Củng cố, nâng cao chất lượng cơ sở đoàn ở khu dân cư: Việc làm thường xuyên, liên tục

Hoàng Bảo| 19/02/2014 10:50

Các cơ sở đoàn, chi đoàn dân cư phải tiếp tục được xây dựng theo hướng 4 chủ động (chủ động trong nắm bắt tình hình; xây dựng kế hoạch công tác; thực hiện nhiệm vụ; tham mưu với cấp ủy đảng và phối hợp với các tổ chức liên quan trong thực hiện nhiệm vụ)...

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 71 đoàn xã, phường, thị trấn và 770 chi đoàn thôn, buôn, bon, với 15.378 đoàn viên (chiếm 47,2% số đoàn viên toàn tỉnh). Thời gian qua, Tỉnh đoàn luôn có sự quan tâm đến chất lượng hoạt động, tổ chức các phong trào cũng như đổi mới nội dung, phương thức sinh hoạt theo hướng tập trung về cơ sở, nhất là những khu vực vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số với nhiều chương trình, hình thức thích hợp. Nhờ đó, chất lượng tổ chức cơ sở Đoàn ở khu vực dân cư đã có những chuyển biến tích cực, hoạt động cơ bản đáp ứng được nhu cầu của đoàn viên, thanh niên. Công tác quản lý đoàn viên được chấn chỉnh một bước, số lượng đoàn viên mới được kết nạp hàng năm luôn vượt so với chỉ tiêu đề ra. Cụ thể như trong năm 2013, toàn tỉnh kết nạp được 6646 đoàn viên mới, tăng 10% so với chỉ tiêu đặt ra. Đội ngũ cán bộ Đoàn được quan tâm, kiện toàn theo hướng chuẩn hóa, trẻ hóa, từng bước được đào tajo, nâng cao kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ.

Tuy nhiên, hiện nay, hoạt động của các tổ chức cơ sở Đoàn trên địa bàn khu dân cư cũng đang gặp nhiều khó khăn như: kết cấu thiếu bền vững; có nơi, có thời điểm chi đoàn không có đoàn viên sinh hoạt. Bên cạnh đó, khả năng, sức ảnh hưởng của tổ chức Đoàn đối với đoàn viên, thanh niên còn mờ nhạt. Một số nơi, tổ chức Đoàn chỉ hoạt động cầm chừng, phong trào trầm lắng, không phát triển được đoàn viên mới, đoàn viên cũ thì bỏ sinh hoạt. Điều này dẫn đến chất lượng đoàn viên thấp, ranh giới giữa đoàn viên và thanh niên chưa rõ ràng.

Qua tìm hiểu được biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, nhưng trước hết là do nhu cầu học tập, việc làm, nên đoàn viên, thanh niên trên địa bàn dân cư thoát ly khỏi địa phương đi làm ăn xa chiếm tỷ lệ lớn. Theo anh Ngô Doãn Thuần, Phó Bí thư Đoàn xã Đắk Drô (Krông Nô) thì xã có 11 chi đoàn, với 150 đoàn viên. Do phần nhiều đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn, nên công tác tập hợp là rất khó, bởi họ phải đi làm xa để nuôi sống gia đình. Với những đoàn viên là học sinh thì chủ yếu sinh hoạt vào dịp nghỉ hè. Đoàn viên lập gia đình thì lại nghỉ sinh hoạt Đoàn để tham gia các tổ chức khác. Còn theo chị Nguyễn Thị Nguyệt, Bí thư Đoàn xã Ea Pô (Chư Jút) thì xã có nhiều thanh niên dân tộc thiểu số, nên để vận động họ tham gia sinh hoạt Đoàn đều phải thuyết phục rất nhiều, tốn thời gian, công sức. Do đó, hàng năm, Đoàn xã đều phải tổ chức nhiều hoạt động thể dục, thể thao, văn nghệ cũng như hỗ trợ trong phát triển kinh tế thì mới mong giữ chân đoàn viên. Một số nơi, để chọn được người xứng đáng làm bí thư chi đoàn khu dân cư là một điều không dễ, bởi đa số thanh niên nông thôn, dân tộc thiểu số không đáp ứng được các nhu cầu đề ra, nhất là về mặt năng lực, trình độ, kỹ năng nghiệp vụ, hoặc không nhiệt tình và tâm huyết với công tác Đoàn. Việc một số cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đến công tác thanh niên, cũng như chưa tạo điều kiện cũng làm cho hoạt động Đoàn khu dân cư chưa phát triển.

Theo anh Ngô Xuân Đông, Phó Bí thư Tỉnh đoàn thì việc tăng cường củng cố, nâng cao chất lượng cơ sở Đoàn trên địa bàn dân cư là một việc làm thường xuyên, liên tục và trọng tâm. Bởi lực lượng đoàn viên đông và mạnh thì tổ chức Đoàn mới mạnh, hoạt động mới được nâng cao. Đặc biệt, trong năm 2014, Tỉnh đoàn đã đặt ra chỉ tiêu kết nạp mới 6.700 đoàn viên và giới thiệu 3.200 đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét (trong đó 65% đoàn viên ưu tú được kết nạp Đảng) thì càng khó khăn hơn. Vì vậy, để đạt được mục tiêu này, thời gian tới, các cấp bộ Đoàn cần tập trung mọi nguồn lực để đầu tư, củng cố làm chuyển biến căn bản tình trạng yếu kém nhiều năm qua của cơ sở Đoàn trên địa bàn dân cư, thật sự xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của đoàn viên, thanh niên. Cùng với việc đổi mới phương thức hoạt động nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng thì các cấp Đoàn cũng cần chú trọng xây dựng và hình thành đội ngũ cán bộ Đoàn đủ về số lượng, có kỹ năng, nghiệp vụ, khả năng vận động thanh niên. Các phong trào, hoạt động của Đoàn khi tổ chức cần phù hợp với thực tiễn cũng như tạo sân chơi sinh hoạt bổ ích, lý thú để đoàn viên sinh hoạt. Bên cạnh đó, các cấp Đoàn cũng cần quan tâm đến nhu cầu, lợi ích của đoàn viên, nhất là nữ giới, đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn thông qua các hoạt động hỗ trợ phát triển kinh tế. Các cơ sở đoàn, chi đoàn dân cư phải tiếp tục được xây dựng theo hướng 4 chủ động (chủ động trong nắm bắt tình hình; xây dựng kế hoạch công tác; thực hiện nhiệm vụ; tham mưu với cấp ủy đảng và phối hợp với các tổ chức liên quan trong thực hiện nhiệm vụ). Có như vậy, tổ chức Đoàn cơ sở mới là nơi cụ thể hóa việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đoàn tới đoàn viên, thanh niên một cách hiệu quả nhất cũng như góp phần tích cực vào việc xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Củng cố, nâng cao chất lượng cơ sở đoàn ở khu dân cư: Việc làm thường xuyên, liên tục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO