Đối ngoại nhân dân, thúc đẩy tình đoàn kết hữu nghị với nước bạn Campuchia

Hoàng Hoài| 17/02/2021 09:28

Thời gian qua, công tác đối ngoại nhân dân luôn được Hội Hữu nghị Việt Nam-Campuchia tỉnh Đắk Nông chú trọng thực hiện, với nhiều hình thức phù hợp, thiết thực, góp phần giữ gìn an ninh biên giới quốc gia và củng cố mối đoàn kết hữu nghị giữa hai tỉnh Đắk Nông (Việt Nam) và Mondulkiri (Campuchia).

Quan hệ đoàn kết, hữu nghị đi vào chiều sâu

Đơn cử, Chi hội Hội Hữu nghị Việt Nam-Campuchia huyện Tuy Đức thường xuyên phối hợp với các cấp, ngành tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân khu vực biên giới chấp hành các quy định về chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ gìn trật tự xã hội ở khu vực biên giới.

Hội Hữu nghị Việt Nam-Campuchia tặng Bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong hoạt động nhiệm kỳ 2015-2020

Từ đó, nhiều mô hình quần chúng tự quản, bảo vệ mốc giới, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới được hình thành, duy trì, phát triển như Tổ tự quản đường biên, Tổ tự quản an ninh trật tự thôn, bon, bản. Hiện nay, toàn huyện Tuy Đức có 6 Tổ tự quản đường biên; trong đó, xã Quảng Trực là 5 tổ, xã Đắk Búk So 1 tổ. Các tổ chức đoàn thể cùng với người dân trên khu vực biên giới đã ký kết nhận tự quản 42 km đường biên giới trên địa bàn toàn huyện.

Bên cạnh đó, Chi hội tập trung thúc đẩy quan hệ đoàn kết, hữu nghị và hợp tác với  huyện O Răng (Campuchia) đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả, không chỉ bó hẹp trong khuôn khổ truyền thống mà mở rộng, gắn kết chặt chẽ với các mục tiêu cụ thể trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục, y tế, sức khỏe. Chi hội đã hỗ trợ người dân huyện O Răng phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng mối quan hệ đối tác, thúc đẩy hợp tác trên từng lĩnh vực, nội dung cụ thể.

Trong thời gian hai bên đóng cửa biên giới vì đại dịch Covid-19, Chi hội tập trung nắm tình hình qua ứng dụng zalo, tiếp cận thông tin, chia sẻ, hỗ trợ kỹ thuật nông nghiệp về chăm sóc, phòng trị bệnh trên một số cây trồng mới.

Chi hội Hội Hữu nghị Việt Nam-Campuchia huyện Đắk Song thường xuyên tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên, hội viên và người dân trên địa bàn huyện chấp hành tốt đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Chi hội phối hợp với các cơ quan chức năng, cấp ủy các xã Thuận Hà, Thuận Hạnh thực hiện tốt phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới; nắm tình hình dư luận của người dân hai bên biên giới. Việc phối hợp thực hiện chương trình hợp tác phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội giữa huyện Đắk Song với huyện Ô Răng và Petchănda (Campuchia) cũng được chú trọng.

Chi hội đã hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp trên địa bàn được hợp tác, trao đổi ở một số ngành thuộc tiềm năng, lợi thế của tỉnh Mondulkiri như chế biến gỗ, hạt điều, các sản phẩm từ sắn; hỗ trợ doanh nghiệp khảo sát thị trường nông sản ở tỉnh Mondulkiri để ký kết các hợp đồng thu mua nông sản, gỗ… phục vụ sản xuất, chế biến.  

Nhân dân hai bên khu vực biên giới được tạo điều kiện thuận lợi trao đổi, mua bán hàng hóa, phục vụ nhu cầu thiết yếu của đời sống theo quy định. Đồn biên phòng Đắk Song hỗ trợ cho 1 học sinh nghèo ở xã BuSaRa, huyện Petchănđa 500.000 đồng/tháng để đi học. Đồn biên phòng Đắk Tiên hỗ trợ người dân PhumTuXvay  gạo, thực phẩm và 1 học sinh nghèo tại xã Đắk Đam với tổng số tiền 88 triệu đồng.

Giữ vững an ninh biên giới

Bộ đội biên phòng tỉnh luôn chủ động, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các lực lượng liên quan trong việc nắm chắc tình hình nội, ngoại biên, tư tưởng, đời sống của đồng bào các dân tộc khu vực biên giới. Các đơn vị biên phòng phối hợp trao đổi được 986 tin, vận động người dân tố giác 136 vụ/193 đối tượng tội phạm, giải quyết 76 vụ việc phức tạp, bắt 7 đối tượng vượt biên; tuyên truyền, vận động 600 hộ/2131 khẩu không được di cư tự do; vận động thu nộp 102 vũ khí các loại; gọi đấu tranh kiểm điểm trước dân được 8 lần/22 đối tượng.

Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, lực lượng biên phòng đã phối hợp xây dựng được 76 tổ tự quản an ninh trật tự thôn, bon, buôn, bản với 1.076 thành viên; 21 tập thể, 669 hộ và 242 cá nhân đăng ký tự quản 61,698 km đường biên; 9 tập thể, 662 hộ và 373 cá nhân đăng ký tự quản 28 mốc quốc giới; tham mưu xây dựng mô hình Tiếng kẻng vùng biên...

Công tác tuần tra, kiểm soát, quản lý, bảo vệ chặt tuyến biên giới, hệ thống cột mốc, cột dấu, tâm cồn bãi, dấu hiệu đường biên, các công trình quốc phòng, dân sinh khu vực biên giới, hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu tại cửa khẩu được thực hiện theo đúng quy định.

Các đơn vị biên phòng đã tổ chức tuần tra, kiểm soát, mật phục bảo vệ biên giới được 2.920 tổ với 20.440 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia. Ngoài ra, Bộ đội biên phòng tỉnh đã giới thiệu 7 cán bộ biên phòng tăng cường cho 7 xã biên giới và 54 đảng viên sinh hoạt tại 49 chi bộ thôn, bon, bản biên giới; phân công 220 đảng viên phụ trách 738 hộ gia đình khu vực biên giới.

Cùng với bảo đảm an ninh quốc phòng, Bộ đội biên phòng còn tham gia vào các chương trình giúp dân giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Cụ thể, toàn tỉnh đã giúp 11.978 ngày công; xây dựng tu sửa 68,3 km đường nông thôn, 27,7 km kênh mương nội đồng; xây dựng, sửa chữa 41 nhà ở cho hộ nghèo, khó khăn khu vực biên giới; hỗ trợ 466,8 triệu đồng cho các hộ nghèo có vốn sản xuất; giúp 334 hộ giảm nghèo; triển khai 10 mô hình nuôi bò, dê, lợn, cá cho các hộ nghèo phát triển kinh tế; phối hợp tặng 100 con bò giống cho hộ nghèo khu vực biên giới; mở 6 lớp xóa mù chữ; vận động 237 học sinh bỏ học trở lại trường; phối hợp khám, cấp phát thuốc cho 5.564 lượt người…

Theo Hội Hữu nghị Việt Nam-Campuchia tỉnh, với việc đổi mới cả nội dung và hình thức hoạt động theo hướng thiết thực, hiệu quả, các cấp hội đã phát huy vai trò là cầu nối đoàn kết, hữu nghị, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của hai bên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đối ngoại nhân dân, thúc đẩy tình đoàn kết hữu nghị với nước bạn Campuchia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO