Đại học Phương Đông - Nơi đào tạo những nhà cách mạng tiền bối kiệt xuất của Cách mạng Việt Nam

Vũ Hà| 01/11/2017 10:54

Sau khi Cách mạng tháng Mười Nga 1917 thành công, Nhà nước Liên bang Xô Viết ra đời, tháng 4/1921, Trường Đại học Phương Đông được thành lập. Ban đầu, nhiệm vụ của Đại học Phương Đông là “đào tạo cán bộ cho Đảng và cho các nước cộng hòa tự trị thuộc Xô Viết…”. Nhưng kể từ năm 1922, Đại học Phương Đông bắt đầu tiếp nhận người nước ngoài tại phân hiệu đặc biệt “phục vụ cho đông đảo quần chúng lao động phương Đông”.

ADQuảng cáo

Cách mạng tháng Mười Nga và Trường Đại học Phương Đông có sức thu hút mạnh mẽ đối với các chí sỹ, trí thức yêu nước Việt Nam đương thời. Vào khoảng năm 1920, cụ Phan Bội Châu, một chí sỹ yêu nước nổi tiếng của Việt Nam bấy giờ đã từng có cuộc gặp với Karakhan là đại sứ Nga Xô Viết đầu tiên ở Trung Quốc. Trong cuộc gặp gỡ ấy, cụ Phan đã đề cập đến việc gửi các thành viên Việt Nam Quang phục hội sang Nga học tập.

Năm 1923, sau khi tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, Bác Hồ với danh xưng Nguyễn Ái Quốc từ Paris, thủ đô nước Pháp sang Matxcơva, quê hương của Cách mạng tháng Mười vĩ đại. Tại Matxcơva, Người vừa công tác vừa học tập tại Đại học Phương Đông... Từ năm 1934 – 1938, Linov (Nguyễn Ái Quốc) từng dạy môn “Các vấn đề Đông Dương”. Tuy nhiên, một trong những điều Người quan tâm nhất bấy giờ là vấn đề gửi lưu học sinh Việt Nam sang học tập tại Liên Xô để đào tạo cán bộ nòng cốt cho cách mạng nước ta sau này.

Dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Ái Quốc, từ 1925 đến cuối những năm 1930 đã có hơn 60 sinh viên Đông Dương sang học tập tại Đại học Phương Đông, một số ít học tại Viện các vấn đề dân tộc và thuộc địa và Trường Quốc tế Lênin. Tuy nhiên, theo số liệu của Đảng Cộng sản Pháp, đã có tới 75 lưu học sinh Việt Nam được gửi từ Pháp sang Liên Xô học. Sự khác biệt về tổng số lưu học sinh Việt Nam có thể do một số người đã theo học các trường khác tại Liên Xô.

ADQuảng cáo

Theo một số tài liệu, tới năm 1935, đã có 47 sinh viên Việt Nam tốt nghiệp, Trong số 47 sinh viên nói trên có 40 người sang học theo đường từ Pháp, và 7 người theo đường qua Trung Quốc. Theo thống kê chính thức của Trường Đại học Phương Đông. Khoảng những năm 1924 – 1934, trong số học viên người Việt Nam, thành phần công nhân và nông dân chiếm 52%, đảng viên và đoàn viên cộng sản chiếm 85%. Trong số các sinh viên nói trên, có một số người là nghiên cứu sinh. Ban đầu có Minin (Nguyễn Khánh Toàn), với luận án “Khởi nghĩa nông dân Tây Sơn ở Đông Dương trong thế kỷ 18”. Năm 1931 Litvinov (Lê Hồng Phong) khởi thảo công trình nghiên cứu xuất sắc mang tên “Tình hình kinh tế và chính trị Đông Dương” nhưng dang dở, vì tác giả trở về Tổ quốc hoạt động. Riêng tác phẩm “Các nguyên tắc tổ chức của chủ nghĩa Bônsevich” của Trần Văn Giàu được đưa vào làm tài liệu giảng dạy cho học sinh Đông Dương…

Do biến động tình hình, cuối những năm 1936, bà Vera Vasilyeva, người phụ trách nhóm sinh viên Đông Dương của Đại học Phương Đông đã đề nghị chuyển các sinh viên Việt Nam sang Trung Quốc hay Pháp. Đề nghị này không được chấp nhận. Thay vào đó, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Quốc tế cộng sản Dimitrov nhận được công văn đề nghị giúp đỡ gửi sinh viên nước ngoài về Tổ quốc.

Những sinh viên Việt Nam sau cùng ở Matxcơva, khi đang học tập ở đây thì chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Với tinh thần quốc tế vô sản cao cả, tất cả họ đã tham gia hồng quân trong chiến dịch bảo vệ thủ đô Xô Viết những năm 1941 – 1942. Họ đã sát cánh cùng với hồng quân Liên Xô chiến đấu vô cùng anh dũng để bảo vệ Matxcơva và hầu hết đã hy sinh…

Những sinh viên Việt Nam được đào tạo tại Trường Đại học Phương Đông trở về Tổ quốc hoạt động đã trở thành nòng cốt của cách mạng, nhiều người đã trở thành lãnh đạo kiệt xuất của Đảng ta, trong đó các Tổng bí thư đầu tiên của Đảng như Trần Phú, Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong... Có đồng chí sau này vừa là nhà cách mạng, đồng thời là trí thức nổi tiếng như Giáo sư Viện sỹ Nguyễn Khánh Toàn, Giáo sư Trần Văn Giàu…

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại học Phương Đông - Nơi đào tạo những nhà cách mạng tiền bối kiệt xuất của Cách mạng Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO