Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông thảo luận về các đề án, dự thảo nghị quyết

Đức Diệu| 02/11/2019 15:36

Ngày 1/11, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 14 tiếp tục thảo luận tập trung về Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn; Dự thảo nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách Nhà nước; việc cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước…

ADQuảng cáo

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông Ka H'Hoa thảo luận về Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn

Tham gia thảo luận về Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn, đại biểu Ka H'Hoa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông tán thành với sự cần thiết của Đề án này. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã quan tâm đầu tư rất lớn về mọi mặt, nhưng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ… vẫn là vùng còn nhiều khó khăn, hạ tầng kinh tế -xã hội thấp kém, chậm phát triển. Chính sách giao đất, giao rừng cho cộng đồng và hộ dân tộc thiểu số, miền núi hiệu quả chưa cao. Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi còn nhiều khó khăn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó có nguyên nhân là chưa có chính sách chung để điều chỉnh tổng thể lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Do vậy việc xây dựng đề án này là rất cần thiết, cấp bách để thúc đẩy phát triển toàn diện, thu hẹp dần khoảng cách với các vùng khác trong cả nước.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông Nguyễn Trường Giang thảo luận về Dự thảo nghị quyết việc cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước

ADQuảng cáo

Theo đại biểu Ka H'Hoa, Chính phủ cần ưu tiên nguồn lực đầu tư vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, nhất là những dự án có liên quan đến cơ sở hạ tầng kết nối giữa miền núi và đồng bằng; có chính sách riêng để hỗ trợ về vấn đề nhà ở cho đồng bào vùng biên giới nhằm ổn định cuộc sống, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng; có chiến lược phát triển các lĩnh vực thế mạnh ở khu vực miền núi. Mặt khác, chúng ta cũng cần chú trọng hơn nữa việc đào tạo nguồn nhân lực là người dân tộc thiểu số về công tác tại địa phương để bảo đảm phát triển thực chất và giữ gìn bản sắc dân tộc từng vùng, miền; ưu tiên đầu tư cho giáo dục, thu hút nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Hiện nay, có hơn 100 văn bản pháp luật có liên quan đến phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi còn giá trị. Tuy nhiên, Chính phủ cũng cần tích hợp, có những chính sách phù hợp với từng vùng, miền, có lộ trình thực hiện rõ ràng...

Video: Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông Nguyễn Trường Giang thảo luận về Dự thảo nghị quyết việc cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước

Liên quan đến việc cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước, đại biểu Nguyễn Trường Giang, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông cho rằng, về nguyên tắc, việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được thực hiện từ ngày 1/7/2011 và khai thác tài nguyên nước được thực hiện từ ngày 1/1/2013, tức là ngày mà hai luật này có hiệu lực. Tuy nhiên, để thu được thì phải có phương pháp thu, mức thu, mà theo quy định luật và giao Chính phủ quy định. Tại thời điểm hai luật này có hiệu lực thì Chính phủ chưa xây dựng, ban hành được phương pháp thu, mức thu, do đó không thể thu được. Vì vậy, việc có hồi tố về nghị định hay không, có thu được hay không thu được hai khoản này, đại biểu Nguyễn Trường Giang cho rằng chúng ta phải căn cứ vào thời điểm ban hành quy định cách thu và mức thu. Cụ thể ở đây là quy định về phương pháp thu, mức thu quyền khai thác khoáng sản, có hiệu lực từ 20/1/2014 và tài nguyên nước thì đến tháng 9/2017 mới có nghị định. Do đó, chúng ta chỉ có thể thu được từ các tổ chức, cá nhân về cấp quyền khai thác khoáng sản đối với trữ lượng khoáng sản còn lại từ ngày 20/1/2014 và tài nguyên nước từ tháng 9/2017. Hai nghị định này đều không quy định hiệu lực trở về trước. Nếu áp dụng nghị định này để xác định việc không thu dẫn đến thất thoát mấy nghìn tỷ là không có cơ sở. Vì thế, chúng ta không quy định trách nhiệm trở về trước là hợp lý. Việc lùi thời điểm có hiệu lực hay miễn hoặc sửa luật như Chính phủ trình, đại biểu Nguyễn Trường Giang cho rằng đây chỉ là vấn đề "câu chữ". Nếu là miễn thì chúng ta phải xác định được đối tượng, khối lượng bao nhiêu nhưng vì thời điểm hai luật này có hiệu lực lại chưa có nghị định quy định phương pháp, mức thu bao nhiêu. Do đó, việc xác định số tiền miễn hay giảm trong giai đoạn từ khi luật có hiệu lực đến khi có nghị định hướng dẫn thi hành là không xác định được... 

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông thảo luận về các đề án, dự thảo nghị quyết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO