Đắk Nông sắp xếp bộ máy theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động (kỳ 3): Sắp xếp bộ máy bên trong - nhìn từ khối Mặt trận, đoàn thể xã hội

Hoàng Hoài - Vũ Trang| 04/09/2019 08:49

Thực hiện Nghị quyết số 18, các cơ quan, đơn vị, trong đó có Khối Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh đã tổ chức sắp xếp lại bộ máy bên trong nhằm giảm đầu mối để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Trong quá trình sắp xếp, mỗi đơn vị đều có những cách làm khác nhau để bảo đảm tính khách quan, dân chủ và nhất là tạo sự đoàn kết, thống nhất trong cán bộ, công nhân viên cơ quan.

Thu gom đầu mối, triển khai hoạt động thuận lợi hơn

Thực hiện Nghị quyết 18 về sắp xếp bộ máy bên trong, Tỉnh đoàn đã căn cứ vào hướng dẫn, định hướng của Trung ương Đoàn để thống nhất tên gọi của các phòng ban từ trên xuống dưới nhằm bảo đảm việc chỉ đạo công việc được thông suốt.

Anh Đoàn Văn Đông (bên trái) được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn kể từ ngày 1/8/2019 theo Đề án sắp xếp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động

Theo Bí thư Tỉnh đoàn H’Vi Ê ban, trước sắp xếp, Tỉnh đoàn có 6 ban với 27 biên chế và hầu hết các ban đều có trưởng, phó ban. Mặc dù các ban luôn hoạt động hiệu quả, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, song tổ chức bộ máy vẫn còn nhiều đầu mối, số lượng lãnh đạo quản lý cấp phòng, ban nhiều. Do đó, việc rà soát, sắp xếp lại bộ máy đã khắc phục được tình trạng vừa thừa, vừa thiếu nhân lực. Hiện tại, sau sắp xếp gồm có Thường trực Tỉnh đoàn và 4 ban chuyên môn trực thuộc, giảm 2 ban so với trước khi sắp xếp và giảm 1 phó trưởng ban. Việc sắp xếp bảo đảm theo đúng quy định, 1 ban có ít nhất 5 người; đồng thời căn cứ số lượng biên chế thực tế để phân công công việc một cách phù hợp.

Tỉnh đoàn có thuận lợi là đã xây dựng Đề án vị trí việc làm nên khi sắp xếp được coi là một tiêu chí “cứng” để lựa chọn cán bộ. Bên cạnh đó, Tỉnh đoàn cũng dựa vào năng lực, mức độ đánh giá thực hiện nhiệm vụ từng năm để sắp xếp, nhất là cán bộ quản lý nhằm bảo đảm minh bạch, công khai, dân chủ và tạo đồng thuận, thống nhất trong cơ quan. Trong quá trình sắp xếp, 1 phó ban mặc dù đều đủ điều kiện, nhưng do tuổi còn trẻ, nên đã tự nguyện làm đơn xin làm chuyên viên.

Cán bộ trong các ban luôn đoàn kết để hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra. Việc sắp xếp dẫn đến đầu mối công việc thu gom lại, nên khi muốn triển khai hoạt động nào cũng dễ dàng, nhanh chóng hơn trước. Trong công việc, lãnh đạo ban đều phân công dựa trên chức năng nhiệm vụ của từng vị trí việc làm. Trong khâu chọn con người, Tỉnh đoàn chủ trương lựa chọn người có năng lực, bao quát được nhiều lĩnh vực, xác định được vị trí việc làm, kế hoạch công tác của cơ quan, cá nhân… để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đề ra.

Tuy nhiên, bước đầu sau sắp xếp vẫn còn những “chông chênh”, một số trưởng ban chưa bao quát được những phần việc mới. Công việc tăng lên, họp hành thường xuyên, dẫn đến thời gian để tiếp cận với những việc mới bị giới hạn. Chưa kể, một ban của Tỉnh đoàn lại chịu sự hướng dẫn của 2-3 ban ở Trung ương Đoàn, nên nhiều lúc công việc cũng chưa trôi chảy như mong muốn.

Cũng theo chị H’Vi Ê ban, khó khăn là vậy, nhưng sau một thời gian khi bộ máy hoạt động ổn định, cán bộ nắm bắt được các đầu mối công việc thì chắc chắn chất lượng các phong trào, hoạt động sẽ được nâng lên như tinh thần của Nghị quyết 18 là nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Lựa chọn người đủ tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu công việc

Tương tự, Ủy ban MTTQ tỉnh đã tiến hành sắp xếp lại bộ máy bên trong để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động theo đúng quy trình, quy định và thời gian đề ra. Việc sắp xếp nhằm thu gọn đầu mối chứ không tăng thêm cán bộ quản lý.

Sau sắp xếp lại bộ máy bên trong, bà Vũ Thị Giao Ninh được phân công là Trưởng Ban Tổ chức-Tuyên giáo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh

Trước khi sắp xếp lại bộ máy, Ủy ban MTTQ tỉnh có 5 ban, ngoài văn phòng có 11 người, còn lại mỗi ban chỉ 2-3 người gồm có trưởng phó ban và 1 chuyên viên hoặc 1 hợp đồng; có ban chỉ có trưởng phó ban, không có nhân viên. Từ đó có thể thấy, tổ chức bộ máy của MTTQ tỉnh còn khá cồng kềnh, số lượng lãnh đạo ban nhiều hơn số lượng chuyên viên tham mưu giúp việc. Chưa kể, một số ban còn chồng chéo về chức năng và nhiệm vụ.

Theo ông Điểu Xuân Hùng, UVTVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy là đúng đắn và cần thiết để giảm đầu mối theo hướng tinh gọn, tránh chồng chéo trong sắp xếp công việc, nhất là giảm số lượng cán bộ quản lý phòng, ban. Hiện nay, sau sắp xếp, Ủy ban MTTQ tỉnh còn có lãnh đạo cơ quan và 4 đầu mối trực thuộc gồm 3 ban và văn phòng, tức là giảm 2 ban so với trước. Trong đó, văn phòng còn 7 người; các ban khác bảo đảm đủ 5 người theo quy định, trong đó có 1 trưởng ban và 1 phó ban. Như vậy, Ủy ban MTTQ tỉnh đã giảm được 2 đầu mối; 1 trưởng ban, 1 phó ban; có 2 trưởng ban xin nghỉ hưu trước tuổi.

Tại buổi làm việc với tỉnh Đắk Nông mới đây, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đánh giá cao việc sắp xếp bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 18 của Ủy ban MTTQ tỉnh

Cũng theo ông Hùng, khâu khó nhất trong sắp xếp là lựa chọn cán bộ. Bởi có người xuống, người lên, song, do cơ quan có hai lãnh đạo ban xin nghỉ hưu trước tuổi, nên MTTQ thuận lợi hơn so với các đơn vị khác. Thế nhưng, không phải vì vậy công tác cán bộ làm qua loa, đại khái mà dựa vào các tiêu chuẩn, chức danh để giao nhiệm vụ. Cụ thể, Đảng đoàn MTTQ tỉnh đã ban hành tiêu chuẩn chức danh cán bộ riêng và có vị trí việc làm đã được phê duyệt. Bên cạnh đó, MTTQ tỉnh cũng căn cứ vào các tiêu chí như chức danh quy hoạch, bỏ phiếu thăm dò, đánh giá nhận xét hàng năm…

Từ đó, những người nổi bật, hội tụ đầy đủ các yếu tố thì sắp xếp, còn ai không đủ điều kiện thì loại dần để bảo đảm người đó không chỉ đáp ứng được nhu cầu hoạt động công việc ngày càng cao mà còn phải thực sự có khả năng lãnh đạo, tạo sự tín nhiệm, đoàn kết trong một tổ chức. Sau sắp xếp, mỗi ban đều có sự thay đổi lớn về nhân sự, nên các cán bộ quản lý ban khi giao nhiệm vụ cho chuyên viên thì dựa vào chuyên môn, tránh tình trạng người làm nhiều, người làm ít, người không được giao việc hay giao không đúng năng lực.

Sau sắp xếp, MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội đã giảm 13 ban và tương đương, 16 lãnh đạo, quản lý, trong đó cấp trưởng 9 người và cấp phó 7 người. Điều đáng nói, các đơn vị này đều đã xây dựng đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức theo danh mục được mô tả nên quá trình sắp xếp, lựa chọn cán bộ quản lý có nhiều thuận lợi.

Đạt được mục tiêu đề ra

Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, hiện nay, việc rà soát, sắp xếp giảm đầu mối bên trong của MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội tỉnh đã đạt được mục tiêu đề ra là tinh gọn bộ máy, đầu mối hoạt động và từng bước vận hành bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết 18 đã đề ra.

Có thể nói, sau 2 năm thực hiện, dù giảm về đầu mối, cán bộ lãnh đạo quản lý, nhưng bộ máy vẫn vận hành thông suốt, các phong trào, hoạt động do các cấp, ngành triển khai vẫn thực hiện hiệu quả. Quá trình thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong ở các cơ quan cơ bản được sự đồng thuận, thống nhất cao của lãnh đạo và cán bộ công chức, viên chức.

>>Kỳ 4: Tiếp tục tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong sắp xếp bộ máy

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Nông sắp xếp bộ máy theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động (kỳ 3): Sắp xếp bộ máy bên trong - nhìn từ khối Mặt trận, đoàn thể xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO