Bệnh lười học lý luận chính trị và giải pháp khắc phục

Nguyễn Văn Vương| 15/11/2017 09:05

Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đã chỉ ra những biểu hiện của bệnh lười học tập lý luận chính trị là: “Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.

ADQuảng cáo

Thực tế, hiện tượng này đang diễn ra khá phổ biến. Một bộ phận cán bộ, đảng viên nhận thức chưa đúng đắn vị trí, vai trò, tầm quan trọng của học tập lý luận chính trị, có những biểu hiện ít quan tâm, xem nhẹ, coi thường việc học tập lý luận chính trị; xác định động cơ, mục đích học tập lý luận chính trị không đúng đắn, học không vì mục đích tự thân bù đắp những tri thức, kỹ năng còn thiếu, mà học vì lý do thăng tiến, hoàn thiện bằng cấp, đáp ứng tiêu chuẩn được đề bạt, bổ nhiệm lên những vị trí cao hơn.

Trong học tập, nghiên cứu lý luận chính trị, một số học viên chưa nghiêm túc, chiếu lệ, hình thức, vi phạm quy chế học tập; không nghiên cứu tài liệu và giáo trình trước khi đến lớp; làm bài thu hoạch, bài kiểm tra, bài thi, báo cáo thực tế, khóa luận tốt nghiệp sao chép, không bảo đảm chất lượng... Bên cạnh đó, nội dung học tập lý luận chính trị chưa được cán bộ, đảng viên chú trọng vận dụng vào thực tiễn quá trình công tác.

Không ít trường hợp không nắm vững đường lối, chủ trương, chỉ thị nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đề cao ý thức chủ quan, phi lý luận khoa học dẫn đến giải quyết công việc kém hiệu quả, thậm chí phương hại đến lợi ích của tập thể hoặc cá nhân khác. Một bộ phận cán bộ, đảng viên lúng túng, xa rời chỉ đạo của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, chậm triển khai hoặc triển khai thực hiện không đến nơi đến chốn để lại hậu quả nghiêm trọng.

Với mỗi cán bộ, đảng viên cần thấm nhuần sâu sắc lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về mục đích của việc học: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”. Mỗi cán bộ, đảng viên cần khiêm tốn học hỏi, chống tự cao, tự đại, thỏa mãn với những kiến thức đã có; gắn việc tự học, tự nghiên cứu với tích cực, chủ động đấu tranh, phê phán các quan điểm sai trái, thù địch để làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội và bất mãn chính trị hiện nay.

ADQuảng cáo

Công tác nghiên cứu, xây dựng nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị phải thường xuyên đổi mới, bám sát thực tiễn và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Công tác biên soạn tài liệu, giáo trình phải kịp thời, chính xác; thường xuyên tổng kết thực tiễn, bổ sung đầy đủ nội dung, cập nhật kịp thời thông tin mang tính thực tiễn, thời sự để cán bộ, đảng viên thực sự nhận thấy lý luận là ngọn đuốc soi đường cho hoạt động thực tiễn, để việc học tập lý luận chính trị thực sự là nhu cầu của cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng.

Để khắc phục bệnh lười học tập lý luận chính trị, ngoài cần nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên thì việc học tập lý luận chính trị còn phải là nghĩa vụ bắt buộc và được quy định thành chế độ để mọi người tự giác thực hiện nghiêm túc; có kế hoạch học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận bắt buộc hằng năm đối với cán bộ, đảng viên gắn với chức danh, nghề nghiệp, với nhiệm vụ cụ thể của cơ quan, đơn vị, yêu cầu của địa phương.

Đối với đội ngũ giảng viên, báo cáo viên phải không ngừng học tập rèn luyện để nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy thực hiện quá trình tương tác giữa thầy - trò để cho người học được quyền thảo luận, tranh luận, vận dụng lý luận giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra…; kiên quyết khắc phục lối dạy “độc thoại” thông báo thông tin một chiều, nặng về lý thuyết, áp đặt thụ động, máy móc lý luận xa rời thực tiễn không phát huy được tính tích cực sáng tạo của người học.

Các biện pháp khác như cần phải làm tốt công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng, lấy kết quả học tập lý luận chính trị làm thước đo phẩm chất, năng lực, phân loại của cán bộ, đảng viên; tăng cường kiểm tra và quản lý chặt chẽ chất lượng dạy và học lý luận chính trị bảo đảm thực chất, khách quan, hiệu quả thiết thực trong học tập lý luận chính trị; thường xuyên biểu dương những tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện nghiêm, chấp hành tốt việc học tập, nghiên cứu; mặt khác góp ý, phê bình nghiêm khắc đối với những cán bộ, đảng viên có biểu hiện lơ là, chưa nghiêm túc trong học tập lý luận chính trị; căn cứ vào ý thức, thái độ, trách nhiệm kết quả học tập lý luận chính trị để đánh giá, nhận xét, xếp loại, phân loại cán bộ, đảng viên và bình xét thi đua khen thưởng hàng năm.

Để việc học tập lý luận chính trị trở thành nhu cầu tự thân, là động lực quan trọng góp phần làm nên thành công của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải ý thức sâu sắc về trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trước những đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống. Học tập, lý luận chính trị là cách để người cán bộ tự đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành, làm chủ hành động của cá nhân.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bệnh lười học lý luận chính trị và giải pháp khắc phục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO