Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông: Thí điểm cơ chế đặc thù cho TP. Hồ Chí Minh, tránh chồng lấn giữa các luật

Công Tính| 14/11/2017 16:06

Ngày 14/11, tiếp tục chương trình làm việc của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển TP.HCM. Các đại biểu đã tham gia thảo luận ở tổ về dự thảo nghị quyết này và Dự án luật Quốc phòng (sửa đổi). Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông đã có những ý kiến tham gia thảo luận về các vấn đề được nêu ra.

Thảo luận về quyền quyết định cho TP.HCM, theo ông Nguyễn Trường Giang cũng không nên để ảnh hưởng đến ngân sách chung của trung ương. Cụ thể, như HĐND thành phố được quyết định chuyển quyền sử dụng đất (đất lúa-PV) từ 10 ha trở lên. Tuy nhiên, khi giao quyền cho thành phố không nên cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp từ 10 ha đến 499 ha được (chuyển 500 ha lúa nước hai vụ trở lên là Quốc hội quyết định-PV). Chỉ nên giới hạn quyền quyết định cho thành phố từ 50-100 ha… Liên quan đến công tác cán bộ, theo ông Giang cần phải phân cấp rõ ràng cho bộ máy chính quyền tại TP.HCM hơn nữa.

Về tính cấp thiết để hỗ trợ siêu đô thị TP.HCM phát triển, ông Bùi Thanh Sơn dẫn chứng, ở phía Bắc đã có luật Thủ đô, vì vậy ở phía Nam thì thành phố này cũng cần có cơ chế chính sách đặc thù. Bởi vì, nếu xét theo luật sẽ giống nhau hết. “Chúng ta không làm thí điểm và không có nghị quyết riêng thì (TP.HCM-PV) không thể “vượt rào” được. Đây là động lực để thành phố phát triển mạnh hơn!), ông Sơn nhấn mạnh. Liên quan đến việc giao cơ chế cho TP.HCM, ông Sơn lưu ý, cần có những đánh giá sâu về thuế, cổ phần hóa, phí và lệ phí. Những điểm mà chưa có trong danh mục quy định thì cần lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân. Trong quy định này cần phải có mức trần đối với các loại thuế, phí, tránh tình trạng tăng vô hạn…

TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: tư liệu

Góp ý Dự án luật Quốc phòng (sửa đổi), đại biểu K’Choi đề nghị, nên cân nhắc phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật để bảo đảm không chồng lấn với quy định của các luật khác có liên quan. Bởi vì, dự án luật có nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến nội dung điều chỉnh tại các luật, pháp lệnh hiện hành như: Luật An ninh quốc gia, luật Biên giới quốc gia, luật Biển Việt Nam...

Liên quan đến quy định về “tình trạng khẩn cấp về quốc phòng”, ông K’Choi đề xuất cân nhắc nội dung quy định này cho phù hợp với quy định của Hiến pháp và các luật liên quan. Việc quy định về thẩm quyền, trình tự ban bố, công bố, bãi bỏ “tình trạng khẩn cấp” đã được quy định tại Hiến pháp và một số luật khác. Góp ý về việc giao Chính phủ quy định chi tiết việc tổ chức thi hành lệnh thiết quân luật và việc tổ chức thi hành lệnh giới nghiêm (Khoản 6, Điều 23, Dự án luật), ông K’Choi mong muốn, ban soạn thảo nghiên cứu để quy định cụ thể những nội dung chính ngay trong Dự án luật. Thực tế, nghị định chỉ cụ thể hóa về thủ tục, trình tự, cách thức tổ chức, phối hợp để thực hiện...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông: Thí điểm cơ chế đặc thù cho TP. Hồ Chí Minh, tránh chồng lấn giữa các luật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO