Động cơ vào Đảng

Vũ Hà| 07/09/2017 08:15

Không phải ai vào Ðảng cũng là người hoàn hảo, không có khiếm khuyết. Đối với người vào Đảng, điều quan trọng là phải xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người đảng viên để phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành. Phấn đấu vào Ðảng không phải là để làm "bình phong", hay làm "chỗ dựa" chính trị để tiến thân, mà phải xuất phát từ động cơ trong sáng với tinh thần cống hiến.

ADQuảng cáo

Thực tế, có hiện tượng một số người vào Đảng với động cơ không trong sáng, thiếu đúng đắn. Có người muốn vào Đảng để có vị trí chính trị nhằm thực hiện mục đích cá nhân, chứ không phải vì lợi ích chung. Một trong những tiêu chuẩn cần thiết hiện nay ở nhiều cương vị lãnh đạo là phải đảng viên. Do vậy, có người đã “phấn đấu” vào Ðảng với động cơ được đề bạt vào các chức vụ lãnh đạo. Phàm là, những người đó, khi vào Đảng mà không đạt được mong muốn cá nhân thì tất sẽ biến thái, có những biểu hiện lệch lạc…

Trong khi đó, cá biệt có tổ chức đảng do khiên cưỡng “chỉ tiêu” kết nạp Đảng nên buộc phải “so bó đũa chọn cột cờ”, dẫn đến kết nạp Đảng những người chưa bảo đảm chất lượng. Hoặc có hiện tượng, trong việc kết nạp Đảng lãnh đạo đơn vị thiếu công tâm, khách quan, dễ với người này nhưng lại khó với người khác. Điều này dẫn đến tình trạng, có người được vào Đảng nhưng chưa xứng đáng, thiếu thuyết phục. Từ đó làm cho người chưa được vào Đảng phân tâm, giảm sút lòng tin ở cấp ủy và các đảng viên.

Bên cạnh đó, còn có hiện tượng khi quần chúng chưa “sẵn sàng” nhưng vẫn được cấp ủy động viên vào Đảng vì sức ép “chỉ tiêu” và yêu cầu phát triển của tổ chức đảng, của đơn vị. Từ đó dẫn đến việc, người được động viên vào Đảng có sự phấn đấu không rõ ràng, ý thức chính trị chưa đầy đủ. Đây là điều không phù hợp với quy định của Đảng và khó thuyết phục được quần chúng.

ADQuảng cáo

Việc kết nạp “nhầm” những người có động cơ không trong sáng sẽ dẫn đến người đứng trong hàng ngũ của Ðảng nhưng không giữ được phẩm chất đảng viên, thoái hóa biến chất, lợi dụng chức quyền, tham nhũng, xa dân… Bên cạnh đó, môi trường xã hội hay trong cơ quan, đơn vị có đảng viên làm điều sai trái, thiếu gương mẫu, vi phạm tư cách… cũng tác động đến nhận thức, tình cảm, động cơ của người muốn vào Đảng.

Công tác phát triển Đảng hết sức quan trọng trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, tăng cường sức mạnh và uy tín của Đảng. Công cuộc xây dựng đất nước hiện nay cần những cán bộ, đảng viên có đủ năng lực đảm đương các chức trách, nhiệm vụ đa dạng, phong phú. Do đó, việc đào tạo nguồn nhân lực phải phát triển song cùng với chất lượng mới có được đội ngũ cán bộ tốt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng.

Muốn Đảng ta vừa “đông” vừa “mạnh”, một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu là kết nạp người vào Đảng phải làm tốt “đầu vào”, bảo đảm chặt chẽ, nghiêm túc, đặt lợi ích của Đảng lên trên hết. Dứt khoát không chạy theo số lượng mà hạ thấp tiêu chuẩn chọn lựa người đưa vào Đảng, cũng không nên thực hiện theo lối “đến hẹn lại lên” mà tuần tự chọn người để kết nạp khi chưa thấy rõ sự phấn đấu của họ.

Mặt khác, cần kiên quyết khai trừ những đảng viên thoái hóa biến chất và những người không có ý chí chiến đấu, thiếu năng lực hoàn thành nhiệm vụ ra khỏi Ðảng nhằm xây dựng tổ chức đảng thực sự trong sạch, vững mạnh với đầy đủ ý nghĩa vai trò, vị trí và nhiệm vụ đặt ra.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Động cơ vào Đảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO