Công tác giáo dục lý luận chính trị ở cơ sở vẫn còn những bất cập

Hoàng Thanh| 12/07/2018 08:28

Theo đánh giá của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Nông tại hội nghị giao ban công tác giáo dục lý luận chính trị (LLCT) 6 tháng đầu năm 2018 mới đây, Trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thị xã trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng LLCT. Mặc dù gặp không ít khó khăn, nhưng các trung tâm đã mở được 88 lớp với 9.191 học viên, góp phần nâng cao trình độ LLCT cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, đúng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII).

Tại Hội nghị giao ban công tác giáo dục LLCT tổ chức tại huyện Đắk R'lấp mới đây, ông Nguyễn Văn Hiên, Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện Đắk Mil nêu những khó khăn trong việc mở các lớp sơ cấp chính trị cho cán bộ, đảng viên

Tuy nhiên, theo các trung tâm, hiện nay công tác giáo dục LLCT ở cơ sở đang gặp nhiều khó khăn, bất cập, nhất là về đội ngũ giảng viên. Tổng biên chế giảng viên tại trung tâm các huyện, thị xã hiện nay là 37 người và giảng viên kiêm chức là 96 người. Thiếu giảng viên nên việc đứng lớp chủ yếu là giảng viên kiêm chức. Đáng nói là giảng viên kiêm chức là lãnh đạo các ban, ngành của huyện, thị xã kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ nên công tác chuẩn bị bài giảng, bố trí thời gian lên lớp gặp khó khăn nhất định.

Đối với học viên, qua theo dõi, các trung tâm cho rằng vẫn còn biểu hiện lười học LLCT, thể hiện qua việc bỏ lớp, bỏ tiết. Thậm chí, có những lớp học viên còn không tham gia mặc dù có giấy triệu tập, quyết định cử đi học của cấp ủy. Đáng lo ngại là việc chiêu sinh mở các lớp bồi dưỡng chương trình sơ cấp LLCT hiện nay đang gặp khó. Trong 6 tháng đầu năm chỉ có Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện Đắk Mil là mở được lớp, các trung tâm khác không mở được lớp nào.

Theo ông Nguyễn Văn Hiên, Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện Đắk Mil, thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, đơn vị đã tiến hành chiêu sinh 4 lớp, nhưng chỉ có 292 học viên tham gia, không đủ theo danh sách triệu tập, yêu cầu. Trên thực tế, đa số cán bộ, đảng viên cơ sở không hào hứng tham gia các lớp sơ cấp LLCT mà chỉ muốn tham gia các lớp trung cấp hay cao cấp.

Một bất cập nữa mà tất cả các trung tâm đều có ý kiến với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy là hiện nay, Thông tư 36 ngày 30/3/2018 thay thế cho Thông tư 139 ngày 21/9/2010 về kinh phí đào tạo chưa phù hợp. Theo đó, những điều khoản trong Thông tư 36 về “Hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức” không quy định rõ ràng về mức chế độ chi trả cho giảng viên và học viên tham gia đào tạo, bồi dưỡng LLCT. Đơn cử, theo Thông tư 139 thì học viên tham gia sơ cấp, ngoài việc được chi trả một số chế độ theo quy định hiện hành thì mỗi ngày tham gia học viên sẽ được hỗ trợ 50.000 đồng nhưng Thông tư 36 thì không.

Trước những khó khăn trên, các trung tâm đã kiến nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề nghị Trường Chính trị tỉnh, các huyện ủy, thị ủy không xét duyệt cho những trường hợp chưa có bằng sơ cấp LLCT hoặc chưa có chứng chỉ công nhận có trình độ tương đương tham gia học trung cấp LLCT. Đồng thời, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cần tham mưu, có ý kiến với HĐND tỉnh và các cơ quan có liên quan hướng dẫn thực hiện Thông tư 36 cần quy định rõ ràng, cụ thể về mức chi hỗ trợ cho học viên và giảng viên tham gia giảng dạy tại các trung tâm bồi dưỡng chính trị và Trường Chính trị tỉnh. Để nâng cao hơn nữa trình độ LLCT cho cán bộ, đảng viên, các cấp ủy, cơ quan, đơn vị và người đứng đầu cần nghiêm khắc, xem xét ý thức chấp hành việc học LLCT của cán bộ, đảng viên để xét thi đua cuối năm. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công tác giáo dục lý luận chính trị ở cơ sở vẫn còn những bất cập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO