Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc

Hoàng Hoài| 07/09/2017 08:53

Thời gian qua, Mặt trận các cấp trong tỉnh Đắk Nông đã từng bước chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, vận động mọi tầng lớp nhân dân nâng cao chất lượng, hiệu quả các phong trào thi đua, các cuộc vận động do các cấp, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phát động.

Ông Nông Văn Tiến, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh tặng quà các hộ nghèo nhân dịp Tết Nguyên đán 2017

Phát huy vai trò của các tổ chức thành viên

Một trong những bước đổi mới rõ ràng nhất đó là Mặt trận đã chú trọng phát huy vai trò của các tổ chức thành viên trong cộng đồng dân cư. Điển hình, Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã thống nhất với 5 tổ chức thành viên ký kết Chương trình phối hợp số 02 về triển khai thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đến với đông đảo đoàn viên, hội viên và nhân dân. Cuộc vận động có nhiều tiêu chí khác nhau, nên mỗi tổ chức chính trị-xã hội đều xem xét, lựa chọn những tiêu chí phù hợp với hội viên để triển khai cho đạt hiệu quả.

Theo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, đội ngũ cán bộ mặt trận tại các khu dân cư trong tỉnh mỏng, các hoạt động đều lấy người dân làm trung tâm, nên nếu thực hiện một mình thì gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, tại các khu dân cư, phần lớn mỗi gia đình đều có ít nhất một người tham gia sinh hoạt đoàn thể, nên việc huy động được các tổ chức chính trị-xã hội cùng chung sức trong vận động, tuyên truyền, đưa các phong trào, cuộc vận động đến gần dân thì hiệu quả mang lại cao hơn.

Đơn cử như trong công tác giảm nghèo, từ chương trình đã ký kết với Mặt trận, các tổ chức chính trị-xã hội đăng ký phần việc hỗ trợ người dân thoát nghèo với phương châm “không có hộ nghèo, hộ chính sách nào mà không có ít nhất một tổ chức hỗ trợ”.

Để cụ thể hóa phương châm, Hội Cựu chiến binh đã nâng cao chất lượng các mô hình 2+1 (2 hộ người Kinh giúp 1 hộ dân tộc thiểu số), 3+1 (3 hội viên khá giúp một hội viên nghèo); vận động đóng góp quỹ nghĩa tình đồng đội để xây nhà cho hội viên nghèo.

Hội Nông dân thì thông qua Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, làm giàu chính đáng, một mặt khuyến khích hội viên tự lực tự cường vươn lên trong sản xuất, mặt khác động viên các hộ sản xuất giỏi giúp đỡ các hộ nghèo bằng nhiều cách như hỗ trợ cây, con giống, vốn, khoa học kỹ thuật…

Hội phụ nữ hàng năm đều tiến hành khảo sát hộ nghèo do phụ nữ nghèo làm chủ hộ, nguyên nhân nghèo để có sự giúp đỡ phù hợp. Năm 2017, Hội đã tuyên dương 206 cá nhân tiêu biểu có những việc làm thiết thực, đóng góp giúp đỡ 105 gia đình chính sách, 1.065 chị trong lúc ốm đau, hoạn nạn. Các cấp hội phụ nữ còn kêu gọi hội viên đóng góp và vận động nguồn lực bên ngoài để xây dựng 8 căn nhà mái ấm tình thương cho phụ nữ dân tộc thiểu số nghèo với số tiền trên 400 triệu đồng; phối hợp hỗ trợ 10 con bò giống cho 10 chị nghèo…

Hay như trong bảo vệ môi trường, từ đầu năm đến nay, các cấp đoàn đã tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên phát quang, tu sửa 22 km đường giao thông nông thôn, nạo vét 56 km kênh mương thủy lợi nội đồng; hỗ trợ xây dựng 10 nhà tiêu hợp vệ sinh; phối hợp tổ chức 9 buổi tuyên truyền về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và thành lập 25 đội tình nguyện bảo vệ môi trường.

Tranh thủ những người có uy tín ở khu dân cư

Bên cạnh đó, Mặt trận các cấp còn chú trọng phát huy vai trò của cán bộ mặt trận cơ sở, người có uy tín, già làng, chức sắc tôn giáo tiêu biểu, là những người gần dân, sát dân, đại diện cho tiếng nói của nhân dân ở cơ sở. Thông qua lực lượng này, Mặt trận các cấp nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của bà con ở khu dân cư để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cũng như làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong giải quyết các vấn đề liên quan. Những người có uy tín này tuyên truyền, vận động nhân dân không những bằng hành động cụ thể, mà còn là tấm gương sáng của cộng đồng nên luôn được nhân dân tin tưởng.

Điển hình như ông Ngân Văn Khâm, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Đắk Thanh, xã Nam Xuân (Krông Nô) được xem là người có uy tín trong cộng đồng dân cư. Bởi trước khi vận động nhân dân làm gì, ông đều tìm hiểu rõ ngọn nguồn, chuẩn bị kỹ từ bước đi cho đến cách làm, sau đó mới xin ý kiến để tổ chức họp dân. Mỗi việc ông làm đều dựa trên nguyên tắc "lấy dân làm gốc", phát huy dân chủ của nhân dân và bản thân luôn làm trước để nêu gương.

Vai trò của các chức sắc tôn giáo, các nhà tu hành trong việc vận động các giáo dân sống theo hiến pháp, pháp luật, "sống tốt đời, đẹp đạo" cũng được Mặt trận các cấp phát huy. Thông qua tuyên truyền, vận động của các chức sắc, các nhà tu hành, nhiều phong trào như xây dựng nông thôn mới, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, bảo vệ an ninh Tổ quốc do Mặt trận triển khai đều thu hút đông đảo giáo dân tham gia. Điển hình, theo thống kê, giai đoạn 2004-2017, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh đã vận động xây dựng 44 căn nhà tình thương, 21 giếng nước khoan cho người nghèo, trường học, tặng 455 xe lăn, xe lắc cho người khuyết tật, khám, cấp phát thuốc, tặng quà hộ nghèo… với tổng số tiền khoảng 31 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO