Đắk Song chú trọng tạo nguồn, phát triển đảng viên trẻ (kỳ 2): Cần chủ động tạo nguồn tại chỗ

Phan Tuấn| 21/12/2017 09:31

Tuy có những điểm sáng nhưng ở một số thôn, bon của huyện Đắk Song nhiều năm qua, nguồn để phát triển đảng vẫn rất hạn chế. Thực trạng này khiến địa phương lúng túng trong phát triển đảng viên...

Chi bộ thôn 11, xã Nâm N'Jang luôn quan tâm đến công tác tạo nguồn cho Đảng

Nhiều địa bàn đã "cạn nguồn"…

Huyện Đắk Song được thành lập hơn 11 năm nay. Lợi thế của huyện là vùng đất mới, được người dân ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước lựa chọn làm "quê hương thứ hai" để định cư, lập nghiệp. Thế nhưng, đối với công tác phát triển đảng viên lại bộc lộ nhiều thách thức, khiến cho một số chi bộ phải "đau đầu" trong thời gian qua.

Thôn Đắk Kual 6, ở xã Đắk N’Drung đã thành lập được gần 8 năm nay. Hiện tại, chi bộ thôn này có 4 đảng viên. Trong số này, có 3 đảng viên là cán bộ xã, sinh sống ở thôn khác, nhưng được điều động về sinh hoạt Đảng ở thôn Đắk Kual 6. Đảng viên còn lại trước đây trú tại thôn Đắk Kual 3, nhưng được lãnh đạo địa phương đặc cách cho nhập khẩu vào thôn Đắk Kual 6 để tránh tình trạng không có đảng viên là người tại chỗ. Nhiều năm qua, thôn Đắk Kual 6 không phát triểm thêm được đảng viên nào.

Tương tự, tại bon Boong Ding, của xã Trường Xuân, đã trải qua 14 năm thành lập nhưng chưa từng kết nạp được đảng viên nào là người tại chỗ. Hiện nay, chi bộ ở đây có 4 đảng viên thì 2 trong số này là người của một công ty thủy điện đóng chân ở trên địa bàn. Hai trường hợp còn lại là đảng viên kết nạp ở địa phương khác rồi chuyển về bon Boong Ding sinh sống.

Thôn 10, xã Nam Bình, là một trong những thôn đông dân cư nhất huyện, có tốc độ phát triển kinh tế khá cao. Hiện nay, chi bộ thôn 10 đang có 22 đảng viên sinh hoạt, nhưng lại rất khó khăn trong việc phát triển đảng viên mới, nhất là đảng viên trẻ. Đã gần 4 năm nay, thôn 10 chưa phát triển thêm được đảng viên nào...

Theo phân tích của một số bí thư chi bộ trên địa bàn, có nhiều nguyên nhân khiến cho việc phát triển đảng viên tại một số thôn, bon gặp khó khăn. Đó là hiện nay có nhiều thanh niên thiếu lý tưởng, thiếu ý chí phấn đấu nên không đủ tiêu chuẩn để vào Đảng. Một bộ phận khác được học hành, đạo đức tốt, nhưng lại đi làm ăn xa quê hoặc chỉ lo tập trung phát triển kinh tế chứ không "mặn mà" phấn đấu để vào Đảng. Một số khác mặc dù có tâm huyết, trách nhiệm với tập thể, nhưng vi phạm chính sách dân số. Một nguyên nhân nữa là do địa bàn rộng, dân cư thưa, nhất là tại những thôn, bon mới được thành lập, ở vùng sâu, vùng xa... nên rất hạn chế trong việc tạo nguồn phát triển đảng viên.

Một số giải pháp…

Thực tiễn xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội ở Đắk Song hiện nay rất cần đội ngũ cán bộ, đảng viên trẻ, có đủ năng lực để tiếp nhận và ứng dụng khoa học kỹ thuật để bổ sung vào lực lượng lãnh đạo ở cơ sở, địa phương. Thế nhưng, trong thời buổi kinh tế thị trường, nhiều người trẻ có xu hướng thực dụng hơn. Nhiều thanh niên bây giờ không thực sự nhiệt huyết với tập thể, công việc chung. Hơn nữa, nhiều người trẻ có suy nghĩ lệch lạc là vào Đảng để có cơ hội thăng tiến chứ không phải vì vinh dự, nhiệm vụ chung.

Theo ông Trịnh Xuân Khang, Bí thư Chi bộ thôn 10, xã Nam Bình, giải pháp trước hết là khơi dậy lý tưởng cách mạng cho tầng lớp  thanh, thiếu niên. Các cấp, các ngành phải làm sao để tầng lớp thanh, thiếu niên cảm nhận được việc được đứng vào hàng ngũ của Đảng là niềm vinh dự không chỉ cho bản thân mà còn cả cho gia đình, dòng họ. "Phải làm sao để từ người nông dân cho đến cán bộ, từ trẻ tới già đều muốn được vào Đảng để cống hiến, học tập”, ông Khang nhấn mạnh.

Còn ông Nguyễn Nam Thắng, Bí thư Đảng ủy thị trấn Đức An cho rằng, để công tác kết nạp đảng đạt kết quả cao, hàng năm Ban Thường vụ Đảng ủy thị trấn Đức An đã bám sát các tổ chức cơ sở Đảng xây dựng kế hoạch cụ thể về tạo nguồn kết nạp đảng viên cho từng năm và cả nhiệm kỳ. Ban Thường vụ Đảng ủy thị trấn Đức An còn chỉ đạo cấp ủy cơ sở chủ động rà soát, nắm chắc danh sách đối tượng là học sinh, sinh viên, đoàn viên, hội viên để có kế hoạch bồi dưỡng, tạo nguồn giới thiệu cho Đảng; chỉ đạo các tổ chức đoàn thể chủ động phối hợp trong công tác giáo dục, lựa chọn, giới thiệu quần chúng ưu tú cho chi bộ. Sau khi đã có nguồn thì Đảng ủy, Chi bộ kịp thời phân công đảng viên theo dõi, bồi dưỡng, giúp đỡ và chú trọng công tác tuyên truyền giáo dục đối với thế hệ trẻ.

Theo đồng chí Phan Văn Hợp, Bí thư Huyện ủy Đắk Song, để hạn chế những tồn tại trong việc phát triển đảng viên, trước hết các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở cần làm tốt công tác chính trị tư tưởng, bồi dưỡng, giáo dục truyền thống yêu nước cho tầng lớp đoàn viên, thanh niên. Mỗi địa phương phải nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đoàn ở cơ sở. Phải làm sao để tất cả các thôn, bon, tổ dân phố đều có chi đoàn thanh niên. Để tạo sự bền vững, lâu dài, các tổ chức đảng và tổ chức đoàn phải phối hợp chặt chẽ trong giúp đỡ những thanh niên trực tiếp lao động, sản xuất ở khu vực nông thôn để họ có cơ hội được cống hiến, đóng góp cho phong trào chung ở cơ sở. Qua đó, tổ chức đoàn thanh niên cần chủ động biểu dương, khen thưởng những nhân tố tiêu biểu. Cấp ủy các cấp cũng cần làm tốt việc quy hoạch, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ trẻ để phát huy được tính chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của thanh niên, qua đó tạo nguồn để phát triển đảng viên. Các địa phương cần phải đưa chỉ tiêu phát triển đảng viên trẻ là thanh niên trực tiếp lao động ở nông thôn vào nghị quyết. Định kỳ cấp ủy các cấp, nhất là cấp ủy cơ sở tổ chức hội nghị chuyên đề về công tác phát triển đảng viên ở thôn, bon, tổ dân phố. Qua đó đánh giá, phân tích những mặt làm được, chưa được, nguyên nhân, các giải pháp cho thời gian tới. Mặt khác, tổng kết, biểu dương, khen thưởng những điển hình tiên tiến, những đảng viên trẻ thành đạt trên các lĩnh vực để nhân ra diện rộng, tạo động lực cho những đối tượng khác và cả thế hệ sau...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Song chú trọng tạo nguồn, phát triển đảng viên trẻ (kỳ 2): Cần chủ động tạo nguồn tại chỗ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO