Đại biểu Quốc hội Đắk Nông thảo luận về đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025

27/07/2021 18:10

Tiếp tục chương trình, chiều 27/7, kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV thảo luận tập trung về nhiều nội dung quan trọng. Tham gia thảo luận về Dự thảo nghị quyết phân bổ vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, đại biểu Dương Khắc Mai và đại biểu Nguyễn Trường Giang, Đoàn đại biểu Quốc hội Đắk Nông cơ bản tán thành quan điểm chỉ đạo, mục tiêu các nguyên tắc về phân bổ vốn. Tuy nhiên, cơ cấu phân bổ vốn cho các ngành, lĩnh vực, vùng, từng dự án trong giai đoạn 2021-2025 vẫn chưa thực sự hợp lý.

Toàn cảnh phiên thảo luận tập trung chiều 27/7

Đại biểu Dương Khắc Mai, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách, Đoàn đại biểu Quốc hội Đắk Nông: “Đề nghị ưu tiên bố trí vốn cho dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc đoạn Đắk Nông-Chơn Thành-Bình Phước trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định”

Về cơ bản, tôi tán thành quan điểm chỉ đạo mục tiêu các nguyên tắc về phân bổ vốn kế hoạch đã được nêu trong tờ trình, báo cáo của Chính phủ. Việc xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn cần sắp xếp thứ tự ưu tiên, lựa chọn các danh mục, dự án và mức bố trí vốn cụ thể cho từng dự án phù hợp với khả năng cân đối vốn đầu tư công và khả năng huy động vốn khác để thực hiện.

Đại biểu Dương Khắc Mai, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách, Đoàn đại biểu Quốc hội Đắk Nông thảo luận tại hội trường

Tôi nêu lên 3 vấn đề sau: Đề nghị các cơ quan nghiêm túc thực hiện đúng nguyên tắc, tiêu chí phân bổ đã được luật Đầu tư công, luật Ngân sách Nhà nước, Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định. Khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế trong khâu bố trí vốn khi thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước. Thứ hai, về dự kiến phương án phân bổ vốn kế hoạch trong lĩnh vực giao thông, trong tờ trình kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội có nêu một số vấn đề tồn tại, hạn chế. Đó là lên kết, phát triển vùng còn lỏng lẻo. Tôi cho rằng việc liên kết vùng còn lỏng lẻo một phần là do hạ tầng giao thông, nhất là hạ tầng giao thông đường bộ chưa thực sự thuận lợi để tạo kết nối vùng, làm cho vùng chưa phát huy được lợi thế. Do đó, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn tới cần đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại để đến năm 2025, cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông, kết nối khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ, Tây Nguyên, Nam Trung bộ. Để thực hiện được mục tiêu này, cùng với việc bố trí kế hoạch để hoàn thiện, hoàn thành kế hoạch tuyến đường bộ kết nối Tây Nguyên với Nam Trung bộ thì cần bổ sung bố trí vốn để xây dựng tuyến đường kết nối Tây Nguyên với Đông Nam bộ. Hiện nay, liên kết vùng giữa Tây Nguyên và Đông Nam bộ còn lỏng lẻo, với thế độc đạo là quốc lộ 14. Việc xây dựng tuyến đường bộ để kết nối giữa vùng Duyên hải, Tây Nguyên, Nam Trung bộ, tạo sức lan tỏa rộng lớn, tạo điều kiện để các vùng phát huy được tiềm năng, thế mạnh, tăng cường thu hút đầu tư, tạo sự đột phá trong tăng trưởng kinh tế; đồng thời bảo đảm quốc phòng an ninh và an sinh xã hội, cải thiện đời sống Nhân dân. Trước mắt, tôi đề nghị ưu tiên bố trí vốn cho dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc đoạn Đắk Nông-Chơn Thành-Bình Phước trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định; đồng thời đề nghị sửa điểm b, khoản 2, điều 1 nghị quyết như sau: “Tuyến kết nối vùng đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ, Tây Nguyên, Nam Trung bộ, miền núi phía Bắc”.

Đối với số vốn chưa trình phương án phân bổ,  và số vốn dự kiến phân bổ, cho các dự án chưa có quyết định chủ trương đầu tư: Tôi cho rằng, việc chưa có phương án phân bổ vốn đối với vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn và dự kiến phân bổ cho các dự án chưa có chủ trương đầu tư là chưa tuân thủ đúng quy định tại khoản 6, điều 4, và điều 52 của luật Đầu tư công. Tuy nhiên, việc hoàn thiện các thủ tục này tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV là rất khó khăn. Do vậy, tôi cơ bản thống nhất việc ủy quyền lại cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước khi giao chi tết đối với số vốn này. Tuy nhiên, để đảm bảo chặt chẽ, đề nghị chỉnh lý khoản 2, điều 7 của Dự thảo nghị quyết theo hướng giao cho Chính phủ rà soát khẩn trương với các nội dung: một là hoàn thiện thủ tục đầu tư đối với các dự án chưa có chủ trương đầu tư. Hai là đối với số vốn chưa có phương án phân bổ, bổ sung danh mục, dự án, mức vốn bố trí cụ thể cho từng dự án đúng với quy định của luật Đầu tư công; báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước ngày 30/10/2021. Trường hợp chưa hoàn thiện thủ tục, đề nghị cương quyết thực hiện đúng quy định của luật Đầu tư công, không bố trí kế hoạch vốn đối với số vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang, Đoàn đại biểu Quốc hội Đắk Nông:Cơ cấu phân bổ kế hoạch vốn theo vùng, ngành, lĩnh vực chưa thực sự hợp lý”

Thứ nhất, tôi thể hiện sự đồng tình là giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định các công trình dự án  khi đến thời điểm này chưa có chủ trương đầu tư. Bởi vì trong tổng số 777 dự án, chiếm tới 34,7%, sự dụng vốn ngân sách Trung ương thì hiện nay chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư và đang trong giai đoạn hoàn thiện thủ tục đầu tư. Tuy nhiên, tôi cũng đề nghị ở đây, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm nhất là trước Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Còn nếu muôn hơn, cần có 2 phương án: Một là trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2. Hai là trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng phải hoàn thành trong năm 2021.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang, Đoàn đại biểu Quốc hội Đắk Nông thảo luận tại hội trường

Thứ hai, về cơ cấu vốn: qua tờ trình của Chính phủ, tôi nhận thấy, giáo dục đào tạo và dạy nghề, hiện nay phân bổ là 3,8%. Trong khi đó, luật Giáo dục thì quy định tổng chi đầu tư công cho giáo dục ít nhất là 20% tổng chi ngân sách Nhà nước. Do đó, chỗ này tôi cho là vẫn còn thấp. Thứ hai, chi cho văn hóa thông tin: Trong tờ trình nêu lĩnh vực văn hóa thông tin là 1%. Tôi cho rằng ở mức độ này rất là thấp. Bởi vì, riêng lĩnh vực văn hóa hiện nay có rất nhiều di tích, di sản đang xuống cấp. Do đó cần nguồn vốn đầu tư công, vốn từ ngân sách Nhà nước để bổ sung cho lĩnh vực này. Về cơ cấu vùng, hiện nay, tổng vốn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương (không bao gồm chương trình mục tiêu quốc gia) thì bố trí cho các địa phương là 1.682.000 tỷ đồng. Trong đó Đồng bằng sông Hồng là 28%, Đông Nam bộ 19,37%, Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung 18,74%... Ở đây, Đồng bằng sông Cửu Long và Tây nguyên bố trí mức độ quá thấp.  Nhưng vấn đề ở chỗ điều hành như thế nào. Trong trường hợp mà chúng ta cân đối được nợ công thì 360.000 tỷ cộng với 150.000 tỷ, tức 10% vốn dự phòng Trung ương nếu đến giai đoạn cuối chúng ta cân đối được thì nên bổ sung cho các lĩnh vực và các vùng miền còn thấp. Nội dung này nên đưa vào nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Liên quan đến các dự án cụ thể, trong tờ trình của Chính phủ có nêu bố trí 4.723 tỷ cho Bộ Giao thông để thanh toán cho Dự án đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng với lý do “ năm 2016, số tiền ngân sách Nhà nước hỗ trợ là 16.204 tỷ” tức là trên 10.000 tỷ, thuộc nhóm dự án quan trọng Quốc gia nên cần báo cáo Quốc hội bố trí vốn. Nếu vậy, Quốc hội phải quyết định chủ trương đầu tư. Trong khi đó ở đây đề nghị Quốc hội bố trí vốn thì tôi cũng không rõ chỗ này là như thế nào?

Liên quan đến việc chuyển vốn cho vay lại, thành vốn cấp phát cho Tổng công ty đường cao tốc Việt Nam và Tổng Cổng ty phát triển hạ tầng đầu tư tài chính Việt Nam là hơn 40.000 tỷ. Chỗ này tôi được biết Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị có nêu không chuyển vốn cho vay lại về vốn cấp phát. Đề nghị Chính phủ giải trình rõ hơn về nội dung này.  

Đ.D

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại biểu Quốc hội Đắk Nông thảo luận về đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO