APEC là động lực quan trọng hỗ trợ cho tiến trình cải cách ở Việt Nam

Thùy Dương (t.h)| 06/11/2017 11:04

Việt Nam tham gia APEC góp phần đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế và làm sâu sắc các mối quan hệ song phương, củng cố môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển.

Đà Nẵng là thành phố chủ nhà của Tuần lễ Cấp cao APEC năm 2017. Ảnh: Tư liệu

Đến nay, trong tổng số 25 đối tác chiến lược và toàn diện của Việt Nam, có 13 đối tác là thành viên APEC. Đồng thời, Việt Nam tham gia APEC đã góp phần nâng cao nội lực của đất nước, thúc đẩy trao đổi thương mại, đầu tư và du lịch của Việt Nam với các đối tác APEC. APEC hiện chiếm 75% thương mại, 78% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và 79% tổng lượng khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc tham gia và giải quyết các vấn đề, quan tâm chung của APEC về tăng trưởng và liên kết kinh tế cũng như nâng cao vai trò của Diễn đàn đã khẳng định hình ảnh Việt Nam đổi mới, năng động, gắn kết khu vực, góp phần tạo thêm thế và lực mới cho Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Năm 2017, Việt Nam đăng cai tổ chức APEC trong tình hình thế giới và khu vực có chuyển biến nhanh và phức tạp; tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu tích cực hơn song về dài hạn còn nhiều rủi ro, xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng. Trong bối cảnh đó, kết quả đầu tiên phải kể đến là Việt Nam đã bước đầu thúc đẩy các thành viên đạt đồng thuận cao về chủ đề và 4 ưu tiên của Năm APEC 2017, giữ vững cam kết và quyết tâm thúc đẩy thương mại và đầu tư mở, tạo thuận lợi cho kinh doanh...

Với một diễn đàn có tầm vóc và ảnh hưởng quan trọng như APEC, thông điệp như vậy có tác dụng tích cực đối với hoạt động của doanh nghiệp cũng như với tăng trưởng khu vực và toàn cầu. Cùng với đó, với vai trò chủ nhà, Việt Nam đã tiếp tục dẫn dắt, thúc đẩy hợp tác đi vào thực chất giữa các thành viên thông qua việc xây dựng và đồng thuận thông qua các sáng kiến cụ thể, tập trung vào những lĩnh vực thiết thực với lợi ích của người dân và doanh nghiệp như phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, phát triển du lịch bền vững, doanh nghiệp nhỏ và vừa xanh, sáng tạo và bền vững, phát triển đô thị - nông thôn, an ninh lương thực, thúc đẩy khởi nghiệp, phụ nữ và kinh tế...

Bên cạnh đó, sáng kiến của Việt Nam về thúc đẩy phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội và triển khai các bước chuẩn bị cho xây dựng tương lai APEC sau năm 2020 cũng được các thành viên hưởng ứng tích cực và cùng đồng hành thúc đẩy. Tất cả các kết quả đều gắn với việc thực hiện bốn ưu tiên của Năm APEC 2017, hướng tới mục tiêu tạo ra động lực mới cho tăng trưởng ở khu vực và đưa hợp tác APEC gần hơn tới người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, là tiền đề quan trọng, góp phần làm rõ hơn những nội dung mà các Bộ trưởng và các nhà lãnh đạo kinh tế APEC sẽ thảo luận tại Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng.

Theo ông Bùi Thanh Sơn,  Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2017, kể từ khi Việt Nam tham gia APEC năm 1998, Diễn đàn này đã trở thành một động lực quan trọng hỗ trợ cho tiến trình cải cách, tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và đưa hội nhập kinh tế của nước ta lên tầm toàn cầu.

Một trong những kỳ vọng của Việt Nam trong Năm APEC 2017 là "có thể đóng góp thiết thực vào sự phát triển của tiến trình APEC, làm cho hợp tác APEC thực chất và có hiệu quả hơn.” Theo đó, Việt Nam đã cùng với các thành viên APEC khơi dậy những động lực mới cho tăng trưởng và liên kết của khu vực thông qua hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tận dụng cơ hội của cách mạng công nghiệp; tạo điều kiện cho người lao động có các kỹ năng mới để tìm được việc làm trong thị trường lao động thời kỳ công nghệ số; bảo đảm an ninh lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang tác động mạnh mẽ tới ngành nông nghiệp của khu vực; hỗ trợ phụ nữ và những đối tượng yếu thế tham gia vào kinh tế và hưởng các thành quả của phát triển kinh tế; bảo đảm tính bao trùm trong phát triển…

Nhiều nội dung hợp tác năm nay mang tính kế thừa của hợp tác APEC những năm trước đó, đồng thời gắn thêm những yếu tố mang tính thời sự. Đây là một đóng góp thiết thực của Việt Nam nhằm nâng cao khả năng thích ứng của APEC trong một thế giới đang trải qua những chuyển dịch to lớn, dưới tác động của quá trình toàn cầu hóa sâu rộng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cùng hàng loạt thách thức khu vực và toàn cầu đang nổi lên...

Năm nay cũng được đánh giá là một trong những năm thách thức nhất đối với các cơ chế hợp tác đa phương trên toàn cầu và APEC không phải là ngoại lệ. Trong tình hình đó, đến thời điểm này Việt Nam đã phát huy tốt vai trò của chủ nhà, vận dụng hiệu quả các nguyên tắc hợp tác đồng thuận, tự nguyện, không ràng buộc, bình đẳng và cùng có lợi để thúc đẩy các thành viên giữ đà hợp tác, liên kết, đi đến đồng thuận trên nhiều vấn đề hợp tác chuyên ngành.

Các hoạt động Việt Nam tổ chức đã góp phần quan trọng nâng cao vai trò, vị thế của APEC trong cục diện khu vực đang định hình. Đại diện và chuyên gia của nhiều tổ chức quốc tế đã đến tham dự và phát biểu tại các hoạt động APEC; trong đó có Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)... Cộng đồng doanh nghiệp và học giả cũng tham gia và đóng góp tích cực tại các hoạt động trong chuỗi các sự kiện APEC do Việt Nam tổ chức. Điều đó cho thấy APEC đang từng bước khẳng định vai trò là cơ chế khởi xướng ý tưởng hợp tác, liên kết và khả năng "hội tụ” trí tuệ của cộng đồng khu vực và quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
APEC là động lực quan trọng hỗ trợ cho tiến trình cải cách ở Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO