ĐBQH tỉnh Đắk Nông: Nhiều khoảng trống pháp lý trong quy hoạch, sử dụng đất

Công Tính - Thành Dũng| 27/05/2019 17:30

Sáng 27/5, đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông đã thảo luận trước Quốc hội về những ý kiến liên quan đến kết quả giám sát thi hành luật Đất đai từ năm 2013 đến hết năm 2018.

ADQuảng cáo

Theo Đại biểu Quốc hội Võ Đình Tín và Nguyễn Trường Giang, còn rất nhiều khoảng trống pháp lý cần phải sửa đổi, bổ sung trong luật Đất đai.

Video: Đại biểu Nguyễn Trường Giang phát biểu trước Quốc hội sáng 27/5.

Quy hoạch phải là kịch bản của phát triển

Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang, thời gian qua nhiều chính sách trong đó có chính sách tài chính và đất đai, tạo ra nguồn thu quan trọng cho ngân sách Nhà nước, góp phần thay đổi bộ mặt đất nước, nâng cao đời sống người dân. Thế nhưng, qua giám sát cho thấy, nguồn thu từ đất đai bị thất thoát gây thất thu cho ngân sách nhà nước và có nhiều điểm bất hợp lý. Nguyên nhân là do các quy định về phương pháp xác định giá đất, việc định giá đất chưa đúng với giá trị thật, không phù hợp thị trường…

Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Đại biểu Nguyễn Trường Giang cho rằng, việc lập quy hoạch đô thị đang góp phần tạo ra một không gian đô thị hiện đại. Tuy nhiên, quy hoạch sử dụng đất hiện nay mới chỉ làm được việc chuẩn bị diện tích đất cho các loại theo nhu cầu sử dụng của các ngành và địa phương; mới chỉ tập trung vào tiêu chí diện tích các loại đất sẽ đưa vào sử dụng trong kỳ quy hoạch, chưa có nội dung phân vùng không gian sử dụng đất. Qua giám sát cũng cho thấy, việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn nhiều khoảng trống pháp lý, quá trình tham gia của người dân, doanh nghiệp trong quá trình lập quy hoạch còn nhiều hạn chế.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang giải thích: Thậm chí, việc điều chỉnh quy hoạch còn tùy tiện dẫn đến phá vỡ quy hoạch ban đầu. Đành rằng, khi triển khai thì sự điều chỉnh là cần thiết nhưng nhiều quy hoạch được điều chỉnh theo hướng tư lợi, tư duy chủ quan hoặc có nơi chính quyền làm theo đề xuất của chủ đầu tư.

“Tôi đề nghị, quy hoạch sử dụng đất được sử dụng phải là kịch bản cho kế hoạch sử dụng đất ngắn hạn, trung hạn và dài hạn sao cho, phản ánh được nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội và môi trường. Theo đó, quy hoạch sử dụng đất phải phân tích được chi phí, lợi ích về xã hội và môi trường; sử dụng nguồn lực đất đai trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Quá trình lập kế hoạch chi tiết của bộ quy hoạch chi tiết phải được công khai từ khâu đề xuất lấy ý kiến chuyên gia, người dân và doanh nghiệp. Việc điều chỉnh quy hoạch nên giao cho cấp trên của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch thực hiện”, Đại biểu Nguyễn Trường Giang đề xuất kiến nghị.

ADQuảng cáo

Đại biểu Nguyễn Trường Giang cũng cho rằng, việc công khai thông tin về việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất luôn là yêu cầu quan trọng để thúc đẩy công tác phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, trong thời gian qua cho thấy, tham nhũng lớn nhất từ giao đất, cho thuê đất trực tiếp cho nhà đầu tư không qua đấu giá đất đai. Đại biểu Giang cũng kiến nghị, cần sửa đổi, bổ sung luật Đất đai quy định về việc công khai giao đất, cho thuê đất, tiền sử dụng đất, tiền cho thuê đất trước khi thực hiện quyết định…

Hoàn thiện bộ khung pháp luật về đất đai, quy hoạch

Cũng góp ý về luật Đất đai, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông Võ Đình Tín đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế như: Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn chậm so với thời gian quy định, việc thực hiện quy hoạch đạt kết quả chưa cao; việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch của các ngành, lĩnh vực còn chồng chéo, mâu thuẫn dẫn đến việc thống nhất trong quy hoạch sử dụng đất gặp nhiều khó khăn. Việc đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp không thu hút được đầu tư, dẫn đến tình trạng đất đai bị khoanh bao, đầu tư hạ tầng tốn kém, dàn trải...

Đại biểu Võ Đình Tín phát biểu một số nội dung liên quan đến kết quả giám sát thi hành luật Đất đai.

Đại biểu Võ Đình Tín chỉ ra thêm một số bất cập: “Việc phân bổ các chỉ tiêu sử dụng đất trong kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương của Chính phủ còn chậm dẫn đến việc hoàn thiện và phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh cũng chậm theo (phê duyệt sau 2, 3 năm trong kỳ quy hoạch, kế hoạch)…”.

Từ thực tế này, Đại biểu Võ Đình Tín kiến nghị: Đối với Quốc hội, cần xem xét sửa đổi luật Đất đai năm 2013 và các luật liên quan đến luật Quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai tại đô thị nhằm đảo bảo tính đồng bộ và thống nhất trong hệ thống pháp luật về đất đai và quy hoạch đô thị.

Đối với Chính phủ, Đại biểu Tín cho rằng, cần kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy, thực hiện công tác quản lý đất đai để đảm bảo tinh gọn theo hướng hiện đại. Tập trung nguồn lực xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quản lý đất đai để vừa đáp ứng được yêu cầu thông tin cho công tác quản lý, đồng thời phục vụ cho công tác phát triển kinh tế - xã hội; tạo điều kiện cho công tác quản lý đất đai được công khai, minh bạch gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện, nhằm loại bỏ tham nhũng vặt gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Cải thiện việc cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Chính phủ cũng cần sớm rà soát thẩm quyền quyết định pháp lý liên quan đến đất đai theo hướng vừa đảm bảo quyền quản lý thống nhất của Trung ương, vừa phát huy tính dân chủ của địa phương. Xây dựng chính sách thu hút đầu tư, xây dựng hạ tầng đồng bộ để khai thác tiềm năng đất đai tại các vùng nông thôn, miền núi kém phát triển đồng thời thực hiện di dời các cơ sở sản xuất, các đơn vị sự nghiệp đông người ra khỏi trung tâm các đô thị để sử dụng đất có hiệu quả.

Theo Đại biểu Tín,,cần xác định hạn mức đất ở khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các gia đình, cá nhân đang sở hữu nhiều thửa đất ở cho thống nhất giữa các quy định. Đồng thời sớm ban hành các văn bản hướng dẫn về cơ chế chính sách, quy trình thực hiện tích tụ, tập trung đất đai.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐBQH tỉnh Đắk Nông: Nhiều khoảng trống pháp lý trong quy hoạch, sử dụng đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO