Cần bảo đảm tính minh bạch, thống nhất của những quy định trước đó với quy định mới được cùng một cơ quan ban hành

Phan Tân| 22/05/2020 16:56

Ngày 22/5, ngày làm việc thứ 3 Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông tham gia thảo luận trực tuyến đối với dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông dự họp tại điểm cầu Đắk Nông

Theo đó, cùng với thống nhất cao với dự án luật và báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Võ Đình Tín, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông đề nghị cần bảo đảm tính minh bạch, thống nhất của những quy định trước đó với quy định mới được cùng một cơ quan ban hành

Cụ thể, tại khoản 2 Điều 12 của luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành quy định “Khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan ban hành văn bản phải sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ văn bản, phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm của văn bản quy phạm pháp luật do mình đã ban hành trái với quy định của văn bản mới ngay trong văn bản mới đó”. Quy định về nội dung này của luật hiện hành có ưu điểm là bảo đảm tính minh bạch, thống nhất của những quy định trước đó với quy định mới được cùng một cơ quan ban hành, tuy nhiên, việc “phải sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ ... ngay trong văn bản mới đó” cần được cân nhắc. Bởi vì, tên của luật không bao gồm nội dung được sửa đổi, bổ sung của nội dung khác nên khó theo dõi, chưa bảo đảm minh bạch.

Ví dụ: như tên là luật Giáo dục (luật Giáo dục sửa đổi năm 2019) nhưng lại có Điều 113 sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục nghề nghiệp. Tương tự như vậy, luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Kiểm toán nhà nước lại sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Tố tụng hành chính; luật Thủy sản sửa đổi quy định của luật Xử lý vi phạm hành chính hay dự thảo luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này sửa đổi, bổ sung của 6 luật (luật Xử lý vi phạm hành chính, luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch số 35/2018/QH14, luật Đầu tư công số 39/2019/QH14, luật Đầu tư số 03/2016/QH14, luật Tài nguyên nước số 17/2012/QH13, luật Thủy lợi số 08/2017/QH14)...

Mặc dù chỉ là bảo đảm tính thống nhất với chính sách mới được ban hành nhưng do tên luật không có trong nội dung của luật lại sửa đổi, bổ sung luật khác nên ngay cả đối tượng chịu sự điều chỉnh của chính sách đó chưa bảo đảm được tính minh bạch, làm cho hệ thống pháp luật ngày càng phức tạp, rất khó theo dõi thi hành. Mặt khác, việc sửa đổi, bổ sung “ngay trong văn bản mới đó” sẽ dẫn đến khi văn bản quy phạm pháp luật mới đó bị thay thế bởi văn bản khác thì không rõ nội dung của văn bản quy phạm pháp luật khác được sửa đổi trong “văn bản mới đó” có còn hiệu lực hay không.

Ví dụ, Quốc hội ban hành luật Giáo dục sửa đổi để thay thế luật Giáo dục năm 2019 thì nội dung sửa đổi, bổ sung luật Giáo dục nghề nghiệp trong luật Giáo dục năm 2019 (Điều 113) có còn hiệu lực hay không? Bên cạnh đó, quy định như hiện hành cũng như dự thảo luật dễ dẫn đến tình trạng trong cùng một kỳ họp, một thời điểm, một luật hiện hành nhưng lại được sửa đổi, bổ sung trong nhiều luật khác nhau. “Từ lý do nêu trên, tôi cho rằng việc “sửa đổi, bổ sung... ngay trong văn bản mới đó” là chưa bảo đảm rõ ràng, minh bạch và khó theo dõi để thi hành trong thực tiễn”, đại biểu Võ Đình Tín nhấn mạnh.

Cũng theo đại biểu Võ Đình Tín, để tháo gỡ vướng mắc này cần tiếp tục quy định là khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan ban hành văn bản phải sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ văn bản, phần, chương, điều, khoản, điểm do mình ban hành trái với quy định mới nhưng không quy định ngay trong văn bản mới đó. Các sửa đổi, bổ sung quy định của văn bản quy phạm pháp luật khác cần được quy định ở một văn bản quy phạm pháp luật khác và được ban hành cùng thời điểm với văn bản chính. Quy trình, thủ tục sửa đổi, bổ sung quy định của văn bản khác cũng cần đơn giản như: không cần đưa vào chương trình; không cần hồ sơ riêng mà nội dung thuyết minh, giải trình việc sửa đổi sẽ được trình cùng hồ sơ của văn bản quy phạm pháp luật “mới đó”. Bởi những nội dung sửa đổi, bổ sung là để đồng bộ với các chính sách được ban hành. Và trên thực tế, khi ban hành luật Quy hoạch, Quốc hội sau đó đã ban hành luật Sửa đổi, bổ sung nhiều luật để đồng bộ với luật Quy hoạch và có hiệu lực cùng với luật Quy hoạch, nhưng do chưa có quy trình riêng nên vẫn phải có hồ sơ riêng.

Do đó, để bảo đảm hơn tính minh bạch, tạo điều kiện cho việc áp dụng, thi hành, Quốc hội cần sửa đổi, bổ sung quy định của văn bản quy phạm pháp luật khác để đồng bộ với quy định của văn bản quy phạm pháp luật mới thì cần phải sửa ngay nhưng không quy định trong văn bản mới đó mà bằng một văn bản khác với một quy trình, thủ tục đơn giản. Quy định như vậy là để cụ thể hóa nguyên tắc “minh bạch”, “dễ tiếp cận”, dễ thực hiện của văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại Điều 5 của luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần bảo đảm tính minh bạch, thống nhất của những quy định trước đó với quy định mới được cùng một cơ quan ban hành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO