Đại biểu Phạm Thị Kiều thảo luận về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi)

Đ.D| 25/10/2022 14:03

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 25/10, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV nghe Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) và thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

Đại biểu Phạm Thị Kiều, Đoàn ĐBQH Đắk Nông thảo luận về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi)

Tham gia thảo luận về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), đại biểu Phạm Thị Kiều, Đoàn ĐBQH Đắk Nông cơ bản tán thành với Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật. Tuy nhiên, đại biểu Phạm Thị Kiểu góp ý bổ sung, chỉnh sửa một số nội dung.

Về tạm giữ tiền, đồ vật, giấy phép, chứng chỉ hành nghề (Điều 77, Điều 86), theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 77, người ra quyết định thanh tra có nhiệm vụ, quyền hạn “yêu cầu người có thẩm quyền tạm giữ tiền, đồ vật, giấy phép, chứng chỉ hành nghề…”. Tuy nhiên, khoản 1, Điều 86 quy định “Trưởng đoàn thanh tra đề nghị người ra quyết định thanh tra quyết định tạm giữ tiền, đồ vật, giấy phép”. Theo quy định này, người ra quyết định thanh tra có thẩm quyền quyết định tạm giữ tiền, đồ vật, giấy phép, như vậy là không thống nhất với quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 77. Vì vậy, đề nghị chỉnh lý lại quy định này, bảo đảm tính thống nhất.

Về kiến nghị trong hoạt động thanh tra, Điều 92 của dự thảo Luật quy định về khiếu nại, kiến nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; Điều 94 cũng có quy định về kiến nghị và giải quyết kiến nghị về hoạt động thanh tra. Đại biểu đề nghị đưa nội dung kiến nghị tại Điều 92 về Điều 94 để tránh trùng lặp.

Đại biểu Phạm Thị Kiều góp ý bổ sung, chỉnh sửa một số nội dung của dự án Luật Thanh tra (sửa đổi)

Về thực hiện kết luận thanh tra (Chương V), theo quy định từ Điều 100 đến Điều 105 của dự thảo Luật thì “Kết luận thanh tra là cơ sở để cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét, quyết định xử lý hoặc chỉ đạo việc xử lý vi phạm pháp luật được phát hiện trong quá trình thanh tra”; Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm chỉ đạo việc thực hiện; đối tượng thanh tra phải thực hiện kết luận thanh tra đầy đủ, kịp thời, đúng thời hạn, trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, không kịp thời thì bị xử lý theo quy định của pháp luật”.

Thực tế thời gian qua, có một số nội dung trong các kết luận thanh tra mà qua nhiều năm không thể thực hiện được, mặc dù nội dung của kết luận hoàn toàn đúng quy định của pháp luật. Chẳng hạn, kết luận thanh tra liên quan đến xử lý sai phạm trong xây dựng chung cư vượt số tầng trong giấy phép xây dựng, căn hộ đã bán cho người dân, người dân đã chuyển vào ở (có những trường hợp đã ở nhiều năm) thì không thể tháo dỡ các tầng xây dựng vượt giấy phép được, vì liên quan đến chỗ ở hợp pháp của người dân được Hiến pháp ghi nhận. Vì vậy, đại biểu Phạm Thị Kiều đề nghị dự thảo Luật cần bổ sung các quy định về nội dung của kết luận thanh tra, bên cạnh việc bảo đảm đúng quy định của pháp luật, cần phải bảo đảm tính khả thi trong tổ chức thực hiện, tránh các vướng mắc như thời gian qua.

Về phối hợp giữa thanh tra và kiểm toán nhà nước (Chương VI), theo quy định tại khoản 1, Điều 64a của Luật Kiểm toán nhà nước thì “Khi xây dựng kế hoạch kiểm toán hằng năm, Kiểm toán nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Thanh tra Chính phủ để xử lý trùng lặp, chồng chéo”. Điều 107 của dự thảo Luật quy định “Trong quá trình xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm toán hằng năm phải có sự trao đổi thống nhất giữa Tổng Thanh tra Chính phủ và Tổng Kiểm toán nhà nước…”. Đại biểu Kiều đề nghị chỉnh lý lại quy định tại Điều 107 của dự thảo Luật để thể hiện rõ cơ quan nào là cơ quan chủ trì, cơ quan nào là cơ quan phối hợp, bảo đảm thống nhất với quy định của Luật Kiểm toán nhà nước, tránh các vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện.

Tại khoản 3 Điều 111 quy định “Các cơ quan thanh tra được trích một phần số tiền từ các khoản thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của Chính phủ để hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động thanh tra, tăng cường cơ sở vật chất và khen thưởng, động viên tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác thanh tra”. Mặc dù, quy định này tương tự việc Kiểm toán nhà nước đang được trích lại 5% số tiền do Kiểm toán nhà nước phát hiện và kiến nghị theo Nghị quyết số 325/2016/UBTVQH14 ngày 29/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhưng cần xem xét lại quy định này. Bởi vì thanh tra là cơ quan hành chính nhà nước, thực hiện một trong các chức năng của quản lý nhà nước; việc đưa ra quy định trích lại này đối với thanh tra sẽ không bảo đảm sự công bằng với các cơ quan hành chính nhà nước khác. Trường hợp vẫn giữ quy định này, đề nghị giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cụ thể về mức trích lại và việc sử dụng số tiền được trích lại để bảo đảm tính thống nhất chung.

Ngoài ra, đại biểu Phạm Thị Kiều cũng đề nghị bỏ khoản 1 Điều 53, vì quy định này vừa thừa lại vừa thiếu, trùng lặp với nội dung tại Chương VI.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại biểu Phạm Thị Kiều thảo luận về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO