Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang góp ý Dự án luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi): Khắc phục tình trạng biến Việt Nam thành nơi chứa công nghệ lạc hậu

02/06/2017 17:19

Sáng ngày 2/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự án luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi).

Góp ý vào Dự án luật, đại biểu Nguyễn Trường Giang, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông phân tích: Việc đăng ký hợp đồng là để kiểm soát về công nghệ được chuyển giao để khắc phục tình trạng biến Việt Nam thành nơi chứa công nghệ lạc hậu… Báo Đắk Nông xin giới thiệu nội dung phát biểu của đại biểu Nguyễn Trường Giang.

Video đại biểu Nguyễn Trường Giang góp ý nội dung liên quan đến việc đăng ký chuyển giao công nghệ quy định tại Điều 31 củaDự án luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi):

Về cơ bản tôi đồng ý với nhiều nội dung trong Dự thảo luật Chuyển giao công nghệ. Tôi chỉ xin phát biểu về 1 nội dung liên quan đến việc đăng ký chuyển giao công nghệ quy định tại Điều 31 của Dự thảo luật. Việc đăng ký chuyển giao công nghệ đối với hợp đồng chuyển giao công nghệ, đây là một nội dung mới, một nội dung bắt buộc quy định mới so với quy định của luật hiện hành. Do đó, đặt ra việc đánh giá việc đăng ký chuyển giao công nghệ trong thời gian vừa qua, tôi cho rằng rất khó khả thi. Tuy nhiên, việc đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ, đăng ký các nội dung chuyển giao công nghệ mà được thực hiện thì sẽ khắc phục được một số thiếu sót hiện nay như cơ quan soạn thảo đã đề ra. Ví dụ, vấn đề mục đích của việc đăng ký hợp đồng là để kiểm soát về công nghệ được chuyển giao để khắc phục tình trạng biến Việt Nam thành nơi chứa công nghệ lạc hậu, hạn chế chuyển giao công nghệ cũ vào Việt Nam.

Tuy nhiên, với nội dung quy định tại Điều 31 của Dự thảo luật, tôi thấy cần phải bổ sung thêm rất nhiều nội dung. Ví dụ, bây giờ đặt ra đăng ký chuyển giao công nghệ thẩm định trên cơ sở hợp đồng thì làm sao chúng ta có thể biết được trình độ công nghệ chuyển giao như thế nào để cấp giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao hay từ chối cấp giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao. Hơn nữa, tôi cho rằng, việc xác định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của các bên trong trường hợp phát hiện công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường khi đăng ký hợp đồng như thế nào cũng cần phải được làm rõ trong luật. Trong trường hợp nếu bị cơ quan quản lý nhà nước từ chối cấp đăng ký khi hai bên đã giao kết hợp đồng thì việc xử lý hậu quả của hợp đồng chuyển giao công nghệ như thế nào cũng cần phải được xử lý.

Tại Điều 24 của Dự thảo luật thì quy định hợp đồng chuyển giao công nghệ là có hiệu lực theo thỏa thuận của các bên hoặc được xác định từ ngày các bên ký giao kết, sau đó hợp đồng được mang đến cơ quan để đăng ký, sau 7 ngày nếu như cơ quan đăng ký từ chối việc cấp đăng ký thì xử lý hậu quả của hợp đồng này như thế nào? Cũng cần phải được quy định trong luật. Thiết nghĩ là trong Bộ luật Dân sự cũng đã có những trường hợp lường trước về hậu quả hiệu lực của hợp đồng.

Trong Bộ luật Dân sự có quy định rất rõ là hợp đồng dân sự có hiệu lực kể từ thời điểm các bên giao kết hoặc theo thỏa thuận của các bên trừ trường hợp pháp luật có quy định khác, tôi cho rằng để xử lý được hiệu lực của hợp đồng này thì đây là một dạng hợp đồng có điều kiện tức là khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký thì hợp đồng chuyển giao công nghệ mới có hiệu lực. Trong thời hạn 7 ngày cơ quan quản lý Nhà nước ra giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao hoặc từ chối, các trường hợp từ chối cũng cần phải được làm rõ ở trong luật này.

Vấn đề nữa nếu như hết thời hạn 7 ngày mà cơ quan quản lý Nhà nước chưa kịp cấp giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao mà xảy ra thiệt hại cho các bên trong giao kết hợp đồng, vấn đề bồi thường cũng cần được đặt ra trong Dự thảo luật.

*Tiêu đề do tòa soạn đặt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang góp ý Dự án luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi): Khắc phục tình trạng biến Việt Nam thành nơi chứa công nghệ lạc hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO