Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông Võ Đình Tín: Nên giao Chính phủ xác định “mức sống tối thiểu”

Công Tính| 23/10/2019 14:59

Sáng 23/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Phát biểu thảo luận, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông Võ Đình Tín cho rằng, liên quan đến quy định về tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở thì Cơ quan soạn thảo xem xét chỉ quy định về những vấn đề mang tính nguyên tắc và chung nhất vào Dự án Luật nhằm bảo đảm quyền, nghĩa vụ cơ bản của người lao động theo đúng quy định tại Khoản 2, Điều 14, Hiến pháp năm 2013 và phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 06, ngày 5/11/2016…

Đại biểu Quốc hội Võ Đình Tín phát biểu trước Quốc hội sáng 23/10. Ảnh: Quochoi.vn

Góp ý tại Điều 72, Dự thảo Luật, đại biểu Võ Đình Tín cho rằng, Ban soạn thảo cần bổ sung quy định về nguyên tắc, bảo đảm nghĩa vụ thương lượng thiện chí trong thương lượng tập thể có nhiều doanh nghiệp tham gia, hoặc áp dụng nghĩa vụ bảo đảm thương lượng thiện chí như đối với thương lượng tại doanh nghiệp.

Liên quan đến quy định mức lương tối thiểu (Khoản 1, Điều 91, Dự thảo Luật-PV), đại biểu Tín đề nghị, Ban soạn thảo bổ sung vào Điều 3 (Giải thích từ ngữ) hoặc giao Chính phủ là cơ quan có trách nhiệm xác định “mức sống tối thiểu” và thời điểm công bố “mức sống tối thiểu” làm căn cứ để Hội đồng tiền lương quốc gia xác định mức tiền lương tối thiểu hàng năm. Tại Khoản 3, Điều 91, Dự thảo Luật có nội dung: Mức lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên các yếu tố mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương phổ biến của người lao động trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp. “Đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bỏ căn cứ xác định mức lương tối thiểu vùng là “khả năng chi trả của doanh nghiệp”. Vì đây là yếu tố khó hiểu, khó định lượng, gây khó khăn cho Hội đồng lương quốc gia khi xác định. Mặt khác, năng suất lao động, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở khía cạnh nhất định cũng đã thể hiện được “sức sống”, sự phát triển và khả năng chi trả của doanh nghiệp”, đại biểu Tín lý giải.

Về quy định tuổi nghỉ hưu, đại biểu Võ Đình Tín lưu ý, mức tăng và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu phải xem xét đến các yếu tố: Đối tượng, lĩnh vực ngành nghề và cần được thiết kế linh hoạt hơn. “Cần cân nhắc đến các đối tượng là công nhân, lao động trực tiếp trong khu vực sản xuất, dịch vụ và một số ngành nghề đặc thù như: Giáo viên mầm non, tiểu học, người làm trong lĩnh vực nghệ thuật. Giao Chính phủ quy định chi tiết theo hướng xem xét để không tăng hoặc có lộ trình tăng chậm hơn và có các chính sách hỗ trợ linh hoạt, không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động”, đại biểu Võ Đình Tín nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông Võ Đình Tín: Nên giao Chính phủ xác định “mức sống tối thiểu”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO