Gặp dũng sĩ quyết thắng năm xưa

Thanh Nga| 31/07/2017 11:17

Sau những năm tháng cống hiến tuổi thanh xuân cho độc lập, tự do của Tổ quốc, thương binh Đặng Xuân Đức ở tổ dân phố 3, phường Nghĩa Tân (thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) trở về đời thường với muôn vàn khó khăn, nhưng đã vươn lên phát triển kinh tế, tích cực tham gia các hoạt động địa phương.

Thương binh Đặng Xuân Đức với danh hiệu "Dũng sĩ quyết thắng cấp 3"

Một thời là Dũng sĩ

Năm 1967, mặc dù mới 17 tuổi, nhưng chàng trai quê lúa Thái Bình đã tình nguyện đi bộ đội và trở thành lính đặc công của Tiểu đoàn đặc công D408 chiến đấu tại tỉnh Gia Lai. Trong quá trình chiến đấu, người lính tinh nhuệ ấy đã dũng cảm tiêu diệt nhiều quân địch và được tặng danh hiệu “Dũng sĩ quyết thắng cấp 3” (cấp cao nhất) vào tháng 3/1975 và nhiều bằng khen, huân chương, huy chương. Đợt đó, cả đơn vị có 6 người được tặng danh hiệu “Dũng sĩ quyết thắng cấp 3”, nhưng 4 người đã hy sinh phải truy tặng, chỉ 2 người còn sống, trong đó có ông Đức.

Ông Đức kể: “Những tháng đầu năm 1975, chiến trường ác liệt lắm. Lúc đó, tôi thuộc đại đội đặc công, đánh luồn sâu trong lòng địch đánh ra. Chúng tôi đánh vào cơ quan tham mưu của  sư đoàn ngụy ở Biển Hồ, TP. Pleiku (Gia Lai). Lúc đi chiến đấu, tiểu đoàn có 360 người, nhưng sau đó hy sinh nhiều, chỉ còn khoảng 200 người. Thời điểm ác liệt nhất là vào tháng 3, nhiều trận đánh, chúng tôi gây cho địch những tổn thất nặng nề. Cả bộ chỉ huy của địch phần lớn bị tiêu diệt, chỉ có một số tàn quân chạy ra dân. Lúc đấy, chúng tôi trà trộn trong dân, được trang bị vũ khí rất đặc biệt, nhẹ nhàng, chủ yếu là dùng võ thuật tinh nhuệ. Chúng tôi chủ yếu đánh ban đêm, đánh xong rồi rút ra và lui vào rừng”.

Theo lời ông Đức, lính đặc công đã hy sinh thì ít khi lấy được xác vì nằm trong lòng địch, mất xác luôn. Thế nên, trước những trận ác liệt, nguy hiểm, đơn vị tổ chức truy điệu sống dưới cờ. Những người đi thì viết quyết tâm thư, nêu tên, tuổi, quê quán và dòng chữ: “Trong trận chiến đấu này tôi quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ của Đảng và nhân dân giao phó” và  đứng dưới quốc kỳ, giơ tay hô to “xin thề, xin thề, xin thề”. Lúc đó tất cả vì tiền tuyến, vì giải phóng dân tộc nên mọi người đều quyết tâm rất cao, dồn sức, dốc toàn lực cho chiến dịch. Những người lính thời kỳ đó người nào cũng phấn đấu vào Đảng, chết thì thôi, nhưng đã sống thì phải trở thành đảng viên.

17 tuổi cầm súng đi đánh giặc, 19 tuổi, người dũng sĩ ấy vinh dự được đứng vào hàng ngũ Đảng và đến ngày đất nước độc lập cũng chỉ mới 26 tuổi. Ông Đức tâm sự: “Nhiều trận cứ nghĩ mình sẽ bị chết, nhưng số may mắn nên được trở về. Tôi bị thương 3 lần nhưng đều may mắn vào phần mềm, có lẽ  đạn tránh mình”.

Còn sức thì còn lao động

Trở về sau chiến tranh với tỷ lệ mất sức khỏe 32% và vẫn còn mảnh đạn trong cơ thể thường xuyên hạnh hạ thể xác, nhưng ông Đức luôn nỗ lực vươn lên làm kinh tế, ổn định cuộc sống gia đình.

Năm 2004, ông chuyển cả gia đình từ Gia Lai về thị xã Gia Nghĩa lập nghiệp. Khi đó, vợ của ông là giáo viên đã nghỉ hưu. Người con gái lập gia đình và có công việc ổn định tại thị xã. Hiện nay, con trai cũng lập gia đình, sinh sống cùng với vợ chồng ông.

Ông Đức chia sẻ: “Tôi chọn mở quán bán cà phê vừa phù hợp với sức khỏe, vừa có thể phát triển kinh tế. Bắt tay vào kinh doanh, ban đầu cũng rất khó khăn, nhưng tôi đã học hỏi kinh nghiệm, cách pha chế cà phê theo phong cách châu Âu”.

Quán cà phê của người thương binh ngày càng đông khách, thu nhập khá, đem lại đời sống ổn định cho các thành viên trong gia đình. Tích góp dần, cách đây 3 tháng, ông đã mở đại lý kinh doanh gas và bước đầu lấy được lòng tin của khách hàng. Trong cuộc sống đời thường ông rất giản dị và bản lĩnh.

Ông Đức tâm sự: “Gần 70 tuổi rồi, nhưng tôi thấy còn sức lực thì lao động, kinh doanh để con cháu noi theo mà chăm chỉ làm ăn. Trong kinh doanh thì mình phải lấy uy tín làm đầu”.

Ở địa phương, thương binh Đặng Xuân Đức còn tích cực tham gia công tác xã hội, là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh tổ dân phố 3. Ông Đinh Dương Hùng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Nghĩa Tân cho biết: “Mặc dù hiện nay vẫn còn mảnh đạn trong người, chưa mổ được, nhưng ông Đức rất nhiệt tình với công tác, phong trào. Ông luôn năng nổ, nhiệt tình, gương mẫu trong các phong trào, hoạt động của hội, nhất là giúp đỡ đồng đội làm ăn, thoát nghèo”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gặp dũng sĩ quyết thắng năm xưa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO