Cái khó của công tác tuyên giáo

Vũ Hà| 01/08/2018 15:55

Công tác tuyên giáo là một khoa học tổng hợp, bao hàm nhiều phương diện, lĩnh vực khác nhau như: Tư tưởng, lý luận, tuyên truyền, khoa học, giáo dục và đào tạo, báo chí - xuất bản, văn hóa - văn nghệ, lịch sử Đảng, điều tra dư luận xã hội... Là bộ phận cấu thành và là lĩnh vực trọng yếu của công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đòi hỏi những người làm công tác trên lĩnh vực này phải có sự hiểu biết cả về bề rộng lẫn chiều sâu, cả lý luận và thực tiễn.

Để làm tốt công tác tuyên giáo trên hai chức năng tuyên truyền và giáo dục có chất lượng, hiệu quả là điều hoàn toàn không đơn giản chút nào. Hiện nay, công tác tuyên giáo gặp không ít khó khăn, khi mà vấn nạn tham nhũng làm nhức nhối xã hội; những tiêu cực trong công tác cán bộ và sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên là nguy cơ đe dọa vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ...

Bên cạnh đó, các thế lực thù địch lợi dụng những mặt hạn chế, tiêu cực nói trên để xuyên tạc và ra sức chống phá ta với đủ loại biện pháp, thủ đoạn khác nhau hết sức nguy hiểm. Do vậy, để làm tốt công tác tuyên giáo trong tình hình hiện nay thực sự là một khó khăn, thách thức, đòi hỏi người làm công tác tuyên giáo phải vượt lên chính mình.           

Trong khi đó, đội ngũ những người làm công tác tuyên giáo, bên cạnh những mặt mạnh, còn những tồn tại, hạn chế. Nhiều cán bộ “ngại và sợ” khi được phân công công tác ở ngành tuyên giáo, nhất là hiện nay khi mà vấn đề “vật chất” phần nào chi phối đến tâm tư, suy nghĩ, cuộc sống của từng con người. Mặt khác, một số cán bộ chưa đổi mới phương pháp, nghiệp vụ chuyên môn, thiếu kinh nghiệm và thực tiễn cuộc sống, làm cho chất lượng hiệu quả của công tác tuyên giáo bị hạn chế.     

Trong hoàn cảnh cuộc sống với những lo toan, chi phối bởi “cơm áo gạo tiền” hiện nay, để làm tốt công tác tuyên giáo, cán bộ làm tuyên giáo phải chịu khó, tâm huyết với nghề. Là cầu nối giữa nhân dân với Đảng, gieo niềm tin của nhân dân đối với Đảng, bản thân cán bộ tuyên giáo phải thật sự là gương sáng về bản lĩnh chính trị, tư tưởng và đạo đức, lối sống để nâng cao tính đảng, tính chiến đấu và tính thuyết phục.

Mỗi cán bộ tuyên giáo phải có sự hội tụ giữa cái “tâm” và cái “tầm”. Cái tâm là sự kiên định với lý tưởng, quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng; cái tầm lại thể hiện ở sự am hiểu sâu sắc, ở trình độ chuyên môn được đào tạo cơ bản trên một nền tảng văn hóa vững chắc.

Đối với người làm công tác tuyên giáo, hai hoạt động nói và viết phải được vận dụng song hành, nhuần nhuyễn. Nói tốt là để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền miệng. Viết tốt là để góp phần đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện truyền thông mang tính học thuật, có chiều sâu.

Có thể nói, sẽ không thể là cán bộ tuyên giáo giỏi nếu chỉ biết nói hay; cũng không phải cán bộ tuyên giáo giỏi nếu chỉ viết tốt. Mặt khác, cán bộ tuyên giáo phải bám sát thực tiễn và gắn bó mật thiết với nhân dân, kịp thời phát hiện những nhân tố mới, kinh nghiệm hay để tổng kết và phổ biến rộng rãi trong toàn xã hội. Có như vậy, hoạt động của đội ngũ cán bộ tuyên giáo mới sinh động, giàu sức sống và có tính thuyết phục.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cái khó của công tác tuyên giáo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO