Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn trước Quốc hội

chinhphu.vn| 13/06/2017 17:02

Sáng 13/6, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn, sau phần khai mạc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường là "Tư lệnh ngành" đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 13/6. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn 3 nhóm vấn đề: Giải pháp đột phá và lộ trình thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong thời gian tới; Biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, hướng đến xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa, phát triển nông nghiệp bền vững; Công tác bảo tồn, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, quản lý các hoạt động khai thác thủy sản.

Đầu giờ sáng đã có 68 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường.

Các đại biểu Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước); Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh); Nguyễn Thị Ngọc Lan (Bắc Ninh); Trần Thị Hiền (Hà Nam); Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng); Nguyễn Chiến (Hà Nội)... chất vấn về: Giải quyết bất cập để DN, HTX tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi 100.000 tỷ; giải quyết cơ chế xin cho trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao; giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng "được mùa mất giá, được giá mất mùa"; căn cứ xây dựng quy hoạch phát triển ngành chăn nuôi lợn; trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc ngành chăn nuôi "vỡ trận", giải pháp căn cơ để khắc phục vấn đề này; vấn đề tiêu thụ nông sản qua các cửa khẩu (tạm nhập tái xuất); giải pháp đột phá thực sự để tái cơ cấu nông nghiệp; xử lý ô nhiễm đất nông nghiệp, thủy vực; phát triển nông nghiệp miền núi; phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển nông nghiệp hữu cơ...

Ưu thế nông nghiệp còn rất lớn

Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: Về tiếp cận gói tín dụng 100.000 tỷ, thời gian qua, Chính phủ, Bộ NN&PTNT và NHNN đã vào cuộc tích cực, giải ngân được khoảng trên 30 nghìn tỷ cho các dự án, doanh nghiệp, khu vực... con số này sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. Tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn (về tài sản thế chấp), hiện lãnh đạo Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành (Tư pháp, TNMT,..) xây dựng giải pháp tháo gỡ để DN tiếp cận vốn thuận lợi.

Về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Bộ trưởng khẳng định không có cơ chế xin cho trong lĩnh vực này, nơi nào, địa phương nào đáp đáp ứng đủ điều kiện thì đều có thể phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Về tiêu thụ sản phẩm, đây là vấn đề chung, sức sản xuất tiềm năng hiện nay của chúng ta rất lớn, nhưng khâu chế biến và tổ chức thị trường còn yếu. Cần tổ chức lại từng ngành hàng, đây là vấn đề cần thời gian dài để đầu tư phát triển, cũng như chấn chỉnh những bất cập...

Về câu chuyện "giải cứu thịt lợn", Bộ trưởng cho biết, có 2 nguyên nhân chính: Thứ nhất, thời gian qua, sức sản xuất của chúng ta tăng trưởng quá nhanh (cả về thịt, sữa, cá, trứng) dẫn tới sức cung vượt quá nhu cầu; Thứ hai, tổ chức ngành hàng chưa tốt, khâu liên kết trong sản xuất, chế biến kém, dẫn tới tiêu thụ chủ yếu là thịt tươi, không còn phù hợp với thực tế hiện nay. Mặt khác về tổ chức thị trường, chúng ta mới chỉ xuất khẩu được một lượng nhỏ lợn sữa, lợn thịt chủ yếu xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc... Tóm lại chúng ta mới chỉ làm được 1 phân khúc, còn 2 phân khúc khác chúng ta rất kém, trong đó có trách nhiệm của ngành nông nghiệp. Bộ trưởng thẳng thắn nhận trách nhiệm của Bộ trong lĩnh vực này và đưa ra các giải pháp để khắc phục trong thời gian tới.

Đại biểu Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Về phát triển giống chất lượng cao, Bộ trưởng cho biết: Thời gian qua nông nghiệp đã đạt được nhiều thành tựu lớn, trong đó có thành tựu về giống. Tuy nhiên, giống cây ăn quả hiện nay còn kém, giống rau là yếu,... chưa đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu. Xác định thế mạnh của Việt Nam trong thời gian tới là xuất khẩu rau quả, thủy sản,... theo đó, thời gian tới các giống bản địa của Việt Nam (cây, con, dược liệu), giống tôm, giống rau, quả... cần được tập trung trong thời gian tới.

Về phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực, trong thời gian tới Bộ sẽ tập trung đầu tư mạnh mẽ để phát triển 10 ngành hàng có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD; đồng thời phối hợp với các bộ ngành, địa phương tiến hành rà soát, xây dựng kế hoạch khôi phục, phát triển các loại cây con đặc sản bản địa (Xoài Đồng Tháp, Vải Thanh Hà, Lợn Móng Cái...) phù hợp với đặc thù vùng miền để phục vụ du lịch (xuất khẩu tại chỗ),...

Khẳng định sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đối với vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số,.. Bộ trưởng cho biết sẽ tập trung phát huy các lợi thế về lâm nghiệp, dược liệu, nông sản đặc sản để phát triển kinh tế nông nghiệp khu vực này.

Về sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, Bộ trưởng cho biết đây là một hướng sản xuất để phát triển trong thời gian tới. Hiện Bộ đang cùng với các ngành dự thảo một Nghị định về nông nghiệp hữu cơ, cố gắng trong thời gian ngắn nhất có được khung khổ pháp lý để định hướng, phát triển nông nghiệp hữu cơ.

Tranh luận lại với Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cho rằng, trả lời của Bộ trưởng về căn cứ lập quy hoạch phát triển đàn lợn chưa thuyết phục. Xuyên suốt câu trả lời vắng bóng vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Lập quy hoạch thời điểm đó phù hợp nhưng cơ chế thị trường thay đổi thì vai trò của Nhà nước trong bối cảnh đó như thế nào để có giải pháp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.“Lâu nay chúng ta có khẩu hiệu người tiêu dùng thông minh, Bộ trưởng nói nhà sản xuất phải thông minh nhưng người dân nói nhà quản lý phải thông minh”, ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng nói.

Tiếp đó, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh giải trình làm rõ thêm một số nội dung về tổ chức thị trường, cơ cấu lại các ngành hàng nông sản để phát huy lợi thế cạnh tranh xuất khẩu.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, khâu quan trọng nhất trong sản xuất nông nghiệp là phải căn cứ vào nhu cầu và tín hiệu của thị trường, kể cả trong và ngoài nước, để xây dựng các quy hoạch và tổ chức các quy hoạch đó cho tốt.

Theo Bộ trưởng, việc đàn lợn có tốc độ tăng trưởng nhanh cho thấy năng lực, tiềm năng của chúng ta, nhưng chúng ta vẫn có thể phát triển tốt nếu làm tốt công tác thị trường.

Liên quan đến công tác thị trường phải giải quyết được 2 vấn đề. Một là, mở cửa thị trường về mặt thương mại, tức là các vấn đề liên quan thuế suất, thuế nhập khẩu. Hai là, phải mở cửa về mặt thủ tục hành chính và các hàng rào kỹ thuật.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, chúng ta đã làm tốt khâu đầu, tức là mở cửa thị trường, nhiều thuế suất thậm chí về 0%. Chúng ta có dư địa để sản xuất rất nhiều sản phẩm, trong đó có thịt lợn. Nhưng còn hàng rào kỹ thuật là vấn đề cơ bản thì lại chưa bảo đảm theo quy chuẩn của các nước nhập khẩu, cụ thể như Trung Quốc. 

“Từ năm 2016, hai Bộ đã liên tục phối hợp với nhau triển khai các hoạt động với phía Trung Quốc. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là để thông qua được hàng rào kỹ thuật với Trung Quốc thì việc đầu tiên phải được công nhận vùng chăn nuôi của Việt Nam không có dịch bệnh lở mồm long móng. Đây là yêu cầu tối thiểu cần có thông qua hàng rào kỹ thuật. Do đó, công tác quy hoạch phải tính toán lại và tổ chức sản xuất phải bảo đảm chất lượng, giá thành”, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết.

Toàn cảnh phiên chất vấn. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Các đại biểu Đặng Hoài Tân (Bình Định); Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình); Ngô Thị  Minh (Quảng Ninh);Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang); Võ Đình Tín (Đắc Nông).... đặt câu hỏi về: Giải pháp phát triển ngành tôm Việt Nam; nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp; giải pháp xử lý bất cập trong thực thi Nghị định 67 (tàu vừa đóng tại những cơ sở được Bộ NNPTNT giới thiệu đã hỏng, phải nằm bờ); trách nhiệm trong quản lý chất lượng sản xuất thức ăn, vật tư nông nghiệp (cấp khống giấy kiểm định); giải pháp căn cơ bảo vệ thương hiệu trong xuất khẩu thủy sản Việt; giải pháp khắc phục tình trạng bất cập trong quy hoạch nông sản; giải pháp, lộ trình phát triển công nghiệp chế biến; vấn đề đầu tư phát triển cảng cá, quy hoạch nuôi trồng thủy sản; giải pháp đột phá trong cơ cấu lại lâm nghiệp gắn với bảo vệ phát triển rừng...

Trả lời câu hỏi của đại biểu về chiến lược phát triển ngành hàng tôm Việt, Bộ trưởng cho biết, đây là ngành hàng có lợi thế đặc biệt, nhu cầu thị trường thế giới mỗi năm tăng khoảng 10%. Chúng ta có lợi thế phát triển ngành này ở ĐBSCL, dải duyên hải 28 tỉnh,.. Để khai thác được lợi thế, chúng ta phải tạo sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người dân trong vấn đề này. Bộ đã xây dựng được đề án cụ thể và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đồng thời phối hợp với các bộ, ngành liên quan để chủ động trong sản xuất tôm giống (tôm sú, tôm thẻ); phát triển khu công nghệ cao về con tôm; vừa nuôi tôm theo hướng sinh thái vừa nuôi thâm canh nước lợ...

Về khắc phục bất cập trong đóng tàu theo Nghị định 67, Bộ chúng ta đã đóng được 666 tàu (vỏ sắt, gỗ, composit), trong đó 297 tàu sắt, hầu hết là công suất lớn. Theo phản ánh của bà con, cơ bản các tàu đã phát huy tác dụng cả về hiệu quả và độ an toàn. Tuy nhiên, vừa qua xuất hiện một số tàu hư hỏng, nằm bờ (Bình Định, Phú Yên), trong đó Bình Định có tới 19 tàu hư hỏng,... Bộ đã yêu cầu 27 tỉnh thành rà soát lại toàn bộ, cử Tổng cục Thủy sản vào làm việc với tỉnh để khắc phục sự cố trên cơ sở minh bạch, trách nhiệm. Bộ cũng trực tiếp tổ chức 1 hội nghị với lãnh đạo 27 tỉnh thành, ngư dân, doanh nghiệp đóng tàu,.. qua đó thống nhất các giải pháp khắc phục sự cố.

Bộ cũng cho biết, tàu hư hỏng thuộc 2 công ty Đại Nguyên Dương, Nam Triệu, Bộ đã đình chỉ 2 DN này dừng đóng mới, tập trung khắc phục triệt để các sự cố (thay máy, vỏ thép đúng tiêu chuẩn...), bồi thường cho người dân;... thành lập đơn vị thẩm định độc lập để đánh giá khách quan sự cố, mời cơ quan công an vào cuộc... để có giải pháp triệt để.

Về bảo vệ thương hiệu nông sản bị một số cơ quan truyền thông nước ngoài đưa tin bôi nhọ, không đúng sự thật, Bộ đã làm việc với các ngành hàng để đưa ra các biện pháp đấu tranh phù hợp.

Về việc hàng xuất khẩu bị trả lại, Bộ cho biết tỷ lệ trả lại rất nhỏ, do yêu cầu của các đối tác rất cao, Bộ sẽ tăng cường các giải pháp kiểm soát, giám sát, để hạn chế tối đa thực phẩm không đủ chất lượng... Và đương nhiên hàng bị trả lại không được sử dụng làm thực phẩm.

Về bảo vệ mặt nước, Bộ khẳng định chúng ta không đánh đổi môi trường để phát triển sản xuất. Bộ đề nghị các tỉnh thành thực hiện nghiêm chủ trương này.

Về xây dựng các khu neo đậu, Bộ trưởng cho biết chúng ta gặp khó khăn về nguồn lực, Bộ đã đưa vào chương trình đầu tư trung hạn, đồng thời bàn với các tỉnh để tìm hướng tháo gỡ...

Đại biểu Ngô Thị Minh tranh luận với Bộ trưởng về quy hoạch nông sản, cho rằng công tác lập quy hoạch đang có vấn đề, chưa phát huy hết đặc thù, lợi thế của địa phương;... Đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) tranh luận với đại biểu Nguyễn Chiến (Hà Nội) về phát huy vai trò của các nhà khoa học trong nước đối với phát triển nông nghiệp; đồng thời tranh luận với 2 Bộ trưởng Nông nghiệp, Công Thương về tổ chức thị trường....

Các đại biểu Phan Thị Bình Thuận (TPHCM); Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình); Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang); Phạm Văn Tuân (Thái Bình); Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận); Huỳnh Thanh Cảnh (Bình Thuận); Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM)... chất vấn về giải pháp quản lý phân bón, ngăn chặn, xử lý tình trạng phân bón giả, kém chất lượng; giải pháp phát triển mô hình HTX công nông; trách nhiệm của Bộ trưởng và giải pháp đẩy mạnh liên kết 4 nhà; vai trò của Bộ trong liên kết tiêu thụ nông sản; phát triển thương hiệu nông sản Việt; giải pháp gỡ vướng về đất đai cho DN đầu tư vào nông nghiệp; xử lý cán bộ công chức vi phạm trong cấp giấy kiểm định phân bón; trách nhiệm quản lý nhà nước trong tổ chức thị trường; giải pháp chung để ngăn chặn xử lý tàu giã cào; giải pháp nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp gắn với nâng cao cuộc sống của người nông dân;...

Về quản lý phân bón, Bộ đang phối hợp với Bộ Công Thương đề sửa đổi lại các quy định hiện hành để chuyển toàn bộ chức năng quản lý phân bón về Bộ Nông nghiệp; đồng thời đẩy nhanh việc sửa đổi Nghị định về quản lý phân bón; xây dựng Nghị định xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón; đồng thời quản lý phân bón, thuốc theo hướng ưu tiên phát triển nông sản hữu cơ..

Về mô hình HTX công nông, luật HTX đã có cơ chế khuyến khích. Về liên kết 4 nhà, chúng ta đang triển khai, có nơi làm tốt (ví dụ như nhãn lồng Hưng Yên, hay phát triển ngành hàng tôm, cá tra...), tuy nhiên về tổng thể còn chưa tốt, bộ sẽ triển khai rà soát và có giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới.

Về giải pháp thu hút, giữ chân các nhà DN đầu tư vào nông nghiệp, Bộ trưởng cho biết, chính sách thu hút của chúng ta chưa hấp dẫn, Bộ đang phối hợp với các cơ quan liên quan để rà soát, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, tháo gỡ các quy định hiện hành cả về đất đai, cơ chế ưu đãi...

Về xây dựng thương hiệu nông sản Việt, Bộ cho biết đang tập trung xây dựng các chùm sản phẩm, thực phẩm Việt ở tầm quốc gia, giá trị lớn...

Về xử lý tổ chức, cá nhân sai phạm trong quản lý phân bón, Bộ đã thu hồi hoạt động cấp giấy phép của các đơn vị vi phạm; kỷ luật các cán bộ sai phạm... Thống nhất 1 đầu mối quản lý là Cục Bảo vệ thực vật.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm tranh luận với Bộ trưởng về trách nhiệm của Bộ trưởng trong tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản để người nông dân sống được. Đại biểu cho rằng chúng ta ứng xử với nông nghiệp, nông thôn, nông dân còn lúng túng, chưa có giải pháp đột phá, cái dễ thì làm, cái khó thì tránh...

Đại biểu Đặng Hoài Tâm (Bình Định) tranh luận về trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc giới thiệu DN đóng tàu kém chất lượng, Tổng cục Thủy sản kiểm định. Đại biểu Nguyễn Sĩ Cương tranh luận về việc chuẩn hóa các loại phân bón cơ bản, hiện Việt Nam có hơn 7000 loại phân bón, trong khi đó Thái Lan chỉ có hơn 100 loại phân bón cơ bản, đại biểu yêu cầu Bộ trưởng làm rõ lộ trình chuẩn hóa phân bón cơ bản,...

Tiếp đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời các đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp); Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng);... về vấn đề phải thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp gắn với thị trường; nâng cao hiệu quả quản lý nông lâm trường; phát triển kinh tế nông nghiệp khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa (nâng mức hỗ trợ trồng, bảo vệ rừng; phối hợp với Bộ Y tế phát triển cây dược liệu, cây con đặc sản...); chính sách đột phá để kêu gọi đầu tư, khuyến khích phát triển hệ thống nhà máy chế biến nông sản; khắc phục hậu quả tàu hư hỏng đóng theo Nghị định 67; cơ cấu lại các loại phân bón cơ bản;...

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trả lời chất vấn. Ảnh VGP/Nhật Bắc

9 giải pháp tổng thể nâng cao năng lực cạnh tranh

Cuối giờ sáng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giải trình một số nội dung về nâng cao sức cạnh tranh, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản.

Chỉ ra những điểm hạn chế của ngành nông nghiệp hiện nay, Phó Thủ tướng cho rằng, chất lượng quy hoạch chưa cao, chưa phù hợp với năng lực sản xuất và chưa gắn với nhu cầu của thị trường, vượt xa chỉ tiêu thực phẩm đặt ra. Dự báo trong quy hoạch thiếu chính xác, cao hơn nhu cầu thị trường như ngành chăn nuôi mà ĐBQB Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) đã đề cập. Công tác điều chỉnh quy hoạch chậm, việc thực hiện quy hoạch còn nhiều hạn chế, đầu tư theo phong trào rất phổ biến. Đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp và công nghiệp dịch vụ nông thôn  chưa đạt yêu cầu do vốn đầu tư khó khăn. Diện tích canh tác theo đầu người thấp, quy mô sản xuất mạnh mún khó áp dụng khoa học công nghệ, thị trường bấp bênh, thiếu ổn định.

“Do đó rất cần giải pháp tổng thể để nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Trước hết, phải hình thành hệ thống giải pháp đồng bộ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nông dân tiếp cận bình đẳng, minh bạch các nguồn lực đất đai, nguồn vốn, KH-CN... để sản xuất hàng hóa. Đây là nhóm giải pháp quan trọng để đổi mới mô hình tăng trưởng nông nghiệp. 

Thứ hai, tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo động lực hình thành các vùng chuyên canh lớn. Ví dụ như sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tập trung hóa sản xuất đòi hỏi phải tích tụ đất đai, nhưng gặp điểm nghẽn là hạn điền, nên cần sửa đổi pháp luật liên quan đến đất đai. 

Thứ ba, rà soát, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của các các vùng, ngành, thậm chí của sản phẩm, nhằm phát huy lợi thế của địa phương, của vùng. Chúng ta có quy hoạch rồi nhưng phải thường xuyên rà soát, điều chỉnh, gắn quy hoạch với nhu cầu của thị trường, với thích ứng biến đổi khí hậu. Phải phân định rõ các nguồn vốn cho hạ tầng, nguồn vốn Nhà nước đầu tư cho hạ tầng chính, nguồn vốn của doanh nghiệp đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, chế biến phục vụ nông nghiệp, nguồn vốn của người dân tham gia vào sản xuất. 

Thứ tư, tổ chức lại sản xuất, phát triển các hình thức sản xuất phù hợp, theo hướng hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị. Ở đây phải giảm các khâu trung gian để giảm giá thành, và nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, nhất là mô hình nông nghiệp công nghệ cao. 

Thứ năm, mở rộng và đẩy mạnh liên kết giữa nhà nông, nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà băng. Trong đó, lấy doanh nghiệp, hợp tác xã và chủ trang trại là trung tâm là động lực cho quá trình phát triển. Nông dân đóng vai trò là người sản xuất và được hưởng lợi ích phân phối từ lao động và đóng góp của mình, có chính sách hỗ trợ nông dân khó khăn.

Thứ sáu, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, ngành nghề tiểu công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn, để giải quyết việc làm, giảm lao động trong nông nghiệp, tạo điều kiện hiện đại hóa nông thôn. 

Thứ bảy, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp, nhất là công nghệ sinh học. 

Thứ tám, tổ chức lại thương mại, sản xuất nông sản trong nước. 

Thứ chín, phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo và trang bị kiến thức, để nông dân có đủ kiến thức nắm bắt thị trường, tạo ra sản phẩm năng suất, chất lượng, hiệu quả và thương hiệu trên thị trường.

Đầu giờ chiều đến 15.00', Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường tiếp tục trả lời chất vấn của các đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh); Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị); Nguyễn Anh Trí (Hà Nội); Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh); Đặng Thuần Phong (Bến Tre); Tăng Thị Ngọc Mai (Trà Vinh); Trần Văn Mão (Nghệ An); Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre); Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương); Nguyễn Tạo (Lâm Đồng);Lê Thanh Vân (Cà Mau); Nguyễn Lân Hiếu (An Giang); Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội); Trương Minh Hoàng (Cà Mau)... về các vấn đề: Cơ cấu lại ngành mía đường, phát triển sản phẩm sau đường; xây dựng khung pháp lý về phát triển nông nghiệp công nghệ cao; giải pháp đẩy nhanh tích tụ ruộng đất gắn với bảo đảm lợi ích cho người nông dân; giải pháp đảm bảo nguồn thức ăn chăn nuôi, không bị phụ thuộc vào nhập khẩu; giải pháp đột phá để nâng cao mức sống người nông dân khu vực miền núi, dân tộc thiểu số; giải pháp xử lý sạt lở ĐBSCL; quản lý phân bón theo hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường; vấn đề bán điện cho người nông dân (chất vấn Bộ trưởng Công Thương); giải pháp phát triển công nghiệp chế biến nông sản; giải pháp tái cơ cấu ứng phó với biến đổi khí hậu; giải pháp để người dân "mặn mà" với bảo hiểm nông nghiệp; kế hoạch phát triển cánh đồng lớn, nông nghiệp công nghệ cao; giải pháp công khai minh bạch trong quản lý phân bón; giải pháp phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản...

Kết luận phiên chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Chủ tịch Quốc hội cho biết đây là lĩnh vực đặc biệt quan trọng đối với đất nước, được Quốc hội nhiều lần quan tâm chất vấn, ban hành nghị quyết giám sát với mong muốn có giải pháp đột phá đối với lĩnh vực này.

Tại phiên chất vấn có 43 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn, 13 đại biểu tranh luận, 22 đại biểu đã đăng ký nhưng do quỹ thời gian hạn chế nên chưa được đặt câu hỏi, đề nghị đại biểu gửi câu hỏi chất vấn để Bộ trưởng trả lời bằng văn bản.

Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn, dù mới nhận nhiệm vụ hơn 11 tháng nhưng Bộ trưởng đã nắm chắc tình hình, thực trạng vấn đề, trả lời thẳng thắn, ngắn gọn, nhận trách nhiệm về những tồn tại, hạn chế và đưa ra giải pháp khắc phục.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá, không khí chung, đa số các đại biểu hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng.

Nêu một loạt những tồn tại, hạn chế trong nông nghiệp cả về tổ chức sản xuất, chế biến, thị trường, nâng cao mức sống người nông dân,... Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, các thành viên Chính phủ tiếp tục có giải pháp căn cơ, toàn diện để cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn trước Quốc hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO