Góp ý vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng: Nhiều ý kiến tâm huyết, với không khí dân chủ, sôi nổi

Lam Giang| 16/11/2020 09:05

Theo báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý vào các dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng trình tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 cho thấy, tại đại hội các đảng bộ trực thuộc, các đại biểu đã tích cực tham gia thảo luận, tranh luận, phân tích, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, với không khí dân chủ, sôi nổi.

Thống nhất cao với dự thảo văn kiện

Hầu hết ý kiến thống nhất cao với các dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Các ý kiến đều rất tâm huyết, thẳng thắn, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao tham gia vào quá trình hoạch định đường lối, chủ trương và chính sách lớn cho sự phát triển của đất nước trong giai đoạn tới.

Đại biểu đóng góp ý kiến tại Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Krông Nô lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2020-2025

Đại biểu cũng thống nhất đánh giá, dự thảo các văn kiện được chuẩn bị công phu, bố cục chặt chẽ, nghiêm túc, khoa học, đổi mới, có chất lượng cao. Các văn kiện phản ánh khá đầy đủ và toàn diện những kết quả đạt được, những hạn chế, khuyết điểm, yếu kém, chỉ ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, dự báo được tình hình và định hướng mục tiêu, đề ra nhiệm vụ. Những giải pháp trên các lĩnh vực trong thời gian tới mà các văn kiện đưa ra khá cụ thể, phù hợp với tình hình đất nước.

Văn kiện đã gắn kết chặt chẽ giữa lý luận với thực tiễn, có nhiều điểm mới phản ánh được tâm tư nguyện vọng của Nhân dân, thể hiện được những quan điểm, chủ trương, phương hướng lớn, cho thấy tầm nhìn, tư duy chiến lược của Đảng, khát vọng phát triển của dân tộc và quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa: “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Cân nhắc đánh giá diện mạo đất nước

Cùng với đề nghị điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi, thay thế một số đoạn, câu, từ, cụm từ cho phù hợp, nhiều ý kiến tham gia góp ý vào các nội dung lớn, mới, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu, giải pháp đột phá đề cập trong Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Cụ thể, về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và diện mạo đất nước sau 35 năm đổi mới, trong đánh giá những thành tựu, dự thảo viết: “kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng liên tục và cao hơn nhiệm kỳ trước, trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực và thế giới”, nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc đánh giá trên.

Bởi ngay từ đầu năm 2020, nước ta đã bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và trên thế giới đang tiếp tục diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, tình hình thiên tai, khô hạn, nhiễm mặn miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng gia tăng về mức độ và tính chất. Đây là nguyên nhân lớn ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Vì vậy, việc đánh giá tăng trưởng nước ta nhanh nhất khu vực và thế giới có thỏa đáng chưa?

Định hướng, dự báo tình hình phải sát, chính xác

Góp ý về tầm nhìn và định hướng phát triển, nhiều ý kiến đề nghị, dự báo tình hình thế giới và đất nước những năm tới phải sát, chính xác và có tính khả thi nhất, với xu hướng vận động và phát triển; ngược lại nếu dự báo quá cao sẽ khó đạt mục tiêu đề ra.

Đối với mục tiêu cụ thể phát triển đất nước đến năm 2025, năm 2030, năm 2045, nhiều ý kiến đề nghị chọn phương án 1: “Đến năm 2025: là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, thuộc nhóm trên của các nước có thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao”. Vì đây là phương án hợp lý để xác định các chỉ tiêu phát triển, phù hợp với điều kiện nước ta cũng như xu thế, chuẩn mực phát triển chung của thế giới.

Về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đất nước nhanh, bền vững, Trung ương nghiên cứu và quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề sở hữu: Các lĩnh vực Nhà nước cần phải độc quyền; các lĩnh vực, địa bàn không có đầu tư nước ngoài; cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa... để tránh mâu thuẫn lợi ích giữa các tầng lớp dân cư trong xã hội. Trung ương cần đẩy nhanh chuyển đổi mô hình đơn vị sự nghiệp công lập sang tự chủ, nhất là đối với các đơn vị sự nghiệp thuộc ngành giáo dục, y tế.

Làm rõ hơn nội hàm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Về tiếp tục hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, các ý kiến đóng góp đề nghị cần làm rõ hơn nội hàm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Vì đây là mô hình kinh tế lần đầu tiên được thực hiện trên thế giới, cán bộ, công chức, viên chức và người dân chưa thực sự thấu hiểu sâu sắc, từ đó dẫn đến việc thực thi pháp luật có liên quan còn lúng túng, thiếu đồng bộ.

Đồng thời, Trung ương nghiên cứu làm rõ mối quan hệ giữa nhà nước - thị trường - doanh nghiệp. Trong đó, phân định rõ vai trò của Đảng và Nhà nước trong việc điều hành kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa để cải thiện, tạo môi trường thuận lợi hơn nữa cho các tổ chức kinh doanh dựa trên các quy luật của nền kinh tế thị trường.

Đóng góp vào những định hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế vùng, kinh tế biển, đô thị, xây dựng nông thôn mới, nhiều ý kiến đề nghị mở đường cao tốc dọc Tây Nguyên để phá thế độc đạo và giảm tải quốc lộ 14, tăng thêm thuận lợi kết nối Tây Nguyên với các tỉnh Duyên hải miền Trung và miền Đông Nam bộ.

Các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, có ý kiến đề nghị Trung ương ưu tiên tập trung hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển mà cụ thể là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh đó, cần đột phá trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Góp ý vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng: Nhiều ý kiến tâm huyết, với không khí dân chủ, sôi nổi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO