Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: Thủ tục hành chính vẫn còn nhiều bất cập

Hà An| 27/08/2014 09:44

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) nên đến nay, 100% đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã áp dụng mô hình “một cửa”, “một cửa điện tử liên thông” vào giải quyết nhằm giảm bớt quy trình, thời gian đi lại cho các tổ chức, cá nhân.

Xét về phương diện hình thức thì quy trình cấp GCNQSDĐ ở các địa phương, đơn vị đã bắt đầu đi vào nề nếp theo hướng liên thông, có sự phối hợp của các cấp, ngành liên quan. Đối tượng giao dịch đang được ghi nhận như những “khách hàng” bằng việc giao nộp hồ sơ, nhận giấy hẹn để lấy kết quả theo thời hạn quy định mà không phải đi nhiều “cửa” như trước đây.

Tuy nhiên, qua kết quả giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh vừa qua về lĩnh vực này thì ngoài những kết quả đạt được, việc thực hiện các quy trình, thủ tục trên lĩnh vực này ở đa phần các đơn vị được giám sát vẫn còn bộc lộ những bất cập, quy trình, thủ tục còn rườm rà dẫn đến số lượng hồ sơ để quá thời hạn giải quyết còn khá phổ biến.

Đơn cử như trong năm 2012 và 2013, UBND xã Trường Xuân (Đắk Song) đã tiếp nhận 225 hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ của các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, UBND xã đã tiến hành công khai và hoàn thiện các thủ tục cấp đất chuyển cho cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đối với 160 hộ gia đình, cá nhân đủ điều kiện với tổng diện tích gần 275 ha.

Thế nhưng, tất cả hồ sơ trên đều trễ theo thời gian quy định. Không riêng gì xã Trường Xuân (Đắk Song) hầu hết các đơn vị được giám sát đều có tỷ lệ hồ sơ giải quyết trễ hẹn trong lĩnh vực đất đai là khá cao. Nguyên nhân theo các đơn vị một phần là do việc xét duyệt hồ sơ được tiến hành tập trung theo từng đợt nên số lượng hồ sơ nhiều, gây áp lực cho đơn vị chức năng trong quá trình đo đạc, tiến hành các quy trình thủ tục.

Qua kết quả giám sát còn cho thấy, việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục trên lĩnh vực này tại một số địa phương chưa thực hiện đúng các bước theo quy trình như không lập phiếu biên nhận hồ sơ khách hàng; không có phiếu hẹn trả kết quả; chưa vào sổ theo dõi hồ sơ và không kiểm tra, xác minh thực địa…

Thậm chí có đơn vị như UBND huyện Đắk Song vẫn còn tình trạng nhận hồ sơ từ xã gửi lên tại bộ phận chuyên môn mà không thông qua bộ phận tiếp nhận “một cửa” của huyện. Việc cấp mới GCNQSDĐ chủ yếu là cấp tập trung do đó ở cấp xã chỉ ban hành thông báo công khai danh sách các hộ đủ điều kiện cấp và tờ trình đề nghị gửi lên huyện, khi giải quyết xong huyện sẽ chuyển về cho xã và thông báo trả cho nhân dân, dẫn đến không tuân thủ đầy đủ quy trình, thủ tục hành chính, kéo dài thời gian giải quyết, gây khó khăn cho nhân dân...

Nguyên nhân một phần là do hệ thống pháp luật về thủ tục cấp GCNQSDĐ thường xuyên thay đổi, nhưng việc rà soát, bổ sung các thủ tục hành chính mới, bãi bỏ các thủ tục hành chính không phù hợp ở các địa phương, đơn vị chưa kịp thời. Nhiều đơn vị mặc dù thời hạn giải quyết hồ sơ được quy định mới nhưng vẫn áp dụng thời gian theo quy định cũ trước đây.

Điển hình như theo quy định tại Điều 3, Thông tư 16/2011/TT-BTNMT, ngày 20/5/2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định thời gian giải quyết thủ tục cấp GCNQSDĐ đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân là không quá 33 ngày và tổ chức không quá 23 ngày. Tuy nhiên, hiện nay, đa số các sở, ngành, địa phương vẫn còn áp dụng quy định cũ trước đó với thời hạn giải quyết là 50 ngày.

Chưa kể đến, việc nêm yết, công khai thủ tục hành chính như giấy tờ, hồ sơ, mức thu phí, lệ phí và thời gian giải quyết các loại công việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực sự khoa học, chưa tách riêng theo từng lĩnh vực, địa điểm niêm yết chưa phù hợp, mang tính hình thức, đối phó.

Đơn cử như tại Sở Tài nguyên và Môi trường, mặc dù thực tế đơn vị đã áp dụng quy định mới về thời hạn giải quyết cấp GCNQSDĐ cho tổ chức là 23 ngày nhưng tại bảng niêm yết thủ tục hành chính của đơn vị vẫn công khai thời gian giải quyết theo quy định cũ là 50 ngày.

Bên cạnh đó, mặc dù đến nay, tất cả các sở, ngành, địa phương, đơn vị đã áp dụng cơ chế “một cửa”, “một cửa điện tử liên thông” vào lĩnh vực đất đai nhưng trên thực tế vẫn chưa bảo đảm yêu cầu nên người dân vẫn phải tự đến kho bạc hoặc cơ quan thuế để thực hiện nghĩa vụ tài chính.

Trường hợp nộp hồ sơ tại xã và xã chuyển cho văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất qua bộ phận “một cửa" đã giúp người dân bớt công đoạn đi lại nhiều lần nhưng khi hợp đồng đo đạc, người dân lại vẫn phải gặp trực tiếp văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất dẫn đến rườm rà, kéo dài thời gian giải quyết.

Một số địa phương, đơn vị mặc dù đã xây dựng và ứng dụng mô hình “một cửa điện tử” nhưng hoạt động lại thiếu đồng bộ, còn lúng túng dẫn đến việc cập nhật giữ liệu chưa chuẩn xác, kịp thời, hiệu quả mang lại chưa cao.

Rõ ràng, việc khắc phục những hạn chế nêu trên là vấn đề cần được các cấp, ngành quan tâm nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người dân cũng như từng bước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trên lĩnh vực đất đai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: Thủ tục hành chính vẫn còn nhiều bất cập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO