Cộng đồng trách nhiệm trong thực hiện hoạt động nhân đạo

Bài, ảnh: Hoàng Hoài| 04/10/2018 10:09

10 năm qua, Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” đã góp phần đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức các cấp, ngành, đơn vị và các tầng lớp nhân dân về hoạt động nhân đạo tại cộng đồng, chuyển từ vận động điểm là chính sang vận động diện rộng và cộng đồng trách nhiệm trên cơ sở hợp tác đối tác.

ADQuảng cáo

Các tập thể xuất sắc trong 10 năm thực hiện cuộc vận động được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tặng Bằng khen

Làm việc thiện phải có cái tâm trong sáng

Đó là kinh nghiệm được các tập thể, cá nhân chia sẻ tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TU về hưởng ứng Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” do Tỉnh ủy tổ chức mới đây. Bởi chỉ có tâm trong sáng, không vụ lợi cá nhân, công khai minh bạch trong việc nắm bắt, giám sát thì mới tạo được niềm tin, uy tín lâu dài.

Tại huyện Đắk Mil, năm 2008, qua khảo sát có 498 địa chỉ nhân đạo cần trợ giúp thì đến năm 2018 đã có 453 địa chỉ được trợ giúp (đạt 91,1%). Các trường hợp được hỗ trợ đều là những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không có khả năng tự vươn lên, không có các công trình phúc lợi xã hội cần thiết cho sinh hoạt.

Điều đáng nói hơn, huyện Đắk Mil không chỉ huy động được sự tham gia của người dân mà còn kêu gọi được các doanh nghiệp cùng đồng hành với những địa chỉ, việc làm cụ thể. Cụ thể, Công ty Cao su Daknoruco hỗ trợ làm 7 căn nhà; Công ty TNHH MTV đầu tư và phát triển Đại Thành hỗ trợ 400 triệu đồng; các DNTN Hoàng Long, Mai Thành, Vịnh Cương, Thúy Vân hỗ trợ từ 15-20 triệu đồng; Hội thánh Tin lành miền Nam Việt Nam hỗ trợ 150 triệu đồng…

Theo ông Phan Khánh Tùng, Phó Bí thư Huyện ủy Đắk Mil, để thu hút được nhiều cá nhân, tập thể tham gia, việc vận động, kêu gọi phải có địa chỉ cụ thể, rõ ràng cũng như công khai, minh bạch trong đóng góp, hỗ trợ, mới tạo niềm tin cho nhân dân, nhất là phát huy được nội lực của địa phương. Không những vậy, huyện cũng rất coi trọng chỉ đạo điểm, lựa chọn mô hình vận động quỹ, mô hình trợ giúp đối tượng phù hợp.

Tương tự, chỉ tính từ năm 2012-2017, Báo Đắk Nông đã vận động cán bộ, nhân viên cơ quan và các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đóng góp, giúp đỡ người khó khăn, hoạn nạn với số tiền hơn 5 tỷ đồng. Hoạt động hỗ trợ được thực hiện với nhiều hình thức đa dạng như tặng nhà, cấp cây, con giống, lương thực, thực phẩm, khám, cấp phát thuốc miễn phí… 5 năm qua, Báo Đắk Nông đã trao được 83 căn nhà tình thương, hàng chục con bò giống, hàng ngàn suất quà, hàng trăm suất học bổng cho gia đình khó khăn, học sinh nghèo. Các hoạt động được thực hiện trực tiếp, hạn chế qua khâu trung gian với phương châm “đến với người nghèo chứ không để người nghèo đến với người trao quà”.

Đặc biệt, thông qua Quỹ Tấm lòng vàng, Báo Đắk Nông đã kêu gọi được nhiều nhà hảo tâm giúp đỡ hàng trăm trường hợp khó khăn, hoạn nạn. Mới đây nhất, khi Báo Đắk Nông đăng bài về trường hợp chị Nguyễn Thị Hà, xã Ea Pô (Cư Jút), thuộc diện hộ nghèo, con gái của chị là Trần Bích Trâm (SN 2007) bị ung thư, nhiều cá nhân, tổ chức đã quan tâm giúp đỡ gia đình chị được hơn 120 triệu đồng.

ADQuảng cáo

Ông Hồ Văn Miền, Phó Tổng Biên tập Báo Đắk Nông cho biết: “Muốn làm công tác xã hội từ thiện đúng nghĩa thì phải làm bằng cái tâm trong sáng, không vụ lợi. Người làm công tác này không có được nguồn lợi vật chất, nhưng lòng luôn ấm và tình cảm luôn đong đầy với cộng đồng. Vì vậy, ngoài huy động nguồn lực trong cơ quan, chúng tôi cố gắng vận động thêm các nguồn lực bên ngoài đóng góp cho Quỹ Tấm lòng vàng để sẻ chia với hoàn cảnh không may và phát huy vai trò, trách nhiệm đối với xã hội”.

Các tập thể xuất sắc trong 10 năm thực hiện cuộc vận động được UBND tỉnh tặng Bằng khen

Bà Lê Thị Thủy Tiên ở thị trấn Kiến Đức (Đắk R’lấp) là một trong những cá nhân tiêu biểu trong thực hiện cuộc vận động, với việc nhiều năm tham gia nấu cơm, phát cháo từ thiện, kêu gọi xây nhà tình thương, giúp bệnh nhân nghèo viện phí, xây dựng cầu, đường, hỗ trợ phát triển sản xuất…

Theo bà Tiên, phương châm kết nối và cộng hưởng rộng rãi từ các nguồn lực xã hội khác nhau để lan tỏa, tạo điều kiện giúp đỡ nhiều mảnh đời cơ cực, bất hạnh trong xã hội như thông qua mạng xã hội, báo chí… Vì vậy, mỗi trường hợp bà kêu gọi trên mạng xã hội luôn thu hút được nhiều người tham gia và đồng hành giúp đỡ. Trên hết, việc giúp đỡ cũng được bà công khai minh bạch rõ ràng để người giúp đỡ biết và tạo sức lan tỏa sâu rộng.

Đa dạng hình thức giúp đỡ

Theo đánh giá, qua 10 năm triển khai thực hiện, các mục tiêu, nội dung của Chỉ thị 25 đã được cụ thể hóa thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong mọi hoạt động của các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể theo hướng chuyên nghiệp. Công tác chăm lo, giúp đỡ các đối tượng khó khăn ngày càng ổn định, bền vững. Các nội dung, hình thức triển khai luôn đổi mới, đa dạng, bám sát chủ trương đúng đắn của cấp ủy đảng, chính quyền trong công tác nhân đạo.

Trong quá trình triển khai, nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, mang lại hiệu quả cao, tạo được điểm nhấn và sức lan tỏa sâu rộng trong nhân dân xuất hiện như Nuôi heo đất, Hũ gạo tình thương, Bếp ăn tình thương vì bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện, Thùng tiền nhân đạo, Địa chỉ tấm lòng vàng… Các đơn vị điển hình trong hoạt động nhân đạo được đánh giá cao như Báo Đắk Nông, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, Công ty Cao su Daknoruco, Doanh nghiệp Tuấn Phượng, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo huyện Đắk R’lấp, Hội Chữ thập đỏ các huyện Đắk R’lấp, Đắk Mil và thị xã Gia Nghĩa, các cá nhân Lê Thị Thủy Tiên, Nguyễn Thị Kim Phượng…

Đồng chí Ngô Thanh Danh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khẳng định: “Mỗi tổ chức mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” là cuộc vận động mang tính lâu dài, xuyên suốt trong quá trình thực hiện các chính sách an sinh xã hội, thể hiện rõ truyền thống nhân ái, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc. Để cuộc vận động ngày càng được nhân rộng trở thành việc làm thường xuyên, đạt hiệu quả cao, mọi tổ chức, cá nhân và những người có tấm lòng hảo tâm cần luôn quan tâm, ủng hộ cho những mảnh đời khó khăn, nghèo khổ thoát ra khỏi cơ nhỡ, đau thương.

10 năm qua, toàn tỉnh đã khảo sát và lập hồ sơ được 5.716/9.500 địa chỉ nhân đạo (đạt 60%), trong đó có 5.631 địa chỉ là cá nhân, hộ gia đình và 85 địa chỉ là tổ chức, đơn vị; 62/71 hội chữ thập đỏ cấp xã triển khai khảo sát, lập hồ sơ địa chỉ nhân đạo (đạt 87%). Tính đến hết quý 1/2018, toàn tỉnh đã trợ giúp cho 5.552 hồ sơ đã lập (đạt 97%) với tổng số tiền trên 76 tỷ đồng. Từ số tiền này, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ thường xuyên cho 3.132 người; sửa chữa và xây mới 716 căn nhà, 13 phòng học, 4 phòng ở cho hội người mù, 7 nhà công vụ, 33 giếng khoan cho trường học, 4 cây cầu dân sinh, 2 đường bê tông nông thôn; trao 70 con bò giống, 386 sổ tiết kiệm, hỗ trợ vốn sản xuất cho 112 người.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cộng đồng trách nhiệm trong thực hiện hoạt động nhân đạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO