi lại nhiều lần, tới nhiều “cửa”.

Chỉ đơn cử, tính trung bình khi giải quyết một thủ tục hành chính về đất đai tại cấp huyện, người dân vẫn phải đi lại từ 4 -5 lần từ khâu nộp hồ sơ tại bộ phận “một cửa”, sau đó đến cơ quan thuế nhận tờ khai thuế rồi đến Kho bạc Nhà nước đóng tiền và quay lại nộp phiếu thu tiền tại bộ phận “một cửa”, lấy giấy hẹn sau đó chờ ngày đến nhận kết quả giải quyết.

Hay trong lĩnh vực nộp phạt vi phạm trật tự an toàn giao thông, thủ tục tại “một cửa” của ngành Công an đã được cải thiện nhưng người dân vẫn phải “chạy cả quãng đường dài mấy kilômét” đến bộ phận “một cửa” của kho bạc để nộp tiền, nhận biên lai, sau đó lại quay về “một cửa” của ngành Công an nhận lại kết quả.

Những người thông thạo đường không nói, đối với những trường hợp ở xa đến, việc phải đích thân đến kho bạc nộp tiền quả là ái ngại. Cũng chính vì vậy, lâu nay, tại điểm nộp phạt vi phạm giao thông, rất nhiều đối tượng “cò” nộp phạt đã xuất hiện để thay người dân đi nộp phạt. Thay vào đó, người dân phải trả cho “cò” một khoản chi phí theo thỏa thuận, thường thì 20-30 ngàn đồng/biên lai.

Nhiều ý kiến cho rằng, với công nghệ hiện đại như ngày nay, tại sao Kho bạc Nhà nước không bố trí người thu tiền phạt ngay cạnh “một cửa” của điểm làm thủ tục nộp phạt để giảm bớt phiền hà cho nhân dân. Bởi vì mô hình “2 đến 3 trong một” này hiện nhiều tỉnh, thành đã áp dụng và nhận được sự đồng thuận cao từ phía người dân.

Qua đây cho thấy, việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách, mạnh dạn áp dụng những mô hình mang tính đột phá đang là mong mỏi của người dân ở cơ quan hành chính Nhà nước. Có như vậy, không chỉ giảm bớt phiền hà, tốn kém cho nhân dân mà hiệu quả quản lý Nhà nước cũng được nâng cao.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần những đột phá trong thực hiện cơ chế “một cửa”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO