3.526 ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi tới Quốc hội

TTXVN| 21/10/2019 08:58

Sáng 21/10, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã trình bày Báo cáo Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân.

ADQuảng cáo

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Cử tri ghi nhận những chuyển biến toàn diện về kinh tế-xã hội

Báo cáo trước Quốc hội, ông Trần Thanh Mẫn cho biết từ sau Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV đến nay, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 3.526 ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước thông qua các Đoàn đại biểu Quốc hội và hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên.

Cử tri, Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao những chuyển biến tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội của đất nước thời gian qua. Kinh tế vĩ mô ổn định, tốc độ tăng trưởng tiếp tục duy trì ở mức cao. Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Thu ngân sách nhà nước tăng cao. Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng tốt. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng nhanh. An sinh xã hội cơ bản được bảo đảm. Đời sống Nhân dân tiếp tục được nâng cao. Việc chăm lo gia đình chính sách, người có công với cách mạng được chú trọng.

Chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững đạt được kết quả tích cực. Công tác dân tộc được quan tâm hơn. Chính trị-xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố. Độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia được giữ vững. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được mở rộng. Vị thế và uy tín của nước ta trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao. Những kết quả đó tạo động lực mới, khí thế mới cho việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2019 và các năm tiếp theo.

Cử tri, Nhân dân phấn khởi, tin tưởng và đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chuyển biến mạnh mẽ và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Quốc hội tiếp tục có nhiều đổi mới trong công tác xây dựng pháp luật. Hoạt động giám sát, chất vấn, giải trình có bước tiến rõ rệt, nâng cao tính dân chủ và phản ánh sát thực hơn ý chí, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân.

Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, điều hành sâu sát và tập trung giải quyết nhiều vấn đề Nhân dân quan tâm, bức xúc. Nhiều bộ, ngành, địa phương đã đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy. Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và Nhân dân đã có nhiều nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề khiến cử tri, nhân dân băn khoăn, lo lắng như: tác động của chiến tranh thương mại giữa một số nước lớn; những diễn biến phức tạp ở Biển Đông, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.

Quan liêu, tham nhũng, lãng phí mới được ngăn chặn ở mức độ nhất định. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở một số địa phương chưa triệt để gây bức xúc trong Nhân dân. Biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tình trạng sạt, lở bờ sông, bờ biển ngày càng nghiêm trọng. Đời sống người dân ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Sự phân hóa giàu-nghèo trong xã hội ngày càng gia tăng…

Cần đẩy nhanh tiến độ giải nhân vốn đầu tư công với dự án trọng điểm

Một trong số những nội dung lớn được cử tri và Nhân dân quan tâm gửi ý kiến là các vấn đề thuộc lĩnh vực kinh tế-xã hội. Thời gian qua, mặc dù Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện giải ngân vốn đầu tư công nhưng tỷ lệ giải ngân vẫn thấp. Nhiều công trình, dự án lớn đã được phê duyệt nhưng nhiều năm chưa triển khai thực hiện hoặc chậm tiến độ, chất lượng chưa bảo đảm, gây lãng phí, thất thoát và ảnh hưởng trực tiếp đến người dân.

Do đó, cử tri và Nhân dân đề nghị các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, nhất là đối với những dự án trọng điểm, cấp bách, đồng thời bảo đảm chất lượng, hiệu quả, tránh lãng phí, thất thoát; xử lý nghiêm tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu, gây khó khăn đối với người dân và doanh nghiệp; minh bạch hóa tối đa các dự án đầu tư công; thực hiện phân cấp, giao quyền, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu. Bên cạnh đó, Quốc hội cần tăng cường giám sát các dự án đầu tư từ nguồn vốn nhà nước, các dự án trọng điểm quốc gia, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông.

ADQuảng cáo

Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, bệnh dịch tả đã lan rộng và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại, số lượng lợn bị tiêu hủy lớn, làm thiệt hại và gây khó khăn nguồn cung cho thị trường. Một số địa phương tiêu hủy không đúng quy định, gây ô nhiễm môi trường. Việc triển khai chính sách hỗ trợ người dân bị thiệt hại chưa đồng bộ, kịp thời.

Cử tri, Nhân dân mong muốn Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương tăng cường phòng, chống dịch, giám sát chặt chẽ việc xử lý, tiêu hủy lợn bệnh; đồng thời, sớm xem xét cơ cấu lại ngành chăn nuôi để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.

Công tác quản lý thị trường, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại thời gian qua được tăng cường. Tuy nhiên, tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến quyền lợi, sức khỏe, niềm tin của người tiêu dùng vẫn khiến cử tri và Nhân dân lo lắng, bức xúc. Cử tri và Nhân dân đề nghị Bộ Công Thương, các bộ, ngành có liên quan, các địa phương tăng cường quản lý, kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, kinh doanh vi phạm.

Cử tri ghi nhận Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tăng cường công tác quản lý giáo dục tại các địa phương, cơ sở; chấn chỉnh những lệch chuẩn về đạo đức, lối sống của một bộ phận giáo viên, công chức, viên chức trong ngành; phòng, chống bạo lực học đường. Đa số ý kiến của cử tri, Nhân dân đánh giá việc tổ chức Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia năm 2019 nhìn chung đã bảo đảm nghiêm túc, khách quan, an toàn. Các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để triển khai tốt Chương trình giáo dục phổ thông mới được đảm bảo.

Bên cạnh những đánh giá tích cực, cử tri, Nhân dân vẫn lo lắng, bức xúc trước một số vụ việc do bất cẩn, thiếu trách nhiệm của giáo viên, quản lý, lãnh đạo một số cơ sở giáo dục dẫn đến tai nạn, rủi ro cho học sinh; còn tồn tại những “lỗ hổng” trong việc quản lý các cơ sở giáo dục, nhất là cơ sở giáo dục ngoài công lập. Cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương rà soát, bổ sung các quy định về quản lý, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở giáo dục; triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn trường học.

Cử tri đánh giá du lịch Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực, lượng khách quốc tế tăng, nhiều điểm du lịch đã phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy giao lưu văn hóa, tạo việc làm, phát triển kinh tế ở địa phương. Tuy nhiên, cử tri và Nhân dân vẫn phản ánh về tình trạng ở một số nơi phát triển du lịch chưa bền vững, ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường và đời sống của người dân; tình trạng “chèo kéo” khách du lịch vẫn diễn ra ở một số địa phương. Cử tri, Nhân dân cho rằng Chính phủ cần sớm chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các địa phương có giải pháp kịp thời chấn chỉnh tình trạng này, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Điều tra, xử lý kịp thời các vụ án gây bức xúc dư luận

Về an ninh trật tự, an toàn xã hội, cử tri, Nhân dân ghi nhận việc lực lượng Công an đã chủ động, tích cực đấu tranh phòng ngừa tội phạm, điều tra, xử lý kịp thời những vụ án, hành vi vi phạm pháp luật gây bức xúc trong dư luận xã hội. Tuy nhiên, tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, liên tiếp xảy ra nhiều vụ giết người, cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ với hành động liều lĩnh, manh động.

Tình trạng bạo hành phụ nữ, xâm hại và lạm dụng tình dục trẻ em vẫn xảy ra; tội phạm có tổ chức, tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”, cầm đồ, đòi nợ thuê, bắt giữ người trái pháp luật gây lo lắng, bất an trong Nhân dân.

Nhiều vụ việc lừa đảo thủ đoạn tinh vi với số lượng hàng ngàn tỷ đồng, hàng ngàn người là nạn nhân. Tội phạm sử dụng công nghệ cao, đánh bạc, tội phạm về ma túy với số lượng rất lớn có chiều hướng gia tăng, đặc biệt có sự tham gia của người nước ngoài và có dấu hiệu cấu kết của đường dây tội phạm xuyên quốc gia.

Trước thực trạng trên, cử tri đề nghị Bộ Công an, các ngành chức năng, các địa phương có biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong phòng ngừa, đấu tranh, trấn áp tội phạm, tăng cường quản lý người nước ngoài tại Việt Nam, xử lý nghiêm đối tượng phạm tội.

Cử tri và Nhân dân ở một số nơi phản ánh về sự thiếu trách nhiệm và năng lực quản lý yếu kém của cơ quan chức năng, chính quyền một số địa phương dẫn đến tình trạng sai phạm xảy ra trong triển khai các dự án khu đô thị, chung cư. Việc tranh chấp về quyền lợi giữa người dân và chủ đầu tư tại nhiều khu đô thị, chung cư kéo dài, ảnh hưởng đến trật tự xã hội và uy tín của cơ quan, chính quyền các cấp.

Cử tri, Nhân dân mong muốn các cơ quan chức năng sớm phải làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm cán bộ có liên quan đến sai phạm, làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan chức năng nơi có công trình, dự án sai phạm.

Chính phủ, Bộ Xây dựng cần khẩn trương hoàn thiện chính sách, pháp luật quản lý nhà chung cư, khắc phục những bất cập, bảo đảm công bằng về quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, chủ đầu tư.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
3.526 ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi tới Quốc hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO