40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc: Cuộc chiến tự vệ chính nghĩa, yêu chuộng hòa bình

Hồ Văn| 15/02/2019 09:49

Sự thay đổi trong quan hệ tam giác chiến lược Trung Quốc, Liên Xô và Mỹ (gọi tắt là chiến lược Trung – Xô – Mỹ) thập niên 70 của thế kỷ XX và Cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam Việt Nam đã ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ đoàn kết, hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc.

ADQuảng cáo

Hệ quả từ sự thay đổi trong quan hệ này đã ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của phong trào cách mạng thế giới, tác động trực tiếp đến công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam.

Bộ đội Việt Nam chiến đấu bảo vệ biên giới Tổ quốc tại Lạng Sơn năm 1979. Ảnh tư liệu

Trong bối cảnh phong trào cách mạng thế giới bị phân hóa, mâu thuẫn Trung – Xô sâu sắc, nhưng dựa vào đường lối độc lập, tự chủ, Đảng ta đã khéo léo cân bằng được ảnh hưởng của hai nước lớn (Trung Quốc và Liên Xô), tranh thủ sự giúp đỡ hiệu quả của bạn để chấm dứt cuộc chiến tranh của đế quốc Mỹ xâm lược. Trái ngược với tình trạng xấu đi trong quan hệ Trung – Xô, quan hệ Việt – Xô (1965-1975) phát triển ngày càng mạnh mẽ, đã tác động mạnh đến những tính toán chiến lược của Trung Quốc.

Sau khi giúp đỡ Việt Nam giành thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (tháng 4/1975), quan hệ của Việt – Xô tiếp tục phát triển tốt đẹp. Ngày 3/11/1978, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô – Viết ký Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác, đánh dấu bước phát triển mới của tình đoàn kết và hợp tác toàn diện giữa hai nước và sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của Liên Xô đối với Việt Nam. Cùng với đó, thắng lợi của Nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng Pôn Pốt đã đẩy sự căng thẳng trong quan hệ Trung Quốc – Việt Nam lên đỉnh điểm.

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mong muốn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta là hòa bình, ổn định để hàn gắn vết thương chiến tranh và tập trung trí tuệ, sức lực thực hiện công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước. Trước diễn biến căng thẳng trên vùng biên giới phía Bắc, Đảng và Nhà nước ta kiên trì chủ trương giải quyết bằng biện pháp hòa bình; đồng thời khẩn trương tăng cường lực lượng, đẩy mạnh xây dựng thế trận chiến tranh Nhân dân bảo vệ Tổ quốc trên phạm vi cả nước, nhất là ở Quân khu 1 và Quân khu 2. Đây là một địa bàn chiến lược rất quan trọng, án ngữ toàn bộ vùng biên giới phía Bắc, Tây Bắc và Đông Bắc của Tổ quốc, có chung đường biên giới với Trung Quốc dài hơn 1.400 km, chạy qua 145 xã, 19 thị trấn thuộc 27 huyện của 6 tỉnh (Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Tuyên (nay là Hà Giang, Tuyên Quang), Hoàng Liên Sơn (nay là Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu).

Bất chấp nỗ lực giải quyết căng thẳng bằng con đường hòa bình của ta, dưới sự chỉ đạo của nhà cầm quyền Trung Quốc, từ 3 giờ 30 phút ngày 17/2/1979, quân Trung Quốc sử dụng pháo binh bắn phá một số mục tiêu trong lãnh thổ của nước ta, sau đó huy động lực lượng lớn (hơn 600 nghìn quân) tiến công sang lãnh thổ của Việt Nam. Hướng tiến công chủ yếu là Lạng Sơn và Cao Bằng; hướng quan trọng là Lào Cai (Hoàng Liên Sơn); hướng phối hợp là Phong Thổ (Lai Châu); hướng nghi binh, thu hút lực lượng ta là Quảng Ninh và Hà Tuyên.

Trước cuộc tiến công quy mô lớn của Trung Quốc, ngày 17/2/1979, Chính phủ ta đã ra tuyến bố nêu rõ: Nhà cầm quyền Trung Quốc đã đi ngược lại lợi ích của Nhân dân, phá hoại nghiêm trọng tình hữu nghị truyền thống giữa Nhân dân hai nước và khẳng định: "Quân và dân Việt Nam không có con đường nào khác phải dùng quyền tự vệ chính đáng của mình để đánh trả".

Với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, quân và dân ta, nhất là ở các tỉnh Việt Bắc, Tây Bắc một lần nữa phát huy cao độ truyền thống cách mạng, sát cánh cùng các lực lượng vũ trang, kiên quyết chiến đấu, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Quá trình diễn ra cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu đã lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy quân và dân ta phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của chiến tranh Nhân dân địa phương, sử dụng lực lượng vũ trang các Quân khu 1, Quân khu 2 trực tiếp chiến đấu và điều động một bộ phận lực lượng của các quân khu, tỉnh phía sau lên tăng cường sức mạnh chiến đấu.

ADQuảng cáo

Ngày 4/3/1979, Ban Chấp hành Trung ương ra lời kêu gọi quân và dân cả nước, trong đó nêu rõ: “Đồng bào và chiến sĩ cả nước hãy phát huy khí thế cách mạng, hăng hái thi đua lao động sản xuất với kỷ luật chặt chẽ và năng suất cao, chi viện nhiều nhất cho tiền tuyến, hăng hái luyện tập quân sự, nâng cao cảnh giác”, quyết tâm “giữ vững biên cương của Tổ quốc”.

Ngày 5/3/1979, Chủ tịch nước công bố Lệnh tổng động viên trong cả nước để bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Cùng ngày 5/3, Hội đồng Chính phủ ra Nghị định số 83-CP quy định mọi công dân (nam từ 18 đến 45 tuổi, nữ từ 18 đến 35 tuổi) có đủ điều kiện đều gia nhập dân quân du kích tự vệ; thực hiện chế độ làm việc và luyện tập quân sự, đáp ứng nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đáp lời kêu gọi của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Lệnh tổng động viên của Chủ tịch nước, cả nước hết lòng, hết sức chi viện cho tiền tuyến. Trong quá trình chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, quân và dân ta tiếp tục nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các nước XHCN, các lực lượng tiến bộ và Nhân dân yêu chuộng hòa bình, công lý trên thế giới.

Do không đạt được mục đích đề ra, bị quân và dân các tỉnh biên giới giáng trả mạnh mẽ, bị tổn thất nặng nề, đồng thời bị dư luận tiến bộ trên thế giới và trong nước lên án mạnh mẽ, ngày 5/3/1979, Trung Quốc buộc phải tuyên bố rút quân trên tất cả các hướng.

Với truyền thống nhân nghĩa, bao dung và mong muốn củng cố hòa bình, hữu nghị giữa Nhân dân hai nước, Trung ương Đảng và Chính phủ ta chỉ thị cho lực lượng vũ trang và Nhân dân trên vùng biên giới phía Bắc ngừng mọi hoạt động tiến công quân sự để Trung Quốc rút toàn bộ lực lượng và phương tiện chiến tranh về nước.

Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc (tính từ ngày 17/2 đến 18/3/1979), quân và dân ta đã gây tổn thất cho 9 quân đoàn chủ lực, loại khỏi vòng chiến đấu 62.500 quân, tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 3 trung đoàn, 18 tiểu đoàn, bắn cháy và phá hủy 550 xe quân sự, trong đó có 280 xe tăng và xe bọc thép, phá hủy 115 khẩu pháo và cối hạng nặng, thu nhiều vũ khí và đồ dùng quân sự…

Mặc dù tuyên bố rút quân nhưng trên thực tế từ sau ngày 18/3/1979 đến năm 1989, phía Trung Quốc vẫn có nhiều hoạt động gây hấn, lấn chiếm biên giới, đặc biệt từ sau tháng 7/1984, Vị Xuyên tiếp tục là mặt trận ác liệt...

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào tháng 1/2017. Ảnh: TTXVN

Năm 1991, Trung Quốc và Việt Nam chính thức bình thường hóa quan hệ. Hai bên tuyên bố hai nước Việt Nam - Trung Quốc sẽ phát triển quan hệ hữu nghị và láng giềng thân thiện, trên cơ sở 5 nguyên tắc: Tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không xâm phạm lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi và cùng tồn tại hòa bình. Và từ khi bình thường hóa quan hệ đến nay, về tổng thể, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc khôi phục nhanh, phát triển mạnh theo nhận thức của lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam - Trung Quốc "khép lại quá khứ hướng đến tương lai", không ngừng vun đắp mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc ngày càng phát triển.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc: Cuộc chiến tự vệ chính nghĩa, yêu chuộng hòa bình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO