Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện trả lời chất vấn trước Quốc hội

chinhphu.vn| 14/06/2017 10:29

Theo chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, từ 15h05’ ngày 13/6 và nửa đầu buổi sáng ngày 14/6, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều 13/6

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, có 54 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện. Nội dung chất vấn gồm: Vấn đề quản lý, cấp phép các hoạt động văn hóa, nghệ thuật; khai thác, sử dụng các công trình văn hóa, thể thao; tổ chức lễ hội; Giải pháp ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử; xây dựng nếp sống văn hóa và bảo tồn, phát triển văn hóa xã hội; Công tác quản lý và các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng quy hoạch ngành du lịch.

Trong quá trình Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, thay mặt Thủ tướng Chính phủ trả lời những chất vấn thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ; các Bộ trưởng, Trưởng ngành cùng tham gia trả lời chất vấn gồm: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công an, Giáo dục và Đào tạo. Các Bộ trưởng, Trưởng ngành khác trả lời về những nội dung liên quan thuộc trách nhiệm của mình (nếu có).

Mở đầu chất vấn chiều 13/6, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình); Cao Thị Xuân (Thanh Hóa); Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận); Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng); Huỳnh Cao Nhất (Bình Định); Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long); Âu Thị Mai (Tuyên Quang);... chất vấn về nội dung: Giải pháp ngăn chặn hướng dẫn viên du lịch chui; tôn tạo bảo tồn di tích lịch sử; giải pháp để đổi mới tư duy, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý; quy hoạch tổng thể phát triển du lịch duyên hải Nam Trung Bộ; giải pháp căn cơ để chấn chỉnh các hành vi phản cảm trong các lễ hội; vấn đề quy hoạch khu du lịch Sơn Trà (căn cứ để xác định 1600 phòng); liên kết phát triển du lịch vùng; giải pháp khắc phục bất cập trong quản lý (cấp phép) hoạt động nghệ thuật biểu diễn; trách nhiệm của Bộ và giải pháp căn cơ để ngăn chặn tình trạng xuống cấp đạo đức và văn hóa ứng xử; giải pháp bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số; giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động thư viện...

Về quản lý hướng dẫn viên du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, sự việc hướng dẫn viên không được cấp thẻ nhưng vẫn hành nghề du lịch xuất hiện ở một số địa phương khi khách du lịch tăng đột biến hoặc xuất hiện những du khách đến từ những thị trường mà ngôn ngữ không phổ biến. Để xử lý tình trạng hướng dẫn viên chui, Bộ quản lý chặt chẽ và công khai việc cấp thẻ; phạt nặng các công ty lữ hành sử dụng hướng dẫn viên không được cấp thẻ; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng hướng dẫn viên; sửa đổi luật Du lịch,...

Về bảo tồn di tích, Bộ trưởng cho biết, trên cả nước có 3300 di tích quốc gia, gần 1 vạn di tích cấp tỉnh; đa số di tích làm bằng gỗ nên bị xuống cấp, cần được đầu tư nguồn lực để tôn tạo, trùng tu. Tuy nhiên, hiện nay do không còn nguồn đầu tư từ trung ương nên cần xã hội hóa công tác này trên cơ sở gắn bảo tồn với phát huy giá trị di tích lịch sử...

Về bảo tồn văn hóa nghệ thuật truyền thống (tuồng, chèo, cải lương...), nhấn mạnh đây là trách nhiệm rất lớn do nguồn thu từ các loại hình nghệ thuật truyền thống rất khó khăn... Bộ cũng đã tiến hành các hoạt động giới thiệu, quảng bá các loại hình nghệ thuật truyền thống đến với nhân dân và du khách các nước (ví dụ, tổ chức biểu diễn nghệ thuật truyền thống ở Nhà hát lớn,..)...

Về nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý nghệ thuật biểu diễn, thừa nhận những yếu kém trong việc cấp phép ca khúc thời gian qua, Bộ trưởng khẳng định sẽ làm rõ trách nhiệm các cá nhân, xác định các nguyên nhân hạn chế, yếu kém để có giải pháp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ.

Về quản lý lễ hội, Bộ trưởng cho biết nước ta có khoảng 8000 lễ hội, nhìn chung các lễ hội đều được tổ chức văn minh, một số lễ hội có hành vi phản cảm, để chấn chỉnh tình trạng này, Bộ đang xây dựng một dự thảo Nghị định trình Chính phủ ban hành để quản lý, bên cạnh đó các địa phương, các ban tổ chức lễ hội, người dân tham gia lễ hội phải nâng cao trách nhiệm của mình.

Về việc lập quy hoạch khu du lịch Sơn Trà, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết: “Quy hoạch du lịch Sơn Trà được lập đúng trình tự và quy định pháp luật”. Khu vực này có hơn 4.000 ha, quy hoạch du lịch điều chỉnh 1.056 ha, vì quy hoạch quốc gia thì không thể ít hơn 1.000 ha. Trước khi Chính phủ ban hành quy hoạch, TP Đà Nẵng đã cấp phép cho 11 dự án du lịch ở Sơn Trà với hơn 5.000 phòng. Đến khi quy hoạch, số phòng rút xuống còn 1.600. Sau đó, có đề xuất tiếp tục đưa quy mô phòng lưu trú xuống thấp hơn nữa.

“Với Sơn Trà, báo cáo Quốc hội, tôi rất trăn trở. Trước đây tôi công tác ở Huế, có một dự án tương tự là đồi Vọng Cảnh nên rất thấm thía”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nói và khẳng định tinh thần cầu thị lắng nghe ý kiến về quy hoạch du lịch Sơn Trà. “Quan điểm của chúng tôi về phát triển du lịch Sơn Trà là bền vững, bảo vệ các giá trị đa dạng sinh học nổi bật, gắn phát triển với bảo tồn nhưng ưu tiên bảo tồn”, Bộ trưởng nói và nêu rõ, từ 1.600 phòng trong quy hoạch có thể giảm tiếp. “Giảm tối đa, nhưng giảm bao nhiêu thì phải có căn cứ cụ thể”.

Về xây dựng đạo đức lối sống của con người Việt Nam, cho rằng đây là vấn đề rất lớn của đất nước, với trách nhiệm của mình, Bộ đã xây dựng các chương trình, kế hoạch và triển khai tổ chức thực hiện...

Tiếp đó, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trả lời các đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội); Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên); Quách Thế Tản (Hòa Bình); Triệu Thế Hùng (Lâm Đồng); Nguyễn Phi Long (Bình Dương); Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận);... về vấn về: Thu tác quyền tác phẩm âm nhạc (thu tác quyền ở quán cà phê, nhà hàng, khách sạn; thẩm quyền thu tác quyền của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam...); trách nhiệm của bộ trong việc dạy bơi trong trường học; xây dựng nếp sống văn hóa; giải pháp đẩy mạnh học tập suốt đời tại các thư viện, bảo tàng; giải pháp khắc phục mặt trái của lễ hội (tổ chức lễ hội quá nhiều, nhiều lễ hội có dấu hiệu trục lợi, bỏ bê công việc đi lễ); giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh để ngành du lịch thực sự để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số; giải pháp căn cơ ngăn chặn xuống cấp đạo đức; kết quả thực hiện quy hoạch tổng thể hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở;...

Đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) tranh luận với Bộ trưởng về việc bảo tồn phát huy giá trị văn hóa nghệ thuật dân gian. Đại biểu cho rằng, du khách quốc tế, trong nước phải được tiếp cận với di sản gốc của văn hóa dân tộc, không bị tam sao thất bản... Bộ cần có giải pháp căn cơ về vấn đề này. Đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) tranh luận với Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện về vấn đề cấp phép bài hát. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) tranh luận về bảo tồn bán đảo Sơn Trà.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời chất vấn về vấn đề quy hoạch du lịch ở bán đảo Sơn Trà

Trong phiên chất vấn chiều 13/6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời chất vấn về vấn đề quy hoạch du lịch ở bán đảo Sơn Trà.

Quy hoạch khu du lịch quốc gia Sơn Trà chưa được triển khai trên thực tế

Phó Thủ tướng cho biết việc lập Quy hoạch tổng thể khu du lịch quốc gia Sơn Trà căn cứ vào luật Du lịch. Cụ thể, Thủ tướng có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch tổng thể du lịch phát triển cả nước, trong đó có danh mục các đô thị du lịch, các khu du lịch quốc gia.

Theo đề nghị của UBND TP. Đà Nẵng, địa phương được công nhận là khu đô thị du lịch, và có hai khu du lịch quốc gia là Bà Nà và Sơn Trà.

Luật Du lịch cũng quy định các khu du lịch quốc gia phải có diện tích từ 1.000 ha trở lên, phải đón được 1 triệu khách du lịch/năm, phải có cơ sở lưu trú. Quy hoạch khu du lịch quốc gia thì phải do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Quy hoạch tổng thể khu du lịch quốc gia Sơn Trà được xây dựng từ cuối năm 2013 và đến năm 2016 được trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.  Sau đó quy hoạch phải được công bố theo quy định của luật Du lịch trước khi thực hiện.

“Sau khi UBND TP. Đà Nẵng tổ chức công bố quy hoạch ngày 15/2/2017 đã có ý kiến của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng về quy hoạch này. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, và tôi đã trực tiếp yêu cầu bằng văn bản Bộ VHTT&DL, UBND TP. Đà Nẵng phải xem xét, tiếp thu các ý kiến đóng góp một cách rất cầu thị, khoa học và công khai”, Phó Thủ tướng nói và cho biết đã trực tiếp đi nhìn tận mắt những gì đã xây dựng, đang xây dựng và những gì cần phải bảo tồn ở bán đảo Sơn Trà.

Phó Thủ tướng đã dành thời gian đọc tài liệu, hồ sơ về quy hoạch, trao đổi với kiến trúc sư trực tiếp làm đồ án quy hoạch và quyết định để việc tiếp thu ý kiến về quy hoạch khu du lịch quốc gia Sơn Trà được thật sự khách quan thì tạm dừng thực hiện quy hoạch này, thực chất là chưa triển khai, cho tới khi các bên xong việc tiếp thu ý kiến.

“Có nghĩa là trên thực tế hiện nay quy hoạch tổng thể khu du lịch quốc gia Sơn Trà chưa hề được triển khai. Đây là một điểm rất quan trọng”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Các dự án ở Sơn Trà thuộc quản lý và xử lý của UBND TP. Đà Nẵng

Về các dự án du lịch trên bán đảo Sơn Trà, Phó Thủ tướng cho biết trước năm 2013, UBND TP. Đà Nẵng, theo thẩm quyền của mình đã phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, phê duyệt dự án đầu tư cho 25 dự án, trong đó có 18 dự án về du lịch, trong đó có 11 dự án có xây dựng cơ sở lưu trú.

“Một trong những chỉ tiêu rất quan trọng là số phòng lưu trú thì chính xác số phòng của 11 dự án du lịch do UBND TP. Đà Nẵng cấp phép là 1.400 phòng khách sạn, 1.920 căn biệt thự. Nếu mỗi căn biệt thự có 2 phòng thì sẽ có 5.240 phòng, nếu mỗi căn biệt thự có 3 phòng thì sẽ có 7.160 phòng. Và vì như vậy thì dự án du lịch sinh thái Biển Tiên Sa hay bất kỳ dự án nào khác trên bán đảo Sơn Trà đều được cấp phép và nếu có vấn đề vi phạm thì đều phải được quản lý và xử lý bởi UBND TP. Đà Nẵng. Điều này rất rõ ràng”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Về con số 1.600 phòng được nêu trong quy hoạch, Phó Thủ tướng cho biết quy hoạch khu du lịch Sơn Trà được thực hiện và được cơ quan tư vấn gồm các nhà chuyên môn đưa ra rất nhiều giải pháp để bảo đảm phát triển đi đôi với bảo tồn và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

“Tôi đã gặp trực tiếp các nhà chuyên môn, con số 1.600 phòng không phải là ý chí hành chính, không phải dựa vào từ 5.000 phòng giảm xuống 1.600 phòng mà kiến trúc sư trưởng, những người thực hiện đồ án quy hoạch đã tính toán trên các công thức mô hình chuyên ngành du lịch”, Phó Thủ tướng cho biết và thông tin thêm số phòng được tính ra là từ 1.600-3.200 phòng. Hội đồng của Bộ VHTT&DL cuối cùng đã ấn định lấy ngưỡng thấp, ưu tiên hơn cho bảo tồn là 1.600 phòng và quy hoạch đến năm 2030.

Toàn cảnh phiên chất vấn

Phát triển Sơn Trà trước hết phục vụ cho phát triển Đà Nẵng

Điểm tiếp theo được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi là ngay sau khi quy hoạch được công bố đã có ý kiến của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng và Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu UBND TP. Đà Nẵng làm việc và có ý kiến chính thức. Ngày 29/5 UBND TP. Đà Nẵng đã có ý kiến chính thức trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ và nói rõ là Đà Nẵng không đồng ý với kiến nghị giữ nguyên hiện trạng bán đảo Sơn Trà, không xây dựng thêm cơ sở lưu trú của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng. Mặc dù như vậy nhưng Phó Thủ tướng vẫn có văn bản yêu cầu UBND TP. Đà Nẵng tiếp tục rà soát các dự án, làm việc với Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng về hướng, quy mô phát triển du lịch trên bán đảo Sơn Trà trên nguyên tắc bảo đảm phát triển bền vững.

Theo Phó Thủ tướng có hai vấn đề cần phải rất thống nhất. Thứ nhất, về nguyên tắc, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn luôn quán triệt từ đầu là phát triển phải bền vững. Trong quá trình phát triển, chúng ta phải khai thác tài nguyên thiên nhiên, khai thác các lợi thế so sánh về tự nhiên và xã hội để phục vụ phát triển nhưng phải bảo đảm bền vững. Và khi các yếu tố bền vững còn chưa được bảo đảm thì tốt nhất để lui lại đến khi có đủ điều kiện sẽ làm.

“Bảo tồn không cực đoan là đóng khung lại. Thực tế trên thế giới có rất nhiều khu du lịch, kể cả các khu bảo tồn thiên nhiên có động vật hoang dã cũng vẫn phát triển du lịch và thu hút rất tốt do nhờ bảo tồn tốt thì đấy là tài nguyên du lịch”, Phó Thủ tướng nói.

Thứ hai là thực tế, khu du lịch Sơn Trà có đóng góp chưa đáng kể nên không ảnh hưởng lớn đến du lịch cả nước. Và vì phát triển du lịch Sơn Trà trước hết phục vụ phát triển kinh tế-xã hội Đà Nẵng cho nên cần phải có sự thống nhất của cấp ủy, chính quyền Đà Nẵng và phải được sự đồng thuận của nhân dân Đà Nẵng.

“Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng là một tổ chức xã hội nghề nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn TP. Đà Nẵng nên chúng tôi yêu cầu UBND TP. Đà Nẵng phải làm việc với Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng bàn tất cả các khía cạnh của vấn đề để đi đến một sự đồng thuận nhằm có một quy hoạch tốt để phát triển Sơn Trà.

Tinh thần của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là nếu Đà Nẵng sau khi ra soát lại tất cả các dự án, làm việc với các nhà đầu tư, làm việc với Hiệp hội mà thống nhất kiến nghị giảm quy mô đầu tư trên bán đảo Sơn Trà xuống mức nào Chính phủ cũng sẽ đồng ý miễn là dưới mức 1.600 phòng như trong quy hoạch. Và nếu Đà Nẵng thống nhất với Hiệp hội là giữ nguyên trạng Chính phủ cũng đồng tình. Và cao hơn nữa nếu Đà Nẵng và Hiệp hội thấy rằng Sơn Trà chưa nên phát triển du lịch, xin rút khỏi danh mục các khu du lịch quốc gia thì Chính phủ cũng đồng ý. "Tinh thần chung của Chính phủ là phát triển nhưng phải bảo đảm bền vững”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Có phải quy hoạch sau cắt đi 1.000 ha so với quy hoạch trước?

"Có đại biểu đặt câu hỏi có phải Chính phủ phê duyệt 3 quy hoạch liên quan đến Sơn Trà, các quy hoạch sau lại cắt đi 1.000 ha so với quy hoạch trước hay không? Nếu vậy thì nguy hiểm quá!", Phó Thủ tướng nói và giải thích thực tế là tháng 1/2014, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cả nước đến năm 2020, tầm nhìn 2030 trong đó khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà có diện tích 3.871 ha.

Sau đó đến tháng 10/2014, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tiếp quy hoạch về rừng đặc dụng trên cả nước, trong đó rừng đặc dụng ở bán đảo Sơn Trà là 2.591,1 ha.

Tới tháng 11/2016 Thủ tướng Chính phủ quy hoạch khu du lịch Sơn Trà với diện tích 1.056 ha và con số này không phải do quy định của luật Du lịch mà đã được xác định trong bản đồ quy hoạch phát triển Đà Nẵng do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, do Bộ Xây dựng chủ trì, thẩm định.

Ba con số này là ba khái niệm hoàn toàn khác nhau. Một là diện tích khu bảo tồn, một là diện tích rừng đặc dụng, và một là diện tích phạm vi quy hoạch khu du lịch quốc gia, Phó Thủ tướng nêu rõ và nhấn mạnh một lần nữa "không phải Chính phủ cứ phê duyệt cái sau là cắt đi 1.000 ha so với cái trước".

Phó Thủ tướng thông tin thêm, ngay trên diện tích 1.056 ha theo quy hoạch khu du lịch quốc gia Sơn Trà cũng vẫn có rừng đặc dụng và nếu xây tới ngưỡng 1.600 phòng thì diện tích để xây dựng chỉ khoảng vài chục ha.

Phó Thủ tướng bày tỏ: “Chúng ta cần hiểu cho đúng. Nếu không nhân dân nhìn vào sẽ không hiểu tại sao Chính phủ một mặt thì nói không đánh đổi môi trường, một mặt thì cứ quy hoạch sau lại cắt đi 1.000 ha so với quy hoạch trước. Cách hiểu này hoàn toàn không đúng. Đây là các khái niệm khác nhau chứ không phải như vậy. Tôi rất muốn báo cáo với Quốc hội để cử tri yên lòng rằng những quy hoạch này được các bộ chuẩn bị kỹ càng và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dù còn có những điểm chúng ta cần cầu thị tiếp thu, nhưng căn bản là cả hệ thống đã làm rất trách nhiệm chứ không phải qua loa, ẩu như một số lời suy đoán”.

* Sáng 14/6, Quốc hội tiếp tục tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện.

Mở đầu phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trao đổi làm rõ hơn một số nội dung liên quan đến Quy hoạch khu du lịch Quốc gia Sơn Trà, do kết thúc phiên làm việc chiều 13/6, một số đại biểu băn khoăn về vai trò của Chính phủ đối với quy hoạch này.

“Nếu Chính phủ để cho Đà Nẵng tự quyết thì đã không có câu chuyện làm quy hoạch về Sơn Trà với số phòng 300 hay 1.600 và những dự án Đà Nẵng đã cấp phép với quy mô 5.000-7.000 sẽ phòng tiếp tục được triển khai bình thường”, Phó Thủ tướng nêu giả thiết và nhấn mạnh “Chính phủ không để Đà Nẵng muốn quyết Sơn Trà thế nào cũng được. Không phải như vậy”.

Phó Thủ tướng nêu rõ: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mong muốn UBND TP. Đà Nẵng chủ động hơn trong việc tiếp thu tất cả các ý kiến đóng góp về Sơn Trà.

Lý do thứ nhất là vấn đề Sơn Trà cần có sự thống nhất trong đảng bộ chính quyền, và đặc biệt là sự đồng thuận của nhân dân Đà Nẵng.

“Tất cả chúng ta đều yêu mến Sơn Trà như đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói, đều hy sinh vì nó và đều muốn bảo vệ Sơn Trà, nhân dân Đà Nẵng chắc chắn cũng như vậy. Không ai có thể nói là nhân dân Đà Nẵng không yêu mến, không hy sinh để bảo vệ Sơn Trà và nhân dân Đà Nẵng cũng có đầy đủ trí tuệ để đóng góp với chính quyền, với Chính phủ để bảo vệ Sơn Trà tốt hơn”, Phó Thủ tướng nói.

Thứ hai, khi chưa có quy hoạch du lịch, UBND TP. Đà Nẵng, theo thẩm quyền của mình, đã cấp phép các dự án với nhà đầu tư phát triển du lịch ở Sơn Trà. Nhưng bây giờ có quyết định khác ảnh hưởng đến nhà đầu tư thì UBND TP. Đà Nẵng phải chủ động làm việc với các nhà đầu tư.

“Khi UBND TP. Đà Nẵng phối hợp với Bộ VHTT&DL để thống nhất quy hoạch phát triển du lịch ở Sơn Trà ở mức 1.600 phòng thì thành phố cũng đã chuẩn bị và có bước làm việc với các nhà đầu tư. Bây giờ chúng ta giữ quy mô ở mức nào, 300 phòng hay bao nhiêu thì Đà Nẵng cũng cần làm việc với các nhà đầu tư bởi theo pháp luật các quyết định sau khi ảnh hưởng tới lợi ích của doanh nghiệp thì đều phải có giải pháp với doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng phân tích.

“Sau khi có ý kiến cuối cùng của Đà Nẵng, của tất cả các bên, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định. Trong trường hợp chúng ta không phát triển du lịch ở Sơn Trà nữa mà là bảo tồn thì đưa Sơn Trà ra khỏi danh mục 47 khu du lịch quốc gia thì cũng phải do Thủ tướng ký ban hành quyết định”, Phó Thủ tướng khẳng định một lần nữa và tin tưởng “khi UBND TP. Đà Nẵng chủ động hơn vào cuộc thì chúng ta sẽ tìm được một giải pháp, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân Đà Nẵng và nhân dân cả nước".

"Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định vấn đề này trên tinh thần phát triển nhưng phải bền vững và những yếu tố bền vững mà chưa chắc chắn thì chúng ta để lùi lại đến khi có đủ điều kiện. Để làm phát triển bền vững cần có kinh nghiệm, tri thức và trong nhiều trường hợp là suất đầu tư lớn hơn”, Phó Thủ tướng nói.

Sau khi Phó Thủ tướng phát biểu, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cảm ơn Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã giải đáp phần tranh luận của ông. Ông nói: Cử tri hoan nghênh việc Phó Thủ tướng đi thị sát ở bán đảo Sơn Trà. Hôm nay, câu trả lời của Phó Thủ tướng giúp tôi thấy yên tâm. Có lẽ, nhiều cử tri trên cả nước cũng sẽ yên tâm khi Đà Nẵng cùng với sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ có giải pháp tối ưu để khai thác các sản phẩm du lịch.

Tiếp đó, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trả lời các đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM); Mai Sĩ Diến (Thanh Hóa); Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp);Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu);Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn);Bùi Ngọc Chương (Cà Mau);... về giải pháp đổi mới quản lý cấp phép ca khúc; bảo tồn phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số; quản lý việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích; xử lý cán bộ Cục Nghệ thuật biểu diễn; giải pháp nâng cao chất lượng cán bộ; giải pháp ngăn chặn tình trạng quảng cáo sai sự thật; quản lý các hoạt động vui chơi giải trí sau 0 giờ; vấn đề quản lý các hoạt động liên quan đến nghệ thuật truyền thống; quản lý du lịch; đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch, nghệ thuật...

Tạo thuận lợi cho văn nghệ sỹ sáng tác

Cụ thể, về cấp phép ca khúc, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, sau khi những sự việc xảy ra, Bộ VHTT&DL đã yêu cầu các cục, vụ liên quan rà soát lại những thủ tục hành chính liên quan đến việc cấp phép này.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ đã rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, các thủ tục liên quan đến cấp phép những vụ việc vừa qua.

Tinh thần của Bộ là giảm cấp phép, giảm xin - cho để tạo điều kiện, tạo môi trường thuận lợi cho sự sáng tác của văn nghệ sỹ.

Bộ sẽ tìm phương cách quản lý mới phù hợp với tình hình hiện nay, cũng như với quá trình hội nhập quốc tế.

Các lễ hội phản cảm đã giảm bớt

Về tình trạng lễ hội còn nội dung phản cảm, xảy ra hiện tượng mê tín dị đoan, bạo lực, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nêu rõ, Bộ VHTT&DL được giao quản lý nhà nước giúp cho Chính phủ ban hành những văn bản QPPL liên quan đến tổ chức lễ hội.

Chính quyền địa phương đóng vai trò quản lý, đảm bảo trật tự đối với hoạt động lễ hội.

Sau khi lễ hội năm 2015 kết thúc, Bộ đã quán triệt các địa phương với tinh thần tổ chức lễ hội giữ được nét đẹp văn hóa. Ban Bí thư cũng ban hành chỉ thị về tổ chức lễ hội, Thủ tướng cũng ban hành công điện và chỉ thị về vấn đề này; Bộ cũng có văn bản có liên quan.

Có thể nói rằng, trong năm 2017, mùa lễ hội vừa rồi, các lễ hội phản cảm đã giảm bớt, lễ hội Đền Hùng, Lễ Hội Đền Trần đã được tổ chức tốt hơn.

Kết luận phiên chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã trả lời rõ chức năng quản lý nhà nước về lễ hội nhưng cho đến nay mới dừng ở công điện, chỉ thị, thiếu nghị định quản lý nhà nước về lễ hội. Do vậy Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, Bộ VHTT&DL cần lưu ý và sớm trình Chính phủ Nghị định về quản lý nhà nước về lễ hội.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cam kết sẽ tiếp thu vấn đề này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện trả lời chất vấn trước Quốc hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO