Có các bác mới có bà con chúng ta hôm nay!

Hoàng Hoài| 09/11/2017 10:03

Trong dịp tỉnh tổ chức Lễ tưởng niệm và đặt Bia tưởng niệm ghi danh cán bộ, chiến sĩ chiến đấu, hy sinh trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đường hành lang chiến lược Bắc-Nam, đoạn qua tỉnh Đắk Nông, nhiều người dân đã có dịp chứng kiến, gặp gỡ nhân chứng trực tiếp tham gia vào quá trình xoi, mở đường năm xưa. Điều đáng nói, có mặt tại buổi lễ, nhiều người dân đã thể hiện lòng trân trọng, ngưỡng mộ, tự hào về các thế hệ cha anh đã có nhiều đóng góp cho quê hương, đất nước.

ADQuảng cáo

Các cán bộ cách mạng từng tham gia xoi mở đường hành lang chiến lược Bắc - Nam về tham dự Lễ tưởng niệm với niềm tự hào, xúc động

Các bác từng tham gia xoi mở đường hành lang chiến lược Bắc-Nam ngày ấy, đến nay người còn, người mất. Nhưng những người còn sống, dù tuổi cao, sức yếu vẫn cố gắng đến tham dự Lễ tưởng niệm với niềm tự hào về một thời đã qua.

Khi ban tổ chức đọc danh sách các cán bộ, chiến sĩ và thân nhân liệt sĩ từng tham gia xoi mở đường hành lang chiến lược Bắc-Nam để tỉnh tặng quà thì có bác phải nhờ hai người dìu đi, có bác phải nhờ người cõng trên lưng. Đọng lại trong lòng mọi người có mặt hôm đó chính là ánh mắt luôn rạng ngời, kiên định và rất đỗi tự hào của những người đã từng vào sinh ra tử năm xưa.

Buổi lễ hôm ấy có một bác đi không được nên người nhà phải cõng lên bục vinh danh là một hình ảnh làm nhiều người xúc động. Dưới khán đài, một chị người dân tộc thiểu số thốt lên: “Có các bác mới có bà con chúng ta hôm nay đó!”. Câu nói rất chân thành, với sự ngưỡng mộ và tri ân thế hệ cha anh đi trước. Đó cũng là ý thức, sự cảm nhận về những hy sinh, mất mát, sự cống hiến của cán bộ, chiến sĩ cho độc lập, tự do, hòa bình của đất nước. Bởi lẽ, con đường hành lang chiến lược Bắc-Nam là biểu tượng của sức mạnh tinh thần, trí tuệ, lòng dũng cảm của các cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên trong những năm kháng chiến chống Mỹ gian khổ, hào hùng.

ADQuảng cáo

Trong niềm xúc động, già làng K’Măng, ở bon N’Jriêng, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) cho biết: “Về dự lễ, già được nghe kể về quá trình xoi mở đường chiến lược năm 1960, nên hiểu hơn về khó khăn, gian khổ mà bao nhiêu cán bộ, chiến sĩ đã trải qua. Hôm nay là ngày rất có ý nghĩa đối với bà con dân tộc thiểu số xã Đắk Nia. Sau buổi lễ này, già sẽ về kể chuyện xoi mở đường này cho bà con bon làng, nhất là thế hệ trẻ biết để lưu truyền cho đời sau. Già cũng sẽ vận động con cháu chăm lo làm ăn, đoàn kết, tích cực xây dựng bon làng giàu đẹp”.

Bà Hoàng Thị Thảo, người dân xã Đắk Nia bế cháu mới 4 tháng tuổi về dự lễ với tâm trạng tự hào, đầy cảm xúc về một sự kiện lịch sử được tổ chức trọng thể ngay trên mảnh đất quê của mình. Để đến được địa điểm tổ chức lễ, bà đã phải nhờ con cháu chở ra từ sáng sớm.

Bà Thảo nói: “Bà con rất tự hào khi thôn Đồng Tiến được chọn làm nơi đặt Bia tưởng niệm để ghi danh, tưởng nhớ công ơn của các cán bộ, chiến sĩ tham gia xoi mở đường hàng lang chiến lược Bắc-Nam, đoạn qua tỉnh Đắk Nông. Nhà nước đã quan tâm nâng cấp di tích lịch sử, để giáo dục lớp trẻ sau này thì bà con trân trọng lắm”.

Lễ tưởng niệm đã kết thúc, nhưng chắc chắn dư âm của nó vẫn sẽ còn vang mãi trong lòng người dân tỉnh nhà, nhất là hiện nay, khi tỉnh đang xúc tiến các công việc cần thiết để triển khai xây dựng Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt “Địa điểm bắt liên lạc khai thông đường hành lang chiến lược Bắc-Nam, đoạn qua tỉnh Đắk Nông”. Trong ngày hội ngộ của nhiều thế hệ, không chỉ cán bộ, chiến sĩ từng tham gia xoi mở đường mà đông đảo người dân Đắk Nông đều mong muốn Khu di tích sớm được xây dựng trở thành “địa chỉ đỏ” để giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Có các bác mới có bà con chúng ta hôm nay!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO