Đổi mới công tác quán triệt, học tập nghị quyết của Đảng cần đồng bộ

Nguyễn Hiền| 08/04/2021 09:16

Tại Hội nghị giao ban công tác giáo dục lý luận chính trị năm 2021 do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Nông tổ chức mới đây, một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quán triệt, học tập các chỉ thị, nghị quyết của Đảng.

Tạo sự chuyển biến  trong nhận thức

Các đại biểu cho rằng, việc học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng thời gian qua đã tạo được sự thống nhất nhận thức cao hơn về chính trị, tư tưởng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên.

Đồng chí Đoàn Văn Kỳ, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho rằng việc nâng cao chất lượng công tác học tập,quán triệt chỉ thị, nghị quyết của Đảng phải bắt đầu từ ý thức của mỗi cán bộ, đảng viên

Công tác thông tin lý luận và thực tiễn những vấn đề chính trị, phát triển kinh tế, xã hội được cập nhật kịp thời tại các hội nghị báo cáo viên định kỳ, hội nghị dành cho cán bộ chủ chốt cấp tỉnh…Số lượng đại biểu tham gia học tập bảo đảm đúng thành phần, đối tượng, đạt tỷ lệ cao.

Các loại tài liệu được chuẩn bị cơ bản đầy đủ, đáp ứng yêu cầu, phục vụ cho việc học tập, quán triệt  và tuyên truyền thực hiện các chỉ thị, nghị quyết.

Vẫn còn nhiều hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc quán triệt, học tập các chỉ thị, nghị quyết của Đảng còn một số khó khăn, hạn chế cần khắc phục.

Đồng chí Nguyễn Hữu Khuyến, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đắk Mil cho rằng, hiện nay một số cấp ủy nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, tầm quan trọng của việc triển khai, học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết. Việc quản lý, giám sát cán bộ, đảng viên tham gia học tập chưa sát sao. Một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa nghiêm túc trong việc nghiên cứu, học tập các chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Thời gian dành cho việc tổ chức nghiên cứu, quán triệt, nhất là ở cấp cơ sở còn ít. Năng lực, phương pháp trình bày của một số báo cáo viên ở cấp cơ sở còn hạn chế. Báo cáo viên chỉ mới trình bày nội dung chỉ thị, nghị quyết theo đề cương, ít liên hệ với thực tiễn của địa phương, đơn vị.

Một số đại biểu khác cũng cho rằng, việc tổ chức học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết còn hạn chế một phần do nhân lực ở các địa phương còn mỏng, khối lượng công việc, mảng phụ trách nhiều, ảnh hưởng đến thời gian học tập, nghiên cứu và triển khai các nội dung trong chỉ thị, nghị quyết.

Bắt đầu từ ý thức của mỗi cán bộ, đảng viên

Từ những hạn chế thực tế, nhiều ý kiến đã đề xuất những giải pháp khắc phục. Cụ thể, bí thư, cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác chính trị, tư tưởng, đề cao sự gương mẫu về đạo đức, lối sống của người đứng đầu. Cán bộ, đảng viên gắn học tập chỉ thị, nghị quyết với tình hình thực tế của địa phương, tuyên truyền đến các tầng lớp Nhân dân.

Các cấp ủy cần đổi mới nội dung, phương pháp học tập, quán triệt, tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết theo hướng thiết thực, hiệu quả, phù hợp đối tượng. Các cấp ủy chú trọng chăm lo cho đội ngũ báo cáo viên, đẩy mạnh công tác tuyên truyền miệng, kịp thời thông tin cho cán bộ, đảng viên về tình hình kinh tế-xã hội, quốc phòng- an ninh và những vấn đề nóng, góp phần định hướng tư tưởng trong Nhân dân.

Việc nâng cao chất lượng công tác học tập, quán triệt, tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết trước hết cần giải quyết được cái gốc của lý luận và thực tiễn. Vì vậy, các cấp ủy cần tập trung đổi mới quy trình, phương pháp cụ thể hóa chủ trương của cấp trên thành các chương trình, kế hoạch cụ thể, phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương.  Đồng chí  Phạm Thị Thúy, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đắk Song cho rằng, việc tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá thực hiện các chỉ thị, nghị quyết sau học tập, quán triệt đóng vai trò rất quan trọng, góp phần nâng cao ý thức tự học tập, nghiên cứu của cán bộ, đảng viên.

Theo đồng chí Đoàn Văn Kỳ, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, việc học tập nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện thành công các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tại địa phương. Tuy nhiên hiện nay, một số nơi còn có tình trạng cả nể, sợ mất lòng, mất uy tín nên chưa thật sự xử lý nghiêm các trường hợp không nghiêm túc học tập, nghiên cứu chỉ thị, nghị quyết. Vì vậy, các cấp ủy cần tham mưu tốt trong việc xử lý các trường hợp vi phạm trong học tập các chỉ thị, nghị quyết của Đảng.

Đồng chí Đoàn Văn Kỳ nhấn mạnh: Việc đổi mới là cần thiết và phải đồng bộ. Đồng bộ ở đây là từ cơ sở vật chất, cơ chế chính sách đối với báo cáo viên cho đến hình thức tổ chức. Đổi mới ở đây trước hết phải từ chính mỗi cán bộ, đảng viên cần thay đổi tư duy, nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm, nghiêm túc trong học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng để chấp hành và triển khai thực tiễn, phát huy hiệu quả trong thực tiễn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới công tác quán triệt, học tập nghị quyết của Đảng cần đồng bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO