Kết quả bước đầu về mô hình “Một cửa điện tử liên thông" cấp xã

Hà An| 29/10/2014 09:17

Sau khi tổng kết mô hình thí điểm, đầu năm 2014, tỉnh bắt đầu nhân rộng việc xây dựng, áp dụng mô hình “Một cửa điện tử liên thông" cấp xã trên địa bàn toàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đã có 13 xã xây dựng, áp dụng mô hình này và bước đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Là một trong những xã điểm thực hiện mô hình “Một cửa điện tử liên thông”, hơn 2 năm nay, người dân xã Trường Xuân (Đắk Song) khi có nhu cầu giao dịch hành chính trong lĩnh vực địa chính đất đai và lao động thương binh và xã hội đã bớt phải đi lại nhiều lần từ xã lên huyện như trước đây.

Bằng việc ứng dụng phần mềm giải quyết công việc trên máy tính, nhiều quy trình trong giải quyết thủ tục hành chính ở hai lĩnh vực trên đã được kết nối hai cấp xã và huyện. Người dân khi nộp đủ hồ sơ ở bộ phận “một cửa” cấp xã và nhận giấy hẹn đến ngày lấy kết quả, không phải mang thủ tục “gõ cửa” các phòng, ban như trước đây.

Không những thế, với việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết công việc, thời gian, công sức của cán bộ bỏ ra để giải quyết quy trình, thủ tục cũng được giảm so với cách làm thủ công trước đây, cũng như tiết kiệm được thời gian, chi phí văn phòng phẩm và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Theo Sở Nội vụ, để triển khai nhân rộng mô hình, từ đầu năm đến nay, ngoài việc mở các lớp tập huấn, nâng cao kỹ năng, trình độ cho cán bộ bộ phận “một cửa”, tỉnh cũng đã đầu tư mỗi xã 160 triệu đồng, trong đó 80 triệu đồng để đầu tư mua sắm máy móc, trang thiết bị và 80 triệu đồng xây dựng phần mềm, chuyển giao kỹ thuật ứng dụng cho đội ngũ cán bộ thực hiện.

Ngoài 2 xã điểm là Trường Xuân (Đắk Song) và Đắk Nia (Gia Nghĩa), những xã được chọn để nhân rộng mô hình từ đầu năm 2014 đến nay tuy chưa có kết quả đánh giá chính thức nhưng qua theo dõi, giám sát và phản ánh từ chính người dân thì bước đầu đang có những hiệu quả tích cực. Việc chọn và đưa vào 2 lĩnh vực gồm đất đai và lao động, thương binh xã hội vào xây dựng mô hình đã phần nào giải quyết được những bức xúc về thời gian, hình thức giải quyết quy trình hành chính cho người dân. Bởi vì, đây là 2 lĩnh vực quan trọng, có quy trình thủ tục phức tạp liên quan đến nhiều cấp, ngành.

Đơn cử như trong lĩnh vực đất đai, nếu như trước đây, thời gian giải quyết hồ sơ theo quy định là 50 ngày thì nay rút xuống còn 23 ngày. Không những thế, trong lĩnh vực này, trước đây, người dân phải đi lại rất nhiều lần từ cấp xã, các phòng, ban cấp huyện thì nay chỉ cần đến xã để giao dịch thông qua phần mềm điện tử liên thông.

Tuy nhiên, cũng theo Sở Nội vụ, quá trình triển khai nhân rộng mô hình này cũng cho thấy đang bộc lộ một số khó khăn, bất cập. Cụ thể như trong lĩnh vực đất đai, hiện các địa phương hàng năm cấp đất tập trung theo từng đợt nên gây tình trạng quá tải cục bộ dẫn đến quá trình giải quyết hồ sơ cho người dân bị chậm so với thời hạn quy định.

Mặt khác, một bộ phận cá nhân, tổ chức mặc dù đã thực hiện cơ chế liên thông nhưng do có mối quen biết nên vẫn thích trực tiếp cầm hồ sơ đến từng bộ phận để giao dịch, gây nên tình trạng thiếu công bằng trong giải quyết. Sau khi hoàn thành việc đầu tư, hỗ trợ xây dựng vận hành mô hình “Một cửa điện tử liên thông” cho các xã, Sở Nội vụ sẽ tiếp tục tăng cường giám sát, theo dõi để có đánh giá sơ bộ kết quả hoạt động, từ đây phát huy những mặt tích cực và đề xuất cơ chế, phương án nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập, tiếp tục mở rộng mô hình cho các xã còn lại trên địa bàn tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kết quả bước đầu về mô hình “Một cửa điện tử liên thông" cấp xã
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO