Bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất giữa các luật hiện hành

Phan Tân| 21/10/2021 16:23

Thảo luận tổ chiều 21/10, kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Cảnh sát cơ động, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông có ý kiến là cơ quan soạn thảo cần phải nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các luật hiện hành, góp phần tăng "tuổi thọ" của luật.

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Dương Khắc Mai chủ trì, điều hành thảo luận tổ tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông

Cụ thể, đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại toàn bộ Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và năm 2019 đang còn tồn tại nhiều nội dung áp dụng theo Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2004. Trên cơ sở đó, sửa đổi, bổ sung áp dụng theo Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2015 để đồng bộ hóa, thống nhất trong ban hành, thực hiện pháp luật hiện hành.

Đơn cử, theo quy định tại Điều 115 Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2015, quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác. Do đó, tại Khoản 5, sửa đổi, bổ sung Điều 20 quyền tài sản, cần nghiên cứu làm rõ hơn giá trị bằng tiền trong các quy định về quyền tài sản.

Khoản 1 Điều 203 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 quy định "Nguyên đơn và bị đơn trong vụ kiện xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có quyền và nghĩa vụ chứng minh theo quy định tại Điều 79 của Bộ Luật Tố tụng dân sự và theo quy định tại điều này". Tuy nhiên, đối chiếu với quy định của Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì cần sửa đổi, bổ sung là “Nguyên đơn và bị đơn trong vụ kiện xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có quyền và nghĩa vụ chứng minh theo quy định tại Điều 91 của Bộ Luật Tố tụng dân sự và theo quy định tại điều này”. Lý do: Điều 79 của Bộ Luật Tố tụng dân sự quy định về “Người giám định” còn Điều 91 của Bộ Luật Tố tụng dân sự quy định về “Nghĩa vụ chứng minh” nên không thể viện dẫn theo Điều 79 mà phải viện dẫn theo Điều 91….

Đại biểu Phạm Thị Kiều đóng góp ý kiến vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ

Thảo luận, góp ý Luật Cảnh sát cơ động, đại biểu cho rằng, dự thảo luật chưa xác định rõ phạm vi, không gian hoạt động của Cảnh sát cơ động, dẫn đến chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng khác đã được pháp luật hiện hành quy định. Việc không xác định rõ phạm vi, không gian, lãnh thổ hoạt động sẽ mâu thuẫn với quy định của Luật Quốc phòng, Luật Biên phòng Việt Nam, Luật Cảnh sát biển và không đồng bộ với quy định tại khoản 5 Điều 16 Luật Công an nhân dân.

Quy định Cảnh sát cơ động là lực lượng vũ trang chuyên trách đang mâu thuẫn với Luật An ninh quốc gia năm 2004, Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018, Luật Biên phòng Việt Nam năm 2020. Tại Điều 4 dự thảo luật đưa ra 5 nguyên tắc hoạt động của Cảnh sát cơ động, nhưng khi đối chiếu thì Điều 4 Luật Công an nhân dân đã quy định hầu hết các nguyên tắc này, nên luật không nên quy định lại mà chỉ lựa chọn những nội dung mang tính nguyên tắc đặc thù của lực lượng Cảnh sát cơ động để đưa vào.

Điểm b khoản 2 Điều 8 dự thảo luật quy định về “phối hợp tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn”. Tuy nhiên, tại điểm đ khoản 2 Điều 29 Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013 thì “Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức phối hợp thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn trong phạm vi cả nước; chủ trì phối hợp với lực lượng hỗ trợ của quốc tế và khu vực trong tìm kiếm cứu nạn”…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất giữa các luật hiện hành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO