Cách mạng tháng Tám và Chính phủ kiến tạo

Vũ Hà| 17/08/2018 10:04

Ngày 3/9/1945, một ngày sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tại Bắc Bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ. Chính phủ lâm thời bấy giờ chỉ có 13 bộ, 15 thành viên và người đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Quy mô của chính phủ lâm thời cũng chính là hình ảnh của mô hình "nhà nước nhỏ, xã hội lớn".

Chính phủ cách mạng lâm thời 1945 tiếp nối tư tưởng pháp quyền mà Tuyên ngôn Độc lập đã nêu rõ, đó là coi trọng quyền của người dân. Hiến pháp năm 1946 đã nêu rõ việc “Đảm bảo các quyền tự do dân chủ” và "Thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân”. Tinh thần tự do dân chủ mà Hồ Chí Minh nói đến và Chính phủ do Người đứng đầu thực hiện chính là một trong những biểu hiện tiêu biểu của một Chính phủ kiến tạo trong năm tháng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ.

Chính phủ Hồ Chí Minh hoàn toàn chủ động trong việc thiết kế chiến lược phát triển đất nước với đường lối “kiến quốc” trên tất cả các mặt; chủ động đối phó với những diễn biến hết sức phức tạp, bất lợi khi thù trong, giặc ngoài quyết liệt phá hoại thành quả của cách mạng. Kiến thiết, kiến tạo là Chính phủ không phải “vừa đá bóng vừa thổi còi”, không làm thay nhân dân, không làm thay tư nhân; mà phải dựa vào nhân dân, phát huy trí tuệ, sức mạnh, trách nhiệm của nhân dân. Người nói: “Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân... Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Bác Hồ là người mở đường, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho giới công thương và các giới khác. Từ năm 1946, Người đã tuyên bố “Quyền tư hữu tài sản của công dân được bảo đảm và Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu về tư liệu sản xuất của những người lao động riêng lẻ”. Điều đặc biệt nhất là ngay từ kỳ họp thứ hai Quốc hội Khóa I (10/1946), Người đã nói đến Chính phủ liêm khiết, Chính phủ kiến thiết quốc gia, xây dựng một nước Việt Nam mới, Chính phủ toàn dân đoàn kết và tập hợp nhân tài không đảng phái, Chính phủ chú trọng thực tế, nỗ lực làm việc, biết làm việc, có gan góc, một lòng vì nước, vì dân.

Bài học phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân của Cách mạng tháng Tám luôn còn nguyên giá trị. Ảnh tư liệu

Quan điểm của Hồ Chí Minh là “đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân”; để giành thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Với những nội dung nêu trên, chúng ta hiểu và khẳng định Chính phủ Hồ Chí Minh là một Chính phủ kiến tạo, đặt nền móng vững chắc cho việc xây dựng Chính phủ kiến tạo các giai đoạn sau. Những quan điểm của Người đã đặt nền móng vững chắc cho việc xây dựng Chính phủ kiến tạo hiện nay.

Về “Chính phủ kiến tạo” hiện nay, trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ tư Quốc hội Khóa XIV (18/11/2017), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu ra nội hàm: (1) Một Chính phủ chủ động thiết kế ra một hệ thống pháp luật tốt, những chính sách tốt, thể chế tốt để nuôi dưỡng nền kinh tế phát triển, chứ không phải bị động đối phó. (2) Nhà nước không làm thay thị trường, những khu vực nào thị trường, doanh nghiệp tư nhân có thể làm được thì nhà nước tạo điều kiện để làm; Nhà nước chỉ đầu tư vào những khu vực doanh nghiệp tư nhân không thể đầu tư. (3) Chính phủ kiến thiết một môi trường kinh doanh thuận lợi. (4) Nói đi đôi với làm; kỷ luật, kỷ cương nghiêm minh; phải thay ngay cán bộ không đáp ứng yêu cầu công việc. Xây dựng chính quyền điện tử, thương mại điện tử, tòa án điện tử...

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ kiến tạo là Chính phủ hành động, nói đi đôi với làm, đề cao trách nhiệm cá nhân và kỷ luật, kỷ cương. (Ảnh: Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2018. Ảnh tư liệu)

Chính phủ kiến tạo hiện nay là sự kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh và tư duy, nhận thức của các nhiệm kỳ trước về tinh thần của một Chính phủ kiến tạo. Trong nhiệm kỳ 2011 - 2015, người đứng đầu Chính phủ cũng đã từng khẳng định: “Phải chuyển mạnh từ nhà nước điều hành nền kinh tế sang nhà nước kiến tạo phát triển”. Điều cần thiết nhất hiện nay là phải xác định được mục đích và nguồn lực của Chính phủ kiến tạo. Mục đích của Chính phủ kiến tạo phải vì dân và do dân. Chính phủ vì dân nghĩa là việc gì lợi cho dân, dù nhỏ mấy cũng phải hết sức làm; việc gì hại cho dân, dù nhỏ mấy cũng phải tránh. Chính phủ do dân là phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân để thực hiện.

Chỉ đạo của Thủ tướng thể hiện sự vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh khi xây dựng Chính phủ kiến tạo trong tình hình, bối cảnh hiện nay. Tư tưởng Hồ Chí Minh hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với một Chính phủ kiến tạo trong bối cảnh đổi mới và hội nhập hiện nay, nhất là việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng ta.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cách mạng tháng Tám và Chính phủ kiến tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO