Chủ tịch Hồ Chí Minh với tình đoàn kết hữu nghị Việt - Lào

Nguyễn Văn Thanh| 15/08/2017 10:14

Từ những năm đầu thế kỷ XX, nhân dân hai nước Lào-Việt Nam đã đoàn kết, cùng nhau đấu tranh chống thực dân Pháp.

Trong tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”, Nguyễn Ái Quốc viết bằng tiếng Pháp đăng tải lần đầu tiên tại Paris, Pháp trên Báo Imprékor của Quốc tế Cộng sản. Ở chương IV, trong bài báo “Các quan cai trị” lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập trực tiếp đến Lào.

Điều đáng chú ý là trong đoạn văn đặc biệt trên đây, Việt Nam và Lào đã thống nhất thành một khối, “hai trong một” mục tiêu, vì sự nghiệp giải phóng của nhân dân Lào. Lời tiên tri đó khẳng định tình đoàn kết của hai dân tộc Việt - Lào dường như đã là một “định mệnh”, một giá trị nhất quán trong suy nghĩ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tết năm 1946, lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư chúc Tết Việt kiều ở Lào. Người đã nhấn mạnh rằng: “Lào và Việt Nam là hai nước anh em. Mối quan hệ giữa hai dân tộc rất là mật thiết. Đối với kiều bào ta làm ăn sinh sống ở đất nước Lào thì Lào lại như là Tổ quốc thứ hai”.  Tầm quan trọng của tình hữu nghị Lào - Việt còn được Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao hơn nữa trong bức điện mừng Ngày thành lập Chính phủ Lào độc lập (18/10/1951): “Tôi xin thay mặt nhân dân Việt Nam tỏ tình đoàn kết với nhân dân Lào; tình đoàn kết thân ái đó sẽ mỗi ngày một tăng cường trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung và là điều kiện căn bản cho cuộc thắng lợi chắc chắn của chúng ta”. Nói như thế có nghĩa, quan hệ Lào - Việt được Chủ tịch Hồ Chí Minh coi là một trong những nhân tố quyết định đối với cách mạng mỗi nước.

Nhân dịp giành được thắng lợi trong cuộc đấu tranh thực hiện hòa hợp dân tộc, thống nhất quốc gia, thành lập Chính phủ Liên hiệp, ngày 10/1/1958, Ban Chỉ đạo Đảng Nhân dân Lào gửi thư cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam khẳng định: “Sở dĩ cách mạng Lào đạt được những thắng lợi to lớn đó là do tinh thần đoàn kết đấu tranh anh dũng kiên cường của nhân dân, cán bộ, chiến sĩ Lào dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Lào, đồng thời cũng do sự đóng góp quan trọng của đồng chí và Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã hết lòng theo dõi, giúp đỡ chúng tôi trong mỗi giai đoạn của cách mạng”.

Trên cương vị lãnh đạo đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đón và tiếp hàng ngàn đoàn khách nước ngoài - cả chính thức lẫn không chính thức. Thế nhưng, chưa có một lần nào mà Người lại viết nhiều, phát biểu nhiều như trong lần đón tiếp nhà vua Lào Xri Xavang Vátthana, tháng 3/1963. Chỉ trong vòng 5 ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc đến 4 bài diễn văn, trong đó có bài dài đến gần 3.000 chữ. Thậm chí, trong 2 bài diễn văn đón và tiễn nhà vua Lào, Người đã 3 lần đọc thơ – phương tiện hiệu quả nhất để nói về cái “tình” trong quan hệ của hai nước: “Việt – Lào hai nước chúng ta; Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long...”. Đặc biệt trong dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 4 lần phát biểu bằng tiếng Lào, sao cho nhân dân hai nước hiểu thật rõ, thật đủ về thông điệp mà Người muốn chuyển tải: “Paxaxôn Việt – Lào Xamặckhi mặnnhưn” – "Nhân dân Việt – Lào đoàn kết muôn năm".

Năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh có bức Điện mừng Mặt trận yêu nước Lào đề ngày 5/1/1969. Trong bức điện này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hai lần dùng cụm từ “nhân dân Lào anh em” để bày tỏ tình cảm sâu sắc của Người đối với nhân dân các bộ tộc Lào. Người cũng bày tỏ lần cuối mong muốn thiết tha rằng “tình đoàn kết giữa nhân dân hai nước chúng ta ngày càng củng cố và phát triển”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vĩnh viễn đi xa. Nhưng mong ước và tâm nguyện của Người về tình hữu nghị giữa hai dân tộc Lào - Việt vẫn đang tiếp tục được vun đắp ngày một xanh tươi. Năm 2017 có ý nghĩa đặc biệt với quan hệ Việt Nam - Lào khi người dân hai nước tưng bừng tổ chức hàng loạt hoạt động hướng tới kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1962-2017) và 40 năm ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Lào-Việt Nam (1977-2017).

Cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, cùng uống chung dòng nước Mê Kông, ngay từ rất sớm, hai dân tộc Việt Nam - Lào đã gắn bó bền chặt bên nhau chống giặc ngoại xâm, bảo vệ chủ quyền dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kaysone Phomvihane; Chủ tịch Souphanouvong cùng các thế hệ lãnh đạo, nhân dân hai nước dày công vun đắp đã trải qua hơn hàng chục năm lịch sử cách mạng kiên cường, vẻ vang với bao thử thách, gian khổ, hi sinh vì độc lập tự do, hạnh phúc của nhân dân hai nước. Vì vậy, quan hệ Việt Nam – Lào đã trở thành quy luật sống còn, là sức mạnh diệu kỳ góp phần làm nên những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam và cách mạng Lào trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cùng phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa... Văn hóa dân tộc hai nước có nhiều nét tương đồng, có truyền thống hòa hiếu. Thực tiễn đã minh chứng, trải qua rất nhiều gian nan thử thách, song quan hệ Lào-Việt vẫn rạng rỡ tỏa hương như hoa Chăm-pa tươi đẹp, như bông sen tươi thắm, sáng trong đất trời!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch Hồ Chí Minh với tình đoàn kết hữu nghị Việt - Lào
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO