Da cam - Lương tri và công lý

07/08/2019 10:00

Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, quân đội Mỹ không chỉ sử dụng các loại bom đạn gây sát thương hàng loạt mà còn sử dụng cả vũ khí chất độc hóa học.

ADQuảng cáo

Từ năm 1961-1972, quân đội Mỹ đã tiến hành 19.905 phi vụ, phun rải gần 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% trong đó là chất da cam/dioxin xuống ¼ tổng diện tích miền Nam Việt Nam, hủy diệt hơn 3,06 triệu ha rừng và đồng bằng. Mật độ phun rải trung bình vượt gấp khoảng 17 lần mật độ cho phép sử dụng trong nông nghiệp.

Góc trưng bày của nhóm NNCĐDC ở Cơ sở An Phúc tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, với các loại hàng lưu niệm tự làm để bán cho khách tham quan

Hậu quả của việc phun rải chất độc hóa học của Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam không chỉ làm cho thiên nhiên Việt Nam chịu ảnh hưởng rất nặng nề, (đến nay vẫn còn khoảng 1 triệu ha rừng chưa phục hồi được), mà còn gây những hậu quả khôn lường, để lại những di chứng khủng khiếp cho nhiều thế hệ người dân Việt Nam. Ngay cả các cựu chiến binh Mỹ, các nước đồng minh tham chiến cùng Mỹ, và con cháu của họ cũng là nạn nhân của chất độc da cam (NNCĐ DC)/dioxin.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới, dioxin là hóa chất độc hại nhất mà con người biết đến với liều độc được tính bằng microgram. Dioxin tác động trực tiếp đến các cơ quan cấu tạo máu, tế bào gan và đặc biệt là nhiễm sắc thể… Những người trực tiếp tiếp xúc với loại chất độc hóa học này có tỷ lệ ung thư gan gia tăng và con cháu của họ có tỷ lệ tai biến thai sản cao như: sảy thai, thai trứng, dị tật bẩm sinh... Hầu như khắp các tỉnh, thành ở Việt Nam đều có NNCĐDC. Đối với những gia đình có NNCĐDC đó là một sự mất mát thiệt thòi, nhưng sự mất mát thiệt thòi còn lớn hơn rất nhiều đối với những gia đình có từ 2-3 nạn nhân trở lên.

Các NNCĐDC được tặng quà tại Triển lãm "Da cam-Lương tri và công lý" tổ chức tại tỉnh Gia Lai

Chiến tranh đã kết thúc gần 50 năm nhưng hậu quả của nó với con người vẫn còn hết sức nặng nề. Để chung tay khắc phục hậu quả, xoa dịu nỗi đau da cam, Binh chủng Hóa học được Bộ Quốc phòng Việt Nam giao nhiệm vụ điều tra, thu gom, xử lý chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh để trả lại sự an toàn, bình yên cho các vùng đất đã bị ô nhiễm bởi các loại hóa chất.

Bên cạnh những nguồn lực trong nước, chúng ta còn nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, giúp đỡ Việt Nam khắc phục hậu quả sau chiến tranh và nỗi đau da cam như: Tập đoàn Shimisu (Nhật Bản) với công nghệ rửa đất, giúp đỡ việc xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa (Đồng Nai); Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) giúp Việt Nam xử lý xong đất bị ô nhiễm chất độc hóa học tại sân bay Đà Nẵng tháng 11/2018 và vào tháng 4/2019 bắt đầu việc xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa.

ADQuảng cáo

Đặc biệt, ngày 31/1/2004, với sự cộng tác của 11 luật sư Mỹ, Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam đã cùng 3 NNCĐDC Việt Nam đầu tiên đứng đơn khởi kiện 37 công ty hóa chất Mỹ đã sản xuất và cung cấp hóa chất độc hại này cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam lên tòa án Quận Brooklyn, thuộc bang New York (Mỹ). Sau hơn 5 năm (từ 31/1/2004 - 2/3/2009), qua 3 cấp sơ thẩm, phúc thẩm và tòa án tối cao liên bang, vụ kiện mới chỉ dừng ở giai đoạn tiền xét xử. Các cấp tòa án đã từ chối, không thụ lý vụ kiện của các NNCĐDC Việt Nam. Điều này đã làm dấy lên làn sóng bất bình cùng với đợt đấu tranh phản đối không chỉ ở Việt Nam mà còn diễn ra ở nhiều nước, kể cả Mỹ. Mặc dù vậy, chính phủ Mỹ hiện nay vẫn từ chối trách nhiệm với những nạn nhân này và cho rằng mối liên hệ giữa các khuyết tật và thuốc diệt cỏ vẫn chưa có đủ bằng chứng khoa học.

Tại Tòa án Lương tâm Quốc tế diễn ra ở Paris từ ngày 15-18/5/2009, NNCĐDC Việt Nam nhận được nhiều ủng hộ của nhân dân thế giới. Ông Wan Soo Lee là cựu chiến binh Hàn Quốc từng tham gia phun rải chất khai quang năm 1969 trong chiến tranh xâm lược Việt Nam của quân đội Mỹ đã làm nhân chứng tại phiên tòa. Các cựu chiến binh Mỹ thuộc Hội Cựu chiến binh vì hòa bình cũng biểu tình đòi bồi thường cho NNCĐDC.

Triển lãm "Da cam-Lương tri và công lý" tổ chức tại tỉnh Gia Lai thu hút đông đảo người dân tham quan, chứng kiến những hiện vật, tư liệu về hậu quả của vũ khí chất độc hóa học mang tên da cam

Tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, phần trưng bày về hậu quả chất độc da cam trong chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam là một trong những nội dung gây xúc động nhất cho khách tham quan. Nội dung này cũng được bảo tàng đưa đi triển lãm lưu động ở nhiều nơi. Mới đây nhất, ngày 18/7, tại TP. Pleiku (Gia Lai), UBND tỉnh Gia Lai phối hợp với Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam, Bộ Tư lệnh Binh chủng Hóa học, Bảo tàng Binh chủng hóa học, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, Bảo tàng tỉnh Gia Lai, Bảo tàng Quân đoàn 3 tổ chức khai mạc triển lãm "Da cam-Lương tri và công lý". Đây là một trong những hoạt động nhân dịp kỷ niệm 58 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961-10/8/2019).

Theo đó, hơn 250 hiện vật, tài liệu và hình ảnh được trưng bày tại triển lãm đã giới thiệu tính chất nguy hiểm, mức độ thiệt hại của chất độc hóa học quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam nói chung, Tây Nguyên, Gia Lai nói riêng. Chất độc da cam/dioxin đã tác động đến môi trường, sinh thái, đặc biệt là sức khỏe của con người qua nhiều thế hệ của cả người Việt Nam và các bên tham chiến tại Việt Nam. Qua đó, công chúng thấy được hậu quả của một cuộc chiến tranh phi nghĩa, từ đó cùng đoàn kết xây dựng và bảo vệ nền hòa bình không chỉ của Việt Nam mà còn trên toàn thế giới.

Không những trưng bày tại chỗ và đưa triển lãm đi lưu động, từ nhiều năm qua, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh còn tạo điều kiện hỗ trợ cho nhóm NNCĐDC ở Cơ sở An Phúc (phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh) có một không gian tại khu trưng bày của bảo tàng để tự làm các loại hàng lưu niệm và bán cho khách tham quan. Qua hoạt động này vừa như những nhân chứng cho nội dung trưng bày về hậu quả chất độc da cam, vừa giúp các em có thu nhập, ổn định cuộc sống.

Ngoài ra, hàng năm, nhân ngày Vì NNCĐDC Việt Nam 10/8, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh đều vận động tài trợ để có nguồn kinh phí thăm hỏi và động viên NNCĐDC ở nhiều địa phương. Điển hình, tại triển lãm ở tỉnh Gia Lai, Bảo tàng đã vận động và trao tặng 100 phần quà (mỗi phần trị giá 1 triệu đồng) cho NNCĐDC tại địa bàn.

Chiến tranh kết thúc, đất nước hòa bình, nhưng những NNCĐDC vẫn phải gánh chịu hậu quả từ cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ để lại trên đất nước Việt Nam. Trước muôn vàn khó khăn trong cuộc sống, các NNCĐDC không khuất phục mà luôn cố gắng vươn lên, sống, học tập và lao động, cống hiến cho xã hội dù trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhất.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Da cam - Lương tri và công lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO