Cuộc cách mạng của những người lao động bị áp bức

Cẩm Trang| 17/11/2020 09:02

Cách mạng tháng Mười Nga đã đi vào lịch sử với tính chất là thành quả của chủ nghĩa xã hội, là biểu tượng sáng ngời của thời đại. Với cuộc cách mạng này, lần đầu tiên những mong ước về xã hội công bằng và bình đẳng của đông đảo công nhân, nông dân và trí thức “đã trở thành hiện thực trong xã hội, có sức mạnh vô cùng to lớn, lôi cuốn hàng triệu triệu người tiến bộ vào hành động cách mạng, vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”.

ADQuảng cáo

Vào nửa sau thế kỷ XIX, nước Nga chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa với trình độ tập trung rất cao của các tổ chức độc quyền. Nhưng nước Nga vẫn thuộc loại nước tư bản chủ nghĩa trung bình, lạc hậu so với các nước Tây Âu. Nguyên nhân chính của sự lạc hậu ấy chính là nước Nga vẫn là một nước quân chủ chuyên chế với những tàn tích phong kiến - nông nô còn rất nặng nề. Năm 1914, nước Nga tham gia cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất. Những mất mát, đau thương và những tổn thất nặng nề do cuộc chiến tranh gây ra đã làm cho các mâu thuẫn trong xã hội nước Nga trở nên hết sức gay gắt. Nước Nga trở thành nơi hội tụ các mâu thuẫn thế giới và đòi hỏi bức thiết phải có cuộc cách mạng xã hội để giải quyết các mâu thuẫn đó.

Ảnh TTXVN

Đảng Bônsêvích Nga, đội tiên phong của giai cấp công nhân Nga, do V.I.Lênin đứng đầu đã dốc sức chuẩn bị cả về lý luận cách mạng và tổ chức thực tiễn để tiến hành cuộc cách mạng với mục tiêu là giải phóng các giai cấp bị bóc lột và các dân tộc bị áp bức. Với Luận cương tháng Tư, V.I.Lênin đã vạch ra một đường lối cách mạng và một kế hoạch đấu tranh đúng đắn nhằm tập hợp, tổ chức giai cấp công nhân, nông dân nghèo và các dân tộc bị áp bức vào cuộc đấu tranh giải phóng. Luận cương chủ trương giành chính quyền cho giai cấp vô sản và các tầng lớp nghèo trong nông dân, nước Nga sẽ theo chế độ cộng hòa Xô Viết. Về kinh tế, chính quyền Xô Viết sẽ tịch thu không bồi thường ruộng đất của địa chủ quý tộc và chia cho nông dân sử dụng; tại các xí nghiệp, nhà máy các công nhân giám sát sản xuất và phân phối sản phẩm.

ADQuảng cáo

Dưới ánh sáng của Luận cương, Đảng Bônsêvích đã từng bước thành lập được một đội quân chính trị gồm đông đảo công nhân và nông dân đủ sức đánh bại các giai cấp tư sản, địa chủ và cô lập các đảng thỏa hiệp Mensêvích và xã hội cách mạng, làm nên thắng lợi cuộc Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917. Ngay đêm thắng lợi đầu tiên của cách mạng, chính quyền Xô Viết vừa ra đời đã công bố hai sắc luật: Sắc luật hòa bình và Sắc luật ruộng đất. Cùng với đó, V.I.Lênin và chính quyền Xô Viết đã ban hành và thực hiện nhiều chính sách nhằm giải phóng và cải thiện hoàn cảnh, đáp ứng những yêu cầu cấp thiết của những người lao động, của công nhân và nông dân.

Ngày 2/11/1917, chính quyền Xô Viết công bố bản Tuyên ngôn về quyền của các dân tộc nước Nga, khẳng định những nguyên tắc căn bản của chính quyền Xô Viết đối với các dân tộc là sự bình đẳng, quyền tự chủ và sự phát triển tự do của các dân tộc ở Nga, quyền tự quyết của họ cho đến cả việc tách ra và thành lập một quốc gia độc lập. Ngày 23/11/1917, Nhà nước Xô Viết ban hành Sắc luật xóa bỏ mọi sự phân biệt đẳng cấp, dân tộc và mọi tước vị phong kiến, sự bình đẳng giữa nam và nữ, quyền tự do tín ngưỡng, quyết định tách nhà thờ khỏi nhà nước và trường học.

Ngày 14/11/1917, bản Điều lệ về chế độ kiểm soát của công nhân được ban hành. Theo đó, các ủy ban, nhà máy, xí nghiệp của công nhân tiến hành các hoạt động trong tất cả các xí nghiệp công nghiệp, thương nghiệp, nông nghiệp, vận tải nhằm hạn chế các hoạt động chống phá của giai cấp tư sản. Ngày 10/1/1918, tại kỳ họp Đại hội Xô Viết toàn Nga lần thứ III, Đại hội đã thông qua Tuyên ngôn về quyền lợi của Nhân dân lao động và bị bóc lột. Tuyên ngôn trở thành cơ sở của bản Hiến pháp Xô Viết năm 1918 và sự khẳng định: Nước Nga tự tuyên bố là một nước cộng hòa Xô Viết đại biểu của công nhân, binh lính và nông dân. Cuối tháng 6/1918, Sắc luật quốc hữu hóa toàn bộ nền đại công nghiệp được ban hành và tới tháng 9/1918 hơn 3.000 xí nghiệp công nghiệp đã được quốc hữu hóa. Bằng những việc làm thiết thực, Cách mạng tháng Mười Nga thể hiện bản chất đích thực của mình là cuộc cách mạng của những người nghèo khổ và vì những người nghèo khổ.

Thắng lợi Cách mạng tháng Mười đã thúc đẩy mạnh mẽ cuộc đấu tranh của các lực lượng cách mạng, các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới chống chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc, thực dân, giành chính quyền về tay Nhân dân lao động. Với “phương Đông thức tỉnh” đã mang những sắc thái mới, chủ nghĩa Mác-Lênin sự kết hợp với chủ nghĩa yêu nước ở nhiều nước, dù chịu ảnh hưởng của Cách mạng tháng Mười với những mức độ khác nhau, nhưng phong trào giải phóng dân tộc đã bước sang thời kỳ đấu tranh mới với những nét nổi bật là sự tham gia ngày càng đông của giai cấp công nhân và nông dân. Đó là phong trào Ngũ Tứ năm 1919 bao trùm hầu khắp các thành phố và nhiều địa phương ở Trung Quốc; là cao trào chống thực dân Anh của Nhân dân Ấn Độ dưới sự lãnh đạo của M.Găng Đi trong những năm 1919-1922; là cuộc “hành quân thần kỳ” của đội quân 2.500 người dưới sự chỉ huy của viên đại úy 26 tuổi Lui Cáclốt Prêxtét từ năm 1924 - 1927, vượt qua 14 bang từ Nam lên Bắc của nước Brazil rộng lớn. Đó là thắng lợi của phong trào giải phóng dân tộc ở Mông Cổ, Thổ Nhĩ Kỳ,... Chính quyền Xô Viết theo kiểu Xô Viết Nga đã được thành lập, đó là Xô Viết Bavie, Xô Viết Hunggari, Xô Viết Xlôvakia năm 1919 ở châu Âu hay Xô Viết Quảng Châu (1927), Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930) ở châu Á.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc cách mạng của những người lao động bị áp bức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO