Đại biểu Nguyễn Trường Giang góp ý vào Dự thảo luật Giao thông đường bộ (sửa đổi)

Đ.D| 11/11/2020 15:45

Sáng 11/11, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV tiếp tục thảo luận tại tổ về một số dự án luật do Chính phủ trình.

ADQuảng cáo

Tham gia thảo luận về Dự thảo luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), Đại biểu Nguyễn Trường Giang, Đoàn đại biểu Quốc hội Đắk Nông cho rằng tại điều 14 của Dự  thảo luật Giao thông đường bộ mới bổ sung phần đất liên quan đến bảo vệ, bảo trì đường bộ. Trong luật này, xuất hiện hai khái niệm là phần đất để bảo trì đường bộ và hành lang an toàn đường bộ. Vậy hai khái niệm này liệu có chồng lấn nhau không?.

Liên quan đến đặt biển quảng cáo, tại điều 16 Dự thảo luật có nêu, các đơn vị khi đặt biển quảng cáo trên đất hành lang an toàn đường bộ thì phải làm thủ tục cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo. Nếu như vậy thì sẽ chồng lấn với điều 31 luật Quảng cáo nên cần nghiên cứu, chỉnh lý cho phù hợp. Cũng liên quan đến điều 16, ở đây có nội dung về cá nhân được tạm thời sử dụng đất an toàn đường bộ vào mục đích trồng cây phục vụ sản xuất nông lâm nghiệp, cây xanh đô thị, trồng cây che mát; lắp biển quảng cáo tuyên truyền nhưng lại không đề cập đến điều kiện. Vì vậy, cần đưa ra các điều kiện cụ thể về nhóm đối tượng này trong việc sử dụng hành lang an toàn đường bộ.

Toàn cảnh thảo luận tại tổ

Về khoản 4, khoản 5 điều 16, Đại biểu Nguyễn Trường Giang cho rằng có sự trùng lặp với khoản 3 điều 157 của luật Đất đai. Hơn thế, nếu quy định như dự thảo sẽ gây ra cách hiểu không cần thiết. Ví dụ, luật Đất đai có quy định bồi thường khi cần thiết nhưng Dự thảo luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) lại không quy định về bồi thường.

ADQuảng cáo

Về thẩm tra, thẩm định an toàn giao thông, tại điều 32 Dự thảo luật quy định đường bộ phải được thẩm tra, thẩm định về an toàn giao thông trong quá trình đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật về đầu tư thì trong quá trình đầu tư xây dựng có rất nhiều công đoạn như tiền khả thi đến dự án khả thi với rất nhiều thủ tục. Vì vậy, ở đây cần làm rõ thẩm tra, thẩm định về an toàn giao thông ở giai đoạn trước khi xây dựng hay trong quá trình xây dựng hoặc công trình nghiệm thu đưa vào sử dụng.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang, Đoàn đại biểu Quốc hội Đắk Nông góp ý vào Dự thảo luật Giao thông đường bộ (sửa đổi)

Về trách nhiệm quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì công trình đường bộ, trong Dự thảo luật quy định đối với quốc lộ giao cho cấp bộ, còn UBND tỉnh, thành phố thì có thẩm quyền quản lý, vận hành công trình đường bộ thuộc địa phương. Thế nhưng trên thực tế, không phải tất cả quốc lộ đều do bộ quản lý. Ví dụ trong luật Thủ đô thì có quy định đối với quốc lộ đi qua thủ đô thì giao thẩm quyền quản lý cho Chủ tịch UBND TP. Hà Nội quản lý. Thực tế tại Gia Nghĩa, Đắk Nông, quốc lộ 14, 28 đều đi qua thành phố nên có thể linh hoạt giao cho địa phương quản lý.

Về việc sử dụng gầm cầu vượt để trông giữ phương tiện giao thông đường bộ, đại biểu Nguyễn Trường Giang cho rằng nếu ban hành chủ trương này thì phải nhất quán trong quản lý đối với tài sản công. Vì trong luật Quản lý tài sản công quy định tài sản công phải được sử dụng đúng mục đích. Nếu quy định cho phép sử dụng gầm cầu vượt vào việc trông giữ xe, là hoạt động sản xuất, kinh doanh thì không đúng mục đích theo luật Quản lý tài sản công. Đối với nguồn tài chính đầu tư bảo trì kết cấu hạ tầng, tại khoản 1, điều 46 của Dự thảo luật quy định ngân sách trung ương phân bổ cho hệ thống quốc lộ; ngân sách địa phương thì phân bổ cho hệ thống đường địa phương. Ở đây cần phân tách nguồn tài chính đầu tư xây dựng và nguồn tài chính quản lý, bảo trì  kết cấu hạ tầng giao thông. Dự thảo luật cũng không nên quy định nguồn tài chính đầu tư kết cấu hạ tầng vì nội dung này sẽ được áp dụng trong luật Đầu tư công.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại biểu Nguyễn Trường Giang góp ý vào Dự thảo luật Giao thông đường bộ (sửa đổi)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO