Chuyển từ chính quyền quản lý sang chính quyền phục vụ: Bắt đầu từ việc nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính

Lương Nguyên| 26/09/2018 10:00

Đó là yêu cầu của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại hội nghị trực tuyến bàn về giải pháp nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) vừa diễn ra mới đây, bởi trong thực tế còn một số nơi, một số lĩnh vực vẫn xảy ra tình trạng cán bộ nhũng nhiễu trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

ADQuảng cáo

Cán bộ Trung tâm Hành chính công giải quyết thủ tục hành chính cho người dân

Vẫn còn nhiều bất cập

Thời gian qua, với sự chỉ đạo nhất quán từ Trung ương đến địa phương, công tác cải cách TTHC trong tất cả các lĩnh vực có nhiều chuyển biến. Trong đó, kết quả nổi bật nhất là việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông được triển khai, góp phần tạo chuyển biến tích cực, nâng cao chất lượng phục vụ, kiểm soát chặt chẽ việc giải quyết TTHC cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, cải cách TTHC còn nhiều hạn chế như người dân tiếp cận dịch vụ công trực truyến còn chậm; việc giải quyết hồ sơ trễ hạn còn diễn ra; tỷ lệ người dân, doanh nghiệp hài lòng về giải quyết TTHC ở một số địa phương còn chưa cao...

Tại Đắk Nông, thời gian qua, ngoài việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đưa vào vận hành cơ chế một cửa, một cửa liên thông, hiện đại, các cấp, ngành cũng đã tăng cường công tác rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực. Từ đây, hàng trăm thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền đã được đơn giản hoặc bãi bỏ. Tuy nhiên, sự cải cách trên vẫn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu do thiếu sự đồng bộ cũng như quá trình thực thi quy định hành chính của một bộ phận cán bộ công chức còn theo kiểu cứng nhắc, hành chính hóa. Điều này đã được thể hiện ở mức độ hài lòng qua đánh giá của doanh nghiệp, người dân ở các chỉ số thành phần về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017 hoặc chỉ số cải cách hành chính năm 2017 chưa thực sự cao.

Năm 2017 chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh bị tụt hạng từ 61 xuống 63/63 tỉnh, thành. Qua kết quả chấm điểm chỉ số PCI trong năm cho thấy có 5 chỉ số thành phần giảm điểm so với năm 2016 gồm: Chi phí gia nhập thị trường giảm 1,33 điểm, tụt 18 bậc; Tính minh bạch  giảm 0,07 điểm, tụt 5 bậc; Chi phí thời gian  giảm 0,85 điểm, tụt 29 bậc; Chi phí không chính thức giảm 1,25 điểm, tụt 32 bậc và Thiết chế pháp lý giảm 0,18 điểm, tụt 6 bậc. Việc không duy trì được đà tăng điểm để tiếp tục cải thiện chỉ số PCI phần nào cho thấy công tác cải cách hành chính nói chung, cải cách TTHC nói riêng của chúng ta vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp, người dân.

Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, các cơ quan được giao làm đầu mối giải quyết thủ tục hành chính vẫn chưa thực sự quan tâm đúng mức trong việc triển khai tinh thần làm việc theo hướng phục vụ. Một bộ phận công chức trực tiếp tham mưu thực hiện công tác cải cách hành chính tại các cơ quan, đơn vị có tính chuyên nghiệp chưa cao, chưa chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp đột phá và đúng với nhu cầu thực tiễn cần hướng tới trong cải cách hành chính tại đơn vị mình. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chưa chặt chẽ và thiếu sự chủ động nên quy trình giải quyết TTHC vẫn chưa thông suốt.

ADQuảng cáo

Cán bộ thuế huyện Tuy Đức giải quyết hồ sơ cho người nộp thuế

Cần thay đổi tư duy của cán bộ, công chức

Có thể khẳng định rằng, nhận thức, thái độ phục vụ của cán bộ đóng vai trò rất quan trọng trong sự thành công của việc giải quyết TTHC. Bởi quy định đã có nhưng cán bộ thực thi quy định đó có trình độ, năng lực thấp hoặc có thái độ cửa quyền, nhũng nhiều thì các quy trình, quy định sẽ bị "nghẽn"  hoặc bị lợi dụng cho mục đích thiếu minh bạch. Do vậy, muốn nâng cao chất lượng giải quyết TTHC, trước hết, mỗi cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ cần thay đổi nhận thức theo hướng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Trung Thành, Giám đốc Công ty Nguyên Thành Phát (Đắk R’lấp) chia sẻ: Quyết tâm của tỉnh là đổi mới, nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC nhưng nếu đội ngũ cán bộ còn tư duy theo kiểu quản lý, hành chính hóa thì còn lâu mới có chuyển biến. Muốn cải thiện, đội ngũ này phải “soi” lại mình xem đã đủ năng lực, đủ đạo đức hay chưa, từ đó, rút kinh nghiệm để thay đổi trong quá trình làm việc, từng bước gỡ bỏ những "điểm nghẽn” trong giải quyết TTHC.

Về giải pháp nâng cao giải quyết TTHC trong thời gian tới, tại hội nghị sơ kết về công tác cải cách hành chính mới đây, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Huy yêu cầu người đứng đầu các sở, ngành, địa phương phải nêu cao trách nhiệm, xem cải cách hành chính là nhiệm vụ quan trọng, từ đó, thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, cũng như xử lý nghiêm cán bộ, công chức nếu phát hiện có thái độ sách nhiễu, tiêu cực. Các đơn vị cần rà soát lại tất cả các TTHC để cắt bỏ những thủ tục không phù hợp, giảm bớt và rút ngắn thời gian giải quyết TTHC cho người dân.  

Liên quan đến vấn đề này, tại hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành về nâng cao chất lượng giải quyết TTHC, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Các bộ, ngành, địa phương nên đánh giá thẳng thắn, khách quan những hạn chế, bất cập trong công tác giải quyết TTHC tại đơn vị mình, từ đó, chia sẻ kinh nghiệm, đề ra các giải pháp tháo gỡ, nâng cao chất lượng giải quyết TTHC theo hướng chuyển từ chính quyền quản lý sang chính quyền phục vụ. Các giải pháp tổ chức, vận hành Trung tâm Hành chính công phải bảo đảm gọn nhẹ, hiệu quả, phát huy cao nhất vai trò của cán bộ công chức được cử ra làm việc tại bộ phận một cửa, tránh tình trạng công chức bộ phận một cửa như là “văn thư cấp cao” như trước đây.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyển từ chính quyền quản lý sang chính quyền phục vụ: Bắt đầu từ việc nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO