Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn ở xã Đắk Nia: Nâng cao hiệu quả, hiệu lực lãnh đạo ở cơ sở

Lam Giang| 16/11/2017 09:10

Thực hiện chủ trương nhất thể hóa bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, đến nay, xã Đắk Nia (thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) đã tiến hành thí điểm tại 2 thôn Đắk Tân và Nghĩa Thuận. Chủ trương bước đầu tạo chuyển biến tích cực trong việc tinh gọn đội ngũ cán bộ thôn, bon, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ ở cơ sở.

Dưới sự điều hành của Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng thôn Đắk Tân, xã Đắk Nia - Hoàng Văn Tẻn (ngoài cùng bên phải), chất lượng sinh hoạt chi bộ được nâng lên, vai trò của đảng viên được phát huy

Trở nên năng động hơn

Từ khi thực hiện mô hình, người dân ở thôn Đắk Tân rất phấn khởi khi mọi công việc của thôn được giải quyết có hiệu quả hơn. Theo ông Hoàng Văn Tẻn, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Đắk Tân, sau gần 3 tháng kiêm nhiệm 2 chức danh, vừa tiếp thu chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, vừa trực tiếp chỉ đạo thực hiện, nên công việc được triển khai nhanh hơn, tạo sự thống nhất cao trong chi bộ và nhân dân. Tuy nhiên, để gánh trọn hai vai, ngoài nỗ lực của bản thân còn đòi hỏi sự đoàn kết, tinh thần cộng tác cao của cán bộ, đảng viên và sự ủng hộ của nhân dân.

Ông Hoàng Văn Tẻn cho biết: "Trước khi ban hành nghị quyết lãnh đạo, tôi đều đưa ra trước chi bộ tham gia góp ý kiến, xây dựng để đi đến thống nhất nội dung, sau đó mới phổ biến các ban ngành, đoàn thể triển khai thực hiện. Trong các cuộc họp, tôi dành nhiều thời gian để đảng viên báo cáo tình hình của đoàn thể, khu dân cư nơi phụ trách, sinh sống và đề xuất biện pháp khắc phục hạn chế. Mặt khác, để làm tốt cả hai vị trí, người đứng đầu thôn phải đặt sự công tâm, công bằng lên trên và tất cả phải vì lợi ích của người dân”.

Tương tự, ông Lê Sỹ Long hiện là Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Nghĩa Thuận và còn kiêm chức danh Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã. Ông Long tâm sự: “Lúc đầu nhận nhiệm vụ, tôi rất băn khoăn, vì bản thân tôi hiện giữ nhiều chức danh, công việc cũng rất nhiều, không biết có đảm nhận được không. Nhưng sự quan tâm, động viên của Đảng ủy xã và sự tín nhiệm của các đảng viên trong chi bộ cũng như bà con trong thôn là động lực giúp tôi nỗ lực quyết tâm để cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Từ ngày đảm đương vai trò bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, ông Long nhận thấy mình trở nên năng động hơn, việc gì triển khai ở cơ sở cũng nhanh, nhất là những vấn đề liên quan đến đời sống của người dân trong thôn. Bởi hơn ai hết, bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn phải là người đi sâu đi sát cơ sở, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, nên việc vận động bà con thuận tiện hơn.

Cũng theo ông Long, trước đây, sau khi nghị quyết chi bộ triển khai tới các tổ chức, đoàn thể, nếu thôn trưởng không thực hiện được thì cùng lắm chỉ đưa ra trước tập thể phê bình. Còn từ khi thực hiện mô hình nhất thể hóa, nếu triển khai thực hiện không đạt được nội dung nghị quyết lãnh đạo của chi bộ đề ra thì trước hết bản thân người bí thư - thôn trưởng phải chịu trách nhiệm chính và phải giải trình trước chi bộ lý do tại sao không thực hiện được.

Đảng viên, nhân dân đồng tình

Trong nhiệm kỳ 2017- 2020, xã Đắk Nia có 2/12 thôn triển khai mô hình nhất thể hóa chức danh bí thư kiêm trưởng thôn. Ngoài ra, xã cũng đã triển khai việc kiêm nhiệm chức danh đối với 13 cán bộ bán chuyên trách như phó chủ tịch HĐND xã kiêm bí thư chi bộ bon; phó chủ tịch hội nông dân kiêm bí thư chi bộ thôn; phó chủ tịch hội phụ nữ kiêm ủy viên ủy ban kiểm tra Đảng ủy xã…

Theo ông Đoàn Huy Hoàng, Bí thư Đảng ủy xã Đắk Nia, việc cơ cấu chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn được đông đảo đảng viên, nhân dân đồng tình. Đồng thời, qua việc thực hiện đã khắc phục được tình trạng “lệch pha” giữa bí thư chi bộ và trưởng thôn trong chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ chính trị tại cơ sở. Người đứng đầu cấp ủy, ban lãnh đạo thôn nắm toàn diện tình hình chung, tiếp thu kịp thời tinh thần chỉ đạo của cấp trên, giải quyết nhanh vấn đề phát sinh tại cơ sở. Qua đó, tiết kiệm thời gian hội họp, phát huy tối đa năng lực của người đứng đầu thôn, khắc phục tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. Để thu hút, động viên cán bộ kiêm nhiệm chức danh, xã đã ban hành phương án khoán kinh phí hoạt động của cán bộ không chuyên trách tại thôn, bon. Theo đó, cán bộ thôn kiêm nhiệm 1 chức danh thì được hưởng 100% phụ cấp của chức danh đó. Cán bộ không chuyên trách kiêm nhiệm 1 chức danh thì được hưởng 30% phụ cấp của chức danh kiêm nhiệm.

Tuy nhiên, để mô hình phát huy hiệu quả, quan trọng nhất là khâu lựa chọn cán bộ và chế độ, chính sách kèm theo. Người đảm nhiệm một lúc 2 chức danh phải có năng lực lãnh đạo và quản lý điều hành, có khả năng bao quát công việc. Mặt khác, công việc nhiều, nhưng chế độ phụ cấp còn thấp, trong khi công việc đòi hỏi tiếp xúc với dân nhiều, nên không ít người rất ngại mỗi khi được đề cử vào cả 2 chức danh. Do đó, đội ngũ bí thư kiêm trưởng thôn hầu hết mong muốn cấp trên mở rộng cơ chế, chính sách nâng mức phụ cấp, qua đó bảo đảm cuộc sống, để toàn tâm, toàn ý với việc chung.

Thời gian tới, xã Đắk Nia tiếp tục duy trì và khuyến khích các thôn, bon tùy theo điều kiện cụ thể mà nhân rộng mô hình, phấn đấu có 50% -70% thôn, bon thực hiện mô hình bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn ở xã Đắk Nia: Nâng cao hiệu quả, hiệu lực lãnh đạo ở cơ sở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO