Cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”: Đang từng bước đi vào nền nếp, chuyên nghiệp

Ngàn Sâu| 27/06/2012 15:33

Ngày 22/6/2007, Thủ tướng Chính Phủ đã ban hành Quyết định số 93/QĐ-TTg về quy chế thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” tại các cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương...

Ngày 22/6/2007, Thủ tướng Chính Phủ đã ban hành Quyết định số 93/QĐ-TTg về quy chế thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” tại các cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương. Sau 5 năm triển khai,  tình hình thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” tại các cơ quan hành chính công trên địa bàn tỉnh đã có những thay đổi rõ rệt, ngày càng trở nên quy cũ, chuyên nghiệp hóa. Theo thống kê, đến nay, cùng với 71 xã, phường thì hầu hết các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn đều đã xây dựng bộ phận “một cửa” và đưa vào hoạt động một cách ổn định để phục vụ nhân dân. Trong đó, một số đơn vị như UBND huyện Đắk R’lấp, UBND thị xã Gia Nghĩa, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế tỉnh… đã thực hiện mô hình “một cửa liên thông” đối với nhiều lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý.

Về cơ sở vật chất, đến nay, bộ phận “một cửa” tại các đơn vị hành chính công đều được bố trí diện tích hoạt động một cách rộng rãi, cơ bản đúng quy chuẩn. Ngoài bàn nghế, tủ đựng tài liệu, nhiều đơn vị còn trang bị đầy đủ các thiết bị công nghệ thông tin và điện tử chuyên dụng như: màn hình cảm ứng tra cứu hướng dẫn về các thủ tục hành chính; hệ thống tra cứu tình hình giải quyết hồ sơ qua tin nhắn SMS; máy chủ, máy trạm kết nối mạng LAN và Internet; máy in; hệ thống GSM modem... Một số cơ quan còn sử dụng phần mềm “một cửa” điện tử để giải quyết mọi hồ sơ, thủ tục hành chính cho nhân dân.

Người dân đến giải quyết công việc tại bộ phận “một cửa” UBND huyện Đắk R’lấp

Ngoài việc đầu tư về cơ sở vật chất thì các cơ quan, đơn vị hành chính công cũng đều quan tâm đến việc xây dựng, bố trí đầy đủ số lượng cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận “một cửa”. Hầu hết cán bộ, công chức tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả đều được lựa chọn một cách cơ bản, có kinh nghiệm, chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ học vấn từ trung cấp trở lên. Nhờ thường xuyên được tập huấn về văn hóa giao tiếp, ứng xử, nên hầu hết cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận “một cửa” đều đã thay đổi tư duy, cách làm việc, biết phục vụ nhân dân theo hướng lịch sự, văn minh.

Theo Sở Nội vụ thì trong thời gian qua, các cấp, các ngành đã luôn chủ động, vận dụng sáng tạo trong việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”.  Ngoài việc thực hiện theo Quyết định số 93, trong thời gian qua, UBND tỉnh cũng đã ban hành các quyết định công bố bộ thủ tục hành chính áp dụng tại các huyện, thị xã cũng như tại các phường, xã. Theo đó, tất cả thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND các huyện, thị xã đều được thực hiện theo cơ chế “một cửa” hoặc “một cửa liên thông”. Đến nay, UBND các cấp từ xã đến huyện đều đã nghiêm chỉnh thực hiện và công khai bộ thủ tục hành chính để phục vụ nhân dân. Nhiều đơn vị đã chủ động tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ, công chức về kỹ năng ứng xử giao tiếp, quy trình tiếp nhận và luân chuyển hồ sơ giữa các bộ phận liên quan, cách tiết kiệm thời gian giải quyết thủ tục hành chính, thu phí lệ phí. Khi triển khai cơ chế “một cửa liên thông” từ cấp xã lên cấp huyện, một số xã đã bố trí cán bộ thuộc một số chức danh chuyên môn của lĩnh vực như chức danh Địa chính - Xây dựng, Tư pháp-Hộ tịch… đến bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của cấp huyện để vừa cùng phối hợp giải quyết công việc cho dân vừa học tập kinh nghiệm.

 Nhìn chung, qua 5 năm thực hiện Quyết định 93 của Chính phủ đã góp phần làm thay đổi cơ bản mối quan hệ giữa chính quyền và người dân theo hướng phục vụ, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi đến giao dịch với cơ quan hành chính, giảm được tình trạng tổ chức, cá nhân phải đi lại nhiều lần, gặp nhiều cơ quan để giải quyết công việc, thời gian giải quyết các thủ tục hành chính được quy định rõ và giảm dần. Việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” đã tạo điều kiện để chính quyền gần với nhân dân hơn, góp phần chống tệ quan liêu, cửa quyền trong đội ngũ cán bộ công chức, tăng cường cơ chế giám sát trong hoạt động của cơ quan hành chính, hạn chế tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, công chức. Thông qua cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, người dân đã đóng góp nhiều ý kiến đối với quy định về thủ tục hành chính, góp ý về tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức và chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước.

Tuy nhiên, ngoài những kết quả đạt được, việc thực hiện “một cửa”, “một cửa liên thông” vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Cụ thể là về mô hình tổ chức bộ phận tiếp nhận và trả kết quả còn có sự khác nhau ở các cơ quan, địa phương trong một cấp hành chính. Thực tế, có một số cơ quan, địa phương đã tổ chức bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp theo mô hình tập trung được quy định tại Quyết định 93, nhưng qua thực tế triển khai, do điều kiện cơ sở vật chất hạn chế, cũng như nhận thức khác nhau, nên có nhiều mô hình cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” được tổ chức thực hiện không đúng với quy định. Các lĩnh vực thực hiện theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” hiện nay còn có sự khác nhau giữa các địa phương (đối với cấp huyện và xã). Do áp dụng cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, nhưng một số cơ quan, địa phương chưa đảm bảo đúng về mặt thời gian giải quyết công việc cho dân hoặc tiếp nhận hồ sơ một cách tùy tiện, khiến cho người dân còn phải đi lại nhiều lần và đến nhiều cơ quan để giải quyết.. Những hạn chế này đã và đang được các cấp, ngành đánh giá, rút kinh nghiệm, tiếp tục nỗ lực thực hiện đồng bộ nhóm giải pháp theo chủ trương chung cũng như tình hình thực tiễn của địa phương. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”: Đang từng bước đi vào nền nếp, chuyên nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO