Đổi mới cách làm trong đào tạo hệ cử tuyển

Lương Nguyên| 30/11/2018 14:13

Thực hiện Nghị định số 134/NĐ-CP, ngày 14/11/2006 về quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và Nghị định số 49/2015/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 134, UBND tỉnh đã quan tâm, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên, nhất là người dân tộc thiểu số được cử đi học hệ cử tuyển. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, những năm gần đây, việc bố trí, sắp xếp việc làm cho những sinh viên đã tốt nghiệp gặp nhiều khó khăn.

ADQuảng cáo

Sinh viên phát biểu cảm nghĩ tại Lễ tuyên dương tân sinh viên dân tộc thiểu số đạt kết quả cao trong kỳ thi THPT quốc gia và trao học bổng tài năng trẻ tỉnh Đắk Nông năm 2017. Ảnh tư liệu

Theo ông Đoàn Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nội vụ thì thời gian qua, để tạo điều kiện cho các trường hợp sinh viên cử tuyển tốt nghiệp ra trường có việc làm, đơn vị đã phối hợp với các sở, ngành, UBND huyện, thị xã tổng hợp, rà soát lại các chuyên ngành đối với từng trường hợp sinh viên cử tuyển tốt nghiệp ra trường có chuyên ngành phù hợp với vị trí việc làm. Trên cơ sở này, đơn vị tham mưu cho Hội đồng xét tuyển vào vị trí việc làm đối với sinh viên cử tuyển tỉnh Đắk Nông xem xét, bố trí công tác về các cơ quan, đơn vị khi có nhu cầu. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện gặp khá nhiều khó khăn. Nguyên nhân là vì hầu hết các cơ quan, đơn vị đã sử dụng gần hết số biên chế được giao. Số biên chế còn lại sử dụng cho tinh giản biên chế theo lộ trình trong trường hợp không có đối tượng tinh giản biên chế.

Thực tế, theo yêu cầu của Bộ Nội vụ, từ năm 2018 - 2021, biên chế sự nghiệp tỉnh Đắk Nông phải giảm 1.210 người, ít nhất 303 người/năm. Đối với biên chế hành chính của tỉnh, đến năm 2021 cũng cắt giảm đạt con số tối thiểu là 10% so với tổng số biên chế công chức hành chính của tỉnh được giao trong năm 2015. Như vậy, trong thời gian tới, biên chế sự nghiệp của tỉnh không tăng, ngược lại còn giảm. Vì vậy, việc sử dụng biên chế sự nghiệp và hành chính để xét tuyển vào vị trí việc làm đối với sinh viên cử tuyển gặp không ít khó khăn. 

Theo báo cáo của Sở Nội vụ, tổng số sinh viên cử tuyển của Đắk Nông trong giai đoạn từ 2004-2017 là 614 sinh viên, trong đó, sinh viên là người dân tộc thiểu số có 496 em. Đến hết năm 2017, số sinh viên đã tốt nghiệp và được bố trí việc làm là 408 trường hợp, trong đó, sinh viên dân tộc thiểu số là 340 em. Hiện nay, còn 206 trường hợp, trong đó có 70 trường hợp sinh viên tốt nghiệp ra trường chưa bố trí được việc làm, số còn lại hiện nay đang học và chưa lấy được các loại bằng.

ADQuảng cáo

Ngoài nguyên nhân đã “cứng” biên chế, tình trạng nhiều sinh viên hệ cử tuyển sau khi tốt nghiệp chưa được sắp xếp, bố trí việc làm là vì trình độ làm việc chưa đáp ứng được nhu cầu đề ra. Qua khảo sát cho thấy, sau khi đào tạo, chỉ có khoảng 50% sinh viên tốt nghiệp đáp ứng được nhu cầu về vị trí việc làm tại các cơ quan, đơn vị. Nếu đáp ứng được trình độ với vị trí việc làm hiện tại, bắt buộc các đơn vị phải có thêm nguồn kinh phí để đào tạo lại và nâng cao trình độ hơn nữa. Đây cũng là lý do khiến các cơ quan, đơn vị có tâm lý “ngại” nhận các sinh viên theo học hệ cử tuyển. 

Việc thực hiện các quy định về tinh giản biên chế theo lộ trình từ nay đến năm 2021 đang gây không ít khó khăn trong việc bố trí việc làm cho sinh viên cử tuyển sau ra trường. Ảnh: Các sinh viên cử tuyển tại Học viện Quân y. Ảnh tư liệu

Thực tế, nếu với trình độ đào tạo cử tuyển như hiện nay, cộng với các quy định về tinh giản biên chế thì rất khó để bố trí được việc làm cho các sinh viên học hệ này. Muốn chính sách này từng bước đi vào thực tiễn, tránh lãng phí nguồn lực, nhiều ý kiến  cho rằng chúng ta phải linh hoạt, đổi mới trong cách triển khai.

Tại phiên giải trình của Thường trực HĐND tỉnh mới đây, đồng chí Lê Diễn, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Cử tuyển là chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, nhằm hỗ trợ cho bà con đồng bào tiếp cận kiến thức, nâng cao trình độ, cũng như tạo cơ sở cho tỉnh có nguồn về cán bộ là người dân tộc thiểu số. Do vậy, thực hiện chính sách này là nhiệm vụ mà tỉnh phải làm. Tuy nhiên, để thực hiện có hiệu quả chính sách trong thời gian tới, các đơn vị liên quan cần đánh giá lại thực trạng, vướng mắc trong thời gian qua để rút kinh nghiệm và có sự giám sát chặt chẽ hơn trong quá trình triển khai. Các sở, ngành, địa phương căn cứ, dự báo về tình hình phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh trong thời gian từ 5 đến 10 năm tới, từ đó, dự báo nhu cầu tuyển dụng của từng ngành. Trên cơ sở đó, hằng năm, các đơn vị chủ động đề nghị Bộ Giáo dục - Đào tạo, các trường đại học đào tạo đúng nhu cầu, đúng chuyên ngành cần đào tạo. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cần đẩy mạnh giới thiệu việc làm, tư vấn việc làm cho các em có thêm cơ hội tìm những việc làm phù hợp, chứ không nhất thiết là sau khi sinh viên tốt nghiệp, cơ quan nhà nước phải bố trí cho các em làm cán bộ nhà nước.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới cách làm trong đào tạo hệ cử tuyển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO