Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang góp ý Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự

24/05/2017 18:40

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, sáng ngày 24/5, tại phiên thảo luận về Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự (BLHS) số 100/2015/QH13, đại biểu Nguyễn Trường Giang, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông đã phát biểu ý kiến về định lượng tỷ lệ tổn thương cơ thể làm căn cứ truy cứu hình sự, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác và xử lý hình sự đối với hành vi buôn bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu. Báo Đắk Nông xin giới thiệu nội dung phát biểu của đại biểu Nguyễn Trường Giang.

Video đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông) góp ý Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự tại phiên thảo luận sáng 24/5, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV:

Kính thưa Quốc hội! Qua theo dõi và nghiên cứu dự thảo luật và các tài liệu gửi kèm theo, tôi đánh giá cao sự cố gắng của các cơ quan có trách nhiệm nghiên cứu, rà soát, chỉnh lý Dự thảo luật. Nhìn chung, Dự thảo luật đã bám sát quan điểm sửa đổi đã được đa số đại biểu Quốc hội đồng ý tại kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2016). Với những lý do đó, tôi tán thành với nhiều nội dung của Dự thảo luật và xin có ý kiến vào một số nội dung cụ thể  như sau:

1. Về định lượng tỷ lệ tổn thương cơ thể làm căn cứ truy cứu hình sự (ở 27 điều luật).

So với BLHS năm 2015 và BLHS năm 1999, Dự thảo luật đã không coi là tội phạm đối với một số hành vi vi phạm gây ra hậu quả thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến dưới 61% ở 27 điều luật. Đây là những tội hay xảy ra trong thực tiễn như các tội xâm phạm an toàn giao thông; tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người (Điều 295); tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 298)... Vì vậy, đây là một thay đổi rất lớn về chính sách hình sự.

Mặt khác, việc sửa đổi như vậy còn tạo ra sự thiếu công bằng và mâu thuẫn với điều luật khác, cụ thể là: so với Điều 138 BLHS năm 2015, Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (vừa vô ý về hành vi, vừa có hậu quả xảy ra ngoài ý muốn) nếu gây thương tích hoặc gây tổn hại cho 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến dưới 61% thì bị coi là tội phạm; trong khi đó, ở 27 điều luật này (cố ý về hành vi và hậu quả xảy ra ngoài ý muốn) nếu gây thương tích như trên thì không bị coi là tội phạm.

Với những lý do đó, tôi đề nghị giữ quy định của BLHS năm 2015 về việc truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác với tỷ lệ từ 31% đến dưới 61% ở 27 tội, gồm: Các điều từ 260 đến Điều 276, Điều 278, 281, 295, 298, 307, 308, 310 và từ Điều 312 đến Điều 360. Quy định như vậy, vừa là kế thừa quy định hiện hành đã ổn định từ lâu; vừa bảo đảm công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nhất là trong lĩnh vực giao thông vận tải.

2. Về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134).

Tình tiết “gây cố tật” chỉ được coi là tình tiết tăng nặng trong trường hợp gây tổn thương cơ thể cho người khác dưới 11% (Điểm C, Khoản 1); tình tiết “gây thương tích làm biến dạng vùng mặt” chỉ được coi là tình tiết tăng nặng trong trường hợp gây tổn thương cơ thể cho người khác 61% trở lên (Điểm B, Khoản 4) trong Dự thảo luật là không hợp lý, thiếu logic. Dự thảo quy định tỷ lệ tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y đã quy theo hướng với cùng loại thương tích thì tỷ lệ phần trăm tổn thương có gây cố tật hoặc làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ với tỷ lệ lớn hơn trường hợp thông thường.

Vì vậy, tôi đề nghị không nên quy định về 2 tình tiết này để bảo đảm tính hợp lý, logic và cũng là không quy định “tăng nặng trong tăng nặng”.

Trường hợp giữ quy định về các tình tiết này thì đề nghị: Bổ sung quy định tình tiết “gây cố tật” là tình tiết tăng nặng cả đối với trường hợp gây tỷ lệ tổn thương cơ thể của người khác 11% trở lên và bổ sung tình tiết “gây thương tích làm biến dạng vùng mặt” là tình tiết tăng nặng trong trường hợp gây tỷ lệ tổn thương cơ thể của người khác dưới 61% để bảo đảm tính logic, hợp lý.

3. Về bổ sung xử lý hình sự đối với hành vi buôn bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu vào Điều 190 (tội sản xuất, buôn bán hàng cấm) và Điều 191 (tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm).

Việc bổ sung quy định thuốc lá điếu nhập lậu vào Điều 190 (tội sản xuất, buôn bán hàng cấm) và Điều 191 (tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm) là đồng nghĩa với quy định “thuốc lá điếu nhập lậu” là hàng cấm. Việc bổ sung quy định thuốc lá điếu nhập lậu vào Điều 190, 191 dẫn đến việc không thống nhất về chính sách hình sự đối với hành vi buôn bán, tàng trữ, vận chuyển hàng hóa tương tự khác như rượu lậu, xăng dầu lậu...

Hơn nữa, quy định như vậy còn thiếu công bằng, không thống nhất về chính sách hình sự ngay trong cùng một hành vi. Ví dụ như nếu vận chuyển thuốc lá ngoại trốn thuế (tức là lậu) mà bị phát hiện ở cửa khẩu mà hàng có trị giá dưới 100 triệu đồng (khoảng dưới 5.000 bao thuốc) thì không bị xử lý hình sự; nhưng vận chuyển, tàng trữ trong nội địa thì chỉ cần mức từ 1.500 bao thuốc lá ngoại trốn thuế trở lên (khoảng 30 triệu đồng) là bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt rất nặng.

Với những lý do trên, tôi cho rằng việc xử lý hành vi buôn bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu theo quy định về hàng cấm là không đúng với bản chất của hành vi vi phạm. Quy định như vậy tạo ra sự mất công bằng và mâu thuẫn. Việc đấu tranh phòng, chống hành vi buôn bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu là hết sức cần thiết, nhưng cần căn cứ vào những quy định khác phù hợp. Ví dụ như Điều 188 (tội buôn lậu), Điều 189 (tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới), pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính...

*Tiêu đề do Tòa soạn đặt

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang góp ý Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO