Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông Ka H’hoa: Cần xem xét về lộ trình đào tạo, nguồn lực thực hiện nâng chuẩn giáo viên

Công Tính| 15/11/2018 17:59

Sáng 15/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự thảo luật Giáo dục (sửa đổi). Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông Ka H’hoa đã tham gia thảo luận về lộ trình đào tạo nâng chuẩn nhà giáo, công tác cử tuyển được quy định trong Dự thảo luật.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông Ka H’hoa tham gia thảo luận tại hội trường. Ảnh: Truyền hình Quốc hội

Thảo luận về thời gian, nguồn lực để thực hiện nâng chuẩn giáo viên, theo đại biểu Ka H’hoa cần tính toán lộ trình cụ thể nhằm đạt hiệu quả tích cực. “Chỉ tính riêng giáo viên mầm non đã có 107.150 người cần được đào tạo đạt chuẩn như quy định của Dự thảo luật. Chưa tính đến kinh phí để đào tạo bồi dưỡng đạt chuẩn 159.934 giáo viên tiểu học. 78.974 giáo viên trung học cơ sở cũng cần được đào tạo bồi dưỡng đạt chuẩn. Ngoài ra, kinh phí chi thêm để hỗ trợ chính sách không thu học phí đối với trẻ 5 tuổi, học sinh tiểu học, trung học cơ sở diện công lập và hỗ trợ đóng học phí trường ngoài công lập phải cần đến một nguồn lực rất lớn. Nếu không có chính sách hỗ trợ hợp lý từ ngân sách nhà nước thì sẽ trở thành gánh nặng tài chính cho bản thân giáo viên… Tôi nghĩ rằng, nếu đề ra chính sách thì cần bố trí nguồn lực đầy đủ mới khả thi”, đại biểu Ka H’hoa phân tích. Ngoài việc nâng chuẩn đào tạo, theo đại biểu Ka H’hoa cần phải nâng cao chất lượng đào tạo gắn liền với năng lực nghề, chính sách đãi ngộ cho giáo viên.

Về chế độ cử tuyển quy định trong Dự thảo luật, đại biểu Ka H’hoa băn khoăn, số lượng cử tuyển đang giảm theo từng năm. Hiện tại, chỉ còn 8 địa phương với 78 người. Số lượng cử tuyển ít, do sinh viên cử tuyển ra trường không tìm được việc làm. Việc tuyển dụng công chức, viên chức cũng chỉ là một nguồn giải quyết việc làm cho người đi học theo chế độ cử tuyển. Ban soạn thảo cũng cần xem xét, xác định cử tuyển, phân bổ chỉ tiêu cử tuyển hợp lý.

Liên quan đến chính sách học bổng và trợ cấp quy định tại Khoản 3, Điều 83, Dự thảo luật, theo đại biểu Ka H’hoa cần làm rõ tính khả thi của chính sách. Cụ thể, sau khi tốt nghiệp và công tác trong ngành Giáo dục thời gian bao lâu thì được hưởng tín dụng sư phạm. Bên cạnh đó, quy định trên chỉ áp dụng cho học sinh, sinh viên học các trường đại học, cao đẳng sư phạm và ra trường công tác trong ngành Giáo dục đủ thời gian (theo quy định) thì được hưởng khoản vay tín dụng sư phạm. Đại biểu Ka H’hoa đề nghị, xem xét mở rộng đối với học sinh, sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng khác công tác trong ngành Giáo dục đủ thời gian quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông Ka H’hoa: Cần xem xét về lộ trình đào tạo, nguồn lực thực hiện nâng chuẩn giáo viên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO