Đột phá sắp xếp bộ máy hệ thống chính trị

Tường Mạnh| 16/01/2018 08:21

Cần rà soát đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là ở cơ sở để có thể sắp xếp lại, giao thêm việc, giảm bớt người để nâng cao thu nhập và hiệu quả công việc, bớt cồng kềnh...

Phát biểu tại Hội nghị quán triệt, học tập Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) cho đội ngũ cán bộ chủ chốt của tỉnh mới đây, đồng chí Lê Diễn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định: Tỉnh ủy đã xác định, một trong những bước đột phá của năm 2018 là triển khai sắp xếp lại bộ máy hệ thống chính trị, cơ cấu tổ chức theo tinh thần nghị quyết. Theo đó, chúng ta cần rà soát đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là ở cơ sở để có thể sắp xếp lại, giao thêm việc, giảm bớt người để nâng cao thu nhập và hiệu quả công việc, bớt cồng kềnh. Sở dĩ tỉnh xem đây là vấn đề đột phá là nhằm tinh gọn bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, làm việc hiệu quả, thật sự là công bộc của dân. Vì vậy, đội ngũ cán bộ, công chức cần phải thể hiện khả năng, năng lực và phải đứng hai chân cho vững thì mới trụ được trong bộ máy công quyền, chứ không nên chân trong chân ngoài, không nhảy lò cò.

Thực tế đó cho thấy, một nền hành chính quốc gia hiện đại không thể ôm mãi bộ máy cồng kềnh và đội ngũ công chức đang bộc lộ những yếu kém. Tuy nhiên, nói thì đơn giản, nhưng khi bắt tay vào làm là cả một bài toán khó, đòi hỏi nhiều vấn đề cần phải giải quyết, nhất là phải đụng chạm đến đời sống, lợi ích của rất nhiều người. Thế nhưng, với sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước, nhất là lại nhận được sự đồng thuận rất cao của nhân dân, chúng ta có quyền hy vọng vào việc thực hiện nghị quyết sẽ đạt kết quả cao.

Rõ ràng, khi bắt tay vào thực hiện nghị quyết, chắc chắn Tỉnh ủy, UBND tỉnh sẽ lãnh đạo, chỉ đạo việc tập trung rà soát và có những quy định chặt chẽ hơn về biên chế, số lượng cán bộ, công chức, viên chức trong từng cơ quan, đơn vị. Theo đó, trong mỗi cơ quan, đơn vị sẽ có trách nhiệm kiểm tra lại vị trí, việc làm của từng người, xem có hoàn thành nhiệm vụ hay không, xác định cần bao nhiêu vị trí làm việc để có thể sắp xếp nguồn nhân lực chính xác, phù hợp, hiệu quả.

Đặc biệt, việc xây dựng cơ chế cạnh tranh, công khai, minh bạch trong tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ để thu hút người thực sự có đức, có tài vào làm việc cũng sẽ được đặt ra một cách nghiêm túc hơn. Như vậy, đội ngũ cán bộ, công chức chắc chắn phải có sự cạnh tranh, thể hiện năng lực, khả năng trong công việc hàng ngày thì mới có thể có chỗ đứng vững chắc trong bộ máy công quyền.

Theo quan điểm của Đảng, việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội; phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Tinh giản biên chế cũng gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; giảm chi thường xuyên và góp phần cải cách chính sách tiền lương.

Với quan điểm đó, việc phải có tư duy mới, cách nhìn mới trong sắp xếp lại bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay là điều cần được đặt ra nghiêm túc và quyết liệt triển khai thì mới hy vọng có được đội ngũ công bộc chuyên nghiệp, tài năng, làm việc hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đột phá sắp xếp bộ máy hệ thống chính trị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO