Công tác tư tưởng là nền tảng, đi trước một bước

Tường Mạnh| 09/09/2021 10:22

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định quan điểm: Kiên quyết, kiên trì thực hiện xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu quả, trọng tâm là thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xác định công tác tư tưởng là nền tảng...

Với việc xác định quan điểm công tác tư tưởng là nền tảng, cùng với đạo đức cách mạng, Đảng bộ tỉnh khẳng định, tư tưởng là cái gốc của mọi vấn đề trong thực hiện xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Một khi tư tưởng đã thông thì chắc chắn sẽ có sự chuyển biến từ nhận thức đến hành động, không có những biểu hiện lệch lạc, và là tiền đề để tự soi tự sửa, phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có hiệu quả.

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) đã phân tích rõ, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là tình trạng tiêu cực, là sự tự biến đổi, thay đổi tư tưởng chính trị trong nhận thức và hành động của các tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị, đi ngược mục tiêu lý tưởng, đạo đức cách mạng của Đảng; làm giảm sút sức chiến đấu, dẫn đến triệt tiêu vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của chính quyền, đoàn thể các cấp.

Việc phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là quá trình đấu tranh lâu dài, đan xen nhau giữa các mặt tích cực và tiêu cực trong mỗi cá nhân, tổ chức, đơn vị. Nếu công tác đấu tranh bị buông lỏng, yếu tố tiêu cực sẽ tăng dần lên, yếu tố tốt đẹp sẽ suy giảm, phai nhạt dần; khi mà cái xấu vượt trội, thắng thế, chi phối thì sẽ tạo ra sự “tự chuyển hóa” rất nguy hiểm.

Vì vậy, phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” phải bắt đầu từ công tác tư tưởng phải đi trước một bước, với việc làm tốt giáo dục chính trị, tư tưởng, tạo chuyển biến từ nhận thức đến hành động của mỗi cá nhân trong cuộc sống và công việc hàng ngày.

Thực tế cho thấy, việc phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cần phải được nhận diện, đặt ra một cách nghiêm túc ngay trong chính nội bộ của mỗi cơ quan, đơn vị. Một cơ quan, đơn vị có tình trạng độc đoán, vị kỷ, mất dân chủ thì môi trường làm việc sẽ thiếu công bằng, phát sinh tư tưởng lệch lạc và vấn đề tiêu cực. Trong môi trường đó sẽ nảy sinh sự nghi kỵ, dè dặt, giữ kẽ, ngại đóng góp ý kiến, không dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Trong một tập thể mất đoàn kết, người có trình độ, năng lực, sống thẳng thắn cũng có thể sẽ nhụt chí, không thể phát huy hết khả năng làm việc, giảm sút, thậm chí triệt tiêu tinh thần đấu tranh, phê bình. Đây cũng có thể sẽ là mầm mống dẫn đến “tự chuyển hóa”, “tự diễn biến” về mặt đạo đức, tư tưởng, chính trị.

Để có một tập thể tốt, mỗi cơ quan, đơn vị cần phải làm tốt công tác tư tưởng, bắt đầu từ việc xây dựng một môi trường làm việc thực sự lành mạnh. Qua đó, mỗi thành viên có điều kiện để phát huy tính tích cực, phấn đấu vì sự nghiệp chung, đẩy lùi những hạn chế tiêu cực trong tư tưởng, hành động, trong công việc hàng ngày.

Trong đội ngũ lãnh đạo cũng cần có sự đoàn kết, nhất trí cao, không bè phái, cục bộ. Lãnh đạo cơ quan phải biết nhìn nhận, đánh giá đúng mặt mạnh, mặt yếu của từng cá nhân để giao việc cũng như tạo điều kiện cho mọi người phấn đấu. Nếu lãnh đạo ai cũng vì công việc chung của tập thể thì chắc chắn mọi người cũng sẽ đồng lòng, thống nhất.

Sống và làm việc trong môi trường thực sự tốt đẹp, chắc chắn mỗi người sẽ gạt bỏ sự vị kỷ, nhỏ nhen và sẵn sàng phấn đấu vì lợi ích tập thể. Hơn nữa, mọi người sẽ luôn nêu cao tinh thần tự giác, tăng cường rèn luyện phẩm chất đạo đức, chống suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công tác tư tưởng là nền tảng, đi trước một bước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO