Cần tránh chồng chéo trong kiểm soát liên quan đến ma túy

Đức Diệu| 25/03/2021 14:15

Tham gia thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV vào chiều 24/3, đại biểu Võ Đình Tín, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách, Đoàn đại biểu Quốc hội Đắk Nông cho rằng Dự thảo luật cần tiếp tục bổ sung, chỉnh sửa một số nội dung để tránh chồng chéo, lạm dụng, tùy tiện trong áp dụng luật.

Đại biểu Võ Đình Tín góp ý vào Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy:

Cụ thể, về kiểm soát hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, tại khoản 1, điều 12 Dự thảo luật quy định gồm các hoạt động: nghiên cứu, giám định, sản xuất, vận chuyển, bảo quản, tàng trữ, mua bán, phân phối, sử dụng, xử lý, trao đổi, nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh, tạm nhập, tái xuất, sản xuất, tái nhập. Các chất quy định tại Dự thảo luật này gồm: chất ma túy, tiền chất thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc và thuốc thú y có chứa chất ma túy… Trong Luật Phòng, chống ma túy năm 2020 có quy định việc kiểm soát hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy đối với thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và nghị định Chính phủ giao cho Bộ Y tế kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần...

Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, việc kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần đã có sự thay đổi sau khi Luật Dược được ban hành năm 2006 và sửa đổi toàn diện năm 2015. Cụ thể, tại các khoản 26, điều 12 của Luật này quy định các thuốc, nguyên liệu của thuốc được quy định bao gồm: thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất gây nghiện, thuốc dạng phối hợp có chứa chất hướng thần, thuốc dạng phối hợp có chứa tiền chất, phóng xạ và nguyên liệu làm thuốc có chứa chất hướng thần, chất gây nghiện hoặc chất dùng làm thuốc có chứa chất các loại thuốc trên. Trong khi đó, theo quy định của điều 15, Dự thảo luật thì chỉ có hoạt động tồn trữ, bảo quản, kê đơn, cấp phép, sử dụng, tiêu hủy, kinh doanh đối với thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc tại các cơ sở kinh doanh, cơ sở khám chữa bệnh và cơ sở có hoạt động dược không thuộc diện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược vẫn được dẫn chiếu thực hiện theo quy định của pháp luật là chưa đầy đủ.

Đại biểu Võ Đình Tín, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách, Đoàn đại biểu Quốc hội Đắk Nông tham gia thảo luận về Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi)

Mặt khác, theo quy định của Luật Dược thì Bộ Y tế là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ trong việc quản lý Nhà nước về dược nói chung, trong đó có việc kiểm soát đối với  thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc. Trong khi đó, tại khoản 4, điều 44 và khoản 2 điều 45 của Dự thảo luật này thì Bộ Công an là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ quản lý hoạt động này. Như vậy, cùng một hoạt động kiểm soát hợp pháp đối với thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc nhưng có 2 bộ quản lý nên sẽ có sự chồng lấn về nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ. Mặt khác, nếu quy định như trên là chưa đúng quan đểm chỉ đạo tại Nghị quyết số 18 của Ban chấp hành Trung ương là thực hiện nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính.

Vì những lý do nêu trên, đại biểu Võ Đình Tín đề nghị Dự thảo luật này không nên quy định kiểm soát hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy đối với thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc để thực hiện thống nhất theo quy định của Luật Dược. Trường hợp có quy định trong Dự thảo luật thì chỉ quy định mang tính chất nguyên tắc dẫn chiếu sang Luật Dược để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Toàn cảnh kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV chiều ngày 24/3

Về nội dung quản lý đối với người sử dụng trái phép chất ma túy, so với Dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10, nội dung quản lý đối với người sử dụng trái phép chất ma túy trong Dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp 11 có sự thay đổi. Cụ thể, theo quy định tại điểm B, khoản 3, điều 23 của Dự thảo luật thì việc xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể đối với người sử dụng trái phép chất ma túy không còn giới hạn tối đa 3 lần trong thời hạn quản lý. Đại biểu Võ Đình Tín cho rằng việc quản lý đối với người sử dụng trái phép chất ma túy như theo quy định tại khoản 1 điều 23 của Dự thảo luật không phải là biện pháp xử lý hành chính nên cần phải quy định nội dung quản lý cho phù hợp. Với quy định tại điểm B, khoản 3, điều 23 thì trong thời hạn 1 năm, người sử dụng trái phép chất ma túy có thể bị đưa đi xét nghiệm bất cứ lúc nào, bất kỳ ngày nào là ảnh hưởng trực tiếp đến quyền của con người, quyền của công dân đã được hiến pháp quy định. Đồng thời, việc quy định theo hướng không giới hạn số lần xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể như Dự thảo luật dễ dẫn đến tình trạng tùy tiện, lạm dụng trong thực tiễn triển khai sau này. Vì vậy, đại biểu Võ Đình Tín đề nghị Dự thảo luật cần giới hạn số lần xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể đối với người sử dụng trái phép chất ma túy trong thời hạn quản lý. Có thể giới hạn như quy định Dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 vừa qua là 3 lần trong thời hạn quản lý, hoặc có thể quy định số lần xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể nhiều hơn nhưng phải có giới hạn để tránh việc lạm dụng, tùy tiện khi áp dụng….

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần tránh chồng chéo trong kiểm soát liên quan đến ma túy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO