Cựu chiến binh với "mặt trận" an sinh xã hội

Bài, ảnh: Hoàng Hoài| 06/12/2018 09:37

Năm 2018, một trong những hoạt động nổi bật được Hội Cựu chiến binh (CCB) các cấp trong tỉnh tập trung thực hiện và đạt kết quả tích cực là tham gia thực hiện các chính sách an sinh xã hội có liên quan đến hội viên, CCB.

ADQuảng cáo

Cựu chiến binh Hoàng Quốc Hùng (bên phải) ở thôn 11, xã Nâm N’Jang (Đắk Song) tự bỏ ra hơn 300 triệu đồng để làm cây cầu bắc qua suối giúp người dân đi lại thuận tiện. Ảnh tư liệu

Hỗ trợ, giúp đỡ hội viên xây dựng nhà ở

Đầu tiên phải kể đến là công tác vận động, huy động các nguồn lực hỗ trợ, giúp đỡ hội viên khó khăn xây dựng nhà ở. Khác với những năm trước, việc huy động các nguồn lực hỗ trợ về nhà ở gặp nhiều khó khăn, thì năm 2018 được xem là một bước tiến thành công của các cấp hội trong việc tuyên truyền, tạo chuyển biến về nhận thức, hành động cho các tổ chức, cá nhân, nhất là hội viên, CCB.

Đầu năm 2018, Hội CCB tỉnh đề ra chỉ tiêu kêu gọi các nguồn lực trong và ngoài tỉnh xây dựng từ 3-5 căn nhà. Đến cuối năm 2018, từ nguồn đóng góp của hội viên và sự hỗ trợ của Quỹ Thiện Tâm, Hội CCB Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Hội đã khảo sát, lựa chọn và triển khai xây dựng 16 căn nhà “Nghĩa tình đồng đội” tại tất cả các huyện, thị xã. Như vậy, chỉ tiêu về xây dựng nhà ở đã đạt 250% kế hoạch đề ra. Trong số 16 căn nhà được xây dựng thì 4 căn nhà là do cán bộ, hội viên, CCB đóng góp.

Theo ông Nguyễn Thanh Quang, Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh, mặc dù cũng bị ảnh hưởng giá cả nông sản lên xuống thất thường, nhưng với truyền thống “tương thân tương ái”, hội viên, CCB đóng góp được trên 287 triệu đồng để hỗ trợ làm nhà cho hội viên đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đóng góp chung theo quy định, mỗi tổ chức hội cơ sở còn có những cách làm khác nhằm phát huy tinh thần nhân ái và được hội viên đồng thuận cao.

CCB Trương Quang Hùng, Chi hội trưởng CCB thôn 8, xã Nhân Đạo (Đắk R'lấp), luôn nỗ lực vươn lên, sản xuất kinh doanh giỏi

ADQuảng cáo

Điển hình, Hội CCB các huyện Đắk R’lấp, Đắk Song, ngoài việc quyên góp tiền nộp về Hội CCB tỉnh còn phát động mỗi hội viên ủng hộ từ 20.000-50.000 đồng/năm để xây dựng nhà cho hội viên nghèo trên địa bàn huyện. Ông Võ Quốc Tứ, Chủ tịch Hội CCB huyện Đắk R’lấp cho biết: “Chúng tôi luôn xác định, đóng góp cho Hội CCB tỉnh là nhiệm vụ cần làm để sẻ chia với đồng chí, đồng đội của mình tại các địa phương khác. Còn đóng góp để hỗ trợ làm nhà ở cho anh em tại địa phương là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi hội viên, góp phần vào bảo đảm an sinh xã hội. Số tiền tuy nhỏ nhưng khi được nhân với hàng ngàn cán bộ, hội viên CCB thì sẽ giúp cho đồng đội khó khăn có được căn nhà kiên cố để ở. Điều may mắn, từ nguồn đóng góp này, toàn huyện đã hỗ trợ cho 2 hội viên nghèo xây nhà ở”.

Góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo

Không chỉ hỗ trợ xây dựng nhà ở, công tác an sinh xã hội cũng được các cấp hội hưởng ứng tích cực nhằm giúp hội viên trong lúc khó khăn. Tiêu biểu như ở huyện Cư Jút, Hội CCB xã Đắk Wil tặng 1 sổ tiết kiệm trị giá 1,3 triệu đồng cho hội viên nghèo; Hội CCB xã Cư K’nia phát động mỗi hội viên đóng góp 36.000 đồng/năm để ủng hộ địa chỉ nhân đạo là CCB nghèo. Hội CCB phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) quyên góp 7 triệu đồng để mua 1 con bò hỗ trợ cho gia đình hội viên nghèo.

CCB Hoàng Đức Ái (bên phải) Phó Chủ tịch Hội CCB xã Nam Dong (Cư Jút) luôn gương mẫu trong mọi hoạt động để hội viên noi theo

Trong công tác giảm nghèo, các cấp hội không chỉ quản lý hiệu quả các nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội mà còn thường xuyên động viên cán bộ, hội viên giúp nhau trong cuộc sống thông qua những hoạt động thực tiễn. Hiện nay, nguồn Quỹ đồng đội do hội viên đóng góp giúp nhau phát triển sản xuất đạt 24,5 tỷ đồng. Nhiều mô hình giúp nhau giảm nghèo được thực hiện như: “Ba cộng một” (3 CCB người Kinh giúp 1 CCB người dân tộc thiểu số hoặc 3 hội viên khá giúp 1 hội viên nghèo); hỗ trợ cây, con giống, ngày công, vốn…

Đến nay, toàn Hội có khoảng 20 doanh nghiệp, 1 hợp tác xã, 98 trang trại vừa và nhỏ do CCB làm chủ, góp phần tạo công ăn việc làm cho khoảng 1.000 lao động địa phương, chủ yếu là CCB và gia đình khó khăn trên địa bàn với mức thu nhập từ 4-7 triệu đồng/tháng.

Năm 2018, toàn tỉnh có 2.150 hội viên đăng ký sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Hiện nay, hội viên có thu nhập 100 triệu đồng trở lên là 2.850 người; từ 50-100 triệu đồng 3.340 người. Toàn Hội giảm được 1.015 hộ nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 16% xuống còn 9%; CCB khá, giàu đạt trên 50%.

Cũng theo ông Nguyễn Thanh Quang, mặc dù bây giờ hộ đói không còn, nhưng hộ nghèo là hội viên, CCB nói riêng và người dân trong tỉnh nói chung vẫn còn nhiều. Do đó, sẻ chia, yêu thương, giúp nhau cùng vượt qua khó khăn, vươn lên là điều mà các cấp hội cần tiếp tục triển khai theo hướng hiệu quả hơn. Qua đó, CCB không những tỏa sáng giữa đời thường mà trên hết là cách để thể hiện tinh thần, trách nhiệm của người công dân đối với địa phương, xã hội. Vì vậy, việc gì có lợi cho hội viên, nhất là hội viên khó khăn, các cấp hội luôn nỗ lực, nêu cao trách nhiệm, thường xuyên động viên CCB phát huy tinh thần “Bộ đội Cụ Hồ”, tự lực, tự cường, xung kích, nòng cốt trong bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cựu chiến binh với "mặt trận" an sinh xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO