Đại biểu Quốc hội Đắk Nông thảo luận Dự án luật Lực lượng dự bị động viên

Đức Diệu| 29/05/2019 15:35

* Làm rõ vấn đề nguồn lực, chế độ chính sách theo hướng công bằng, nhưng không có nghĩa cào bằng.

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 14, chiều 28/5, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ tình về Dự án luật Lực lượng dự bị động viên.

Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về Dự án luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Cuối giờ chiều cùng ngày, các đại biểu thảo luận tại tổ về 2 nội dung này.

Đại biểu Ngô Thanh Danh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông tham gia thảo luận tại tổ

Tại buổi thảo luận tổ của đại biểu Quốc hội các đoàn: Cao Bằng, Hà Tĩnh, Đắk Nông, Sóc Trăng về Dự án luật Lực lượng dự bị động viên, các đại biểu cơ bản đồng tình với tờ trình và báo cáo thẩm tra.

Dự án luật này được xây dựng nhằm mục đích xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, có chất lượng cao làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng; phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Dự án luật cũng nhằm bảo vệ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Tuy nhiên, Đại biểu Ngô Thanh Danh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông cho rằng điều 21 trong Dự án luật Lực lượng dự bị động viên, ở nội dung huấn luyện quân nhân dự bị là việc cần thiết nhưng phải tính đến nguồn lực, kinh phí. Trong huấn luyện phải thường xuyên và chủ động, chuẩn bị các điều kiện để khi sử dụng phải có hiệu quả nhất định. Về thẩm quyền huy động lực lượng dự bị động viên, cần điều chỉnh phù hợp thẩm quyền của chủ tịch tỉnh và chủ tịch huyện theo hướng tăng quyền cho chủ tịch huyện. Đối với điều 33, 34 Dự án luật cần phải nghiên cứu về nguồn lực và đối tượng thụ hưởng... tính kỹ cho phù hợp để thực hiện cho sát thực tế.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang thảo luận về Dự án luật Lực lượng dự bị động viên

Cùng quan điểm, Đại biểu Nguyễn Trường Giang, đoàn Đắk Nông cho rằng, Dự án luật Lực lượng dự bị động viên cần thực hiện chế độ chính sách công bằng nhưng không có nghĩa cào bằng. Tức là lực lượng dự bị động viên tham gia đến đâu, chúng ta thực hiện chính sách đến đấy. Thứ hai, liên quan đến 2 chính sách nêu trong báo cáo, về nội dung chưa được đánh giá, điều 16 sắp xếp độ tuổi tham gia trong thời bình, chủ yếu ở độ tuổi lao động, tiến hành huấn luyện, triệu tập... khi báo cáo với Quốc hội cần được đánh giá đầy đủ. Ví dụ như khi sắp xếp vào các đơn vị chiến đấu phải đánh giá hiện nay độ tuổi trung bình của nam quân nhân dự bị không quá 40 tuổi thì cũng phải báo cáo cụ thể. Nếu là 40 tuổi thì lực lượng này là bao nhiêu, hay hạ sĩ quan binh sĩ không quá 35 tuổi thì cũng phải đánh giá lực lượng này có bao nhiêu, khi sắp xếp lại có ảnh hưởng tới lực lượng lao động không, trong đánh giá tác động thì chưa đầy đủ. Đối với huy động lực lượng dự bị động viên tham gia phòng chống thiên tai và quá trình triển khai thì nguồn ngân sách như thế nào. Một trong những yêu cầu nghị quyết đề ra không quy định chính sách mới khi không có nguồn lực đảm bảo, điều này trong báo cáo tác động chưa nêu được cụ thể nguồn lực bảo đảm....

Ngoài ra, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Đắk Nông Ngô Thanh Danh còn có nhiều ý kiến tham gia thảo luận tại tổ về Dự án luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, trong đó nhấn mạnh đến vấn đề cần nghiên cứu phát hành hộ chiếu điện tử, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi cả thế giới hội nhập, phù hợp với quốc tế...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại biểu Quốc hội Đắk Nông thảo luận Dự án luật Lực lượng dự bị động viên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO