Hào hùng chiến thắng Đức Lập

Hoàng Thanh| 09/03/2018 10:33

Ngày 9/3/1975 đã đánh dấu một sự kiện lịch sử quan trọng, đó là quân và dân ta đã nổ súng tiến công và giải phóng quận lỵ Đức Lập (Đắk Mil ngày nay), mở đầu cho trận then chốt tiến công giải phóng Buôn Ma Thuột, tạo một bước ngoặt quan trọng trong chiến dịch Tây Nguyên và cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.

Đập tan hệ thống phòng thủ "bất khả xâm phạm"

Quận lỵ Đức Lập (tỉnh Quảng Đức cũ) có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng về mặt quân sự, là điểm giao nhau của quốc lộ 14 với đường mòn Hồ Chí Minh. Đức Lập như chiếc cầu nối giữa các tỉnh Tây Nguyên với miền Đông Nam bộ, là cửa ngõ hiểm yếu từ rừng xuống biển, là lá chắn để bảo vệ Buôn Ma Thuột. Để án ngữ cửa ngõ Tây Nam Buôn Ma Thuột, tại Đức Lập, địch đã xây 5 cứ điểm mạnh như: Cứ điểm Núi Lửa án ngữ quốc lộ 14 (khu vực xã Thuận An), với các lô cốt, hầm ngầm và hệ thống chướng ngại vật dày đặc; Sở chỉ huy hành quân Sư đoàn 23 đóng tại trung tâm, trận địa pháo 105 ly đóng ở "đồi trung đoàn" (thuộc khu vực xã Đắk Lao).

Ngoài 2 tiểu đoàn bộ binh, một chi đoàn xe tăng, 5 đại đội bảo an cùng các đơn vị trinh sát, công binh trực thuộc Sư đoàn 23, tại đây còn có sân bay trực thăng dã chiến và trường huấn luyện biệt kích đóng tại khu vực xã Đắk Sắk… Với một lực lượng cùng trang thiết bị chiến tranh đồ sộ như vậy, địch coi Đức Lập là một hệ thống phòng thủ "bất khả xâm phạm".

Vào lúc 5 giờ 55 phút sáng ngày 9/3/1975, Sư đoàn 10 và Sư đoàn 316 bộ đội chủ lực của ta phối hợp với bộ đội địa phương và lực lượng du kích của huyện Đức Lập đã đồng loạt nổ súng đánh vào quận lỵ Đức Lập. Chưa đầy 3 tiếng sau, Trung đoàn 28 chiếm cứ điểm Núi Lửa; Trung đoàn 66 chiếm Sở chỉ huy hành quân của Sư đoàn 23 địch. Riêng tại khu vực trung tâm, dựa vào hệ thống lô cốt, hầm ngầm kiên cố, địch chống trả rất quyết liệt, Sư đoàn 10 phải tổ chức nhiều đợt tiến công, đưa pháo hạng nặng vào gần, hạ nòng bắn thẳng, tới 8 giờ 30 phút ngày 10/3/1975 ta mới làm chủ được quận lỵ. Cùng ngày hôm đó, Sư đoàn 10 tiếp tục tấn công căn cứ Đắk Sắk, chiếm Đắk Song. Về cơ bản, trong ngày 10/3, toàn bộ tuyến phòng thủ của địch tại Đức Lập sụp đổ, Buôn Ma Thuột bị chia cắt, cô lập.

Trong cuộc tiến công giải phóng Đức Lập, quân ta đã tiêu diệt và làm tan rã phần lớn quân địch, bắt sống 100 binh sĩ, thu giữ 4 khẩu pháo, 20 xe tăng và thiết giáp của địch. Chiến thắng Đức Lập đã góp phần đẩy mạnh khí thế tiến công và nổi dậy của toàn chiến trường, mở ra một bước ngoặt quan trọng trong chiến dịch Tây Nguyên, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Nhật kể lại những ngày tham gia giải phóng Đức Lập

Nhớ lại những giây phút lịch sử hào hùng đó, ông Nguyễn Xuân Nhật, cựu chiến binh từng tham gia giải phóng Đức Lập, hiện 74 tuổi ở thôn 5, xã Đắk Lao (Đắk Mil) cho biết: “Năm 1968, tôi cùng đồng đội hành quân từ Hà Tĩnh vào Đức Lập, sau đó được biên chế hẳn sang quân địa phương. Nhiệm vụ của chúng tôi ngày đó là trinh sát, giao liên, cung cấp tình hình và dẫn đường cho các đơn vị chủ lực tiêu diệt địch. Với khí thế tiến công như vũ bão của quân ta cùng với sự hưởng ứng của nhân dân, quân địch nhanh chóng tan rã”.

Sau giải phóng Đức Lập, ông Nhật còn được giao nhiệm vụ làm Chủ tịch quân quản xã Đức Mạnh đến hết năm 1975. Ông Nhật cho biết, sau thất bại tại Đức Lập, tàn quân địch quấy phá liên tục nên ông và đồng đội tiếp tục công tác dân vận, vận động binh lính địch ra hàng nên đã hạn chế được nhiều tổn thất cho quân và dân ta. Bên cạnh đó, lực lượng quân quản còn thu gom vũ khí khí tài giao cho quân đội và giúp nhân dân ổn định cuộc sống.

Phát huy truyền thống, xây dựng Đắk Mil ngày càng giàu đẹp

So với các địa phương khác trong tỉnh, Đắk Mil luôn tự hào là vùng đất có bề dày truyền thống cách mạng. Từ những năm 1940, địa phương đã có chi bộ đảng thành lập ngay trong Nhà ngục Đắk Mil do thực dân Pháp xây dựng tại xã Đắk Lao để đày ải những chiến sĩ cách mạng. Trong kháng chiến chống Mỹ, đồng bào các dân tộc tại địa bàn cũng luôn hướng về cách mạng, nuôi giấu cán bộ, tiếp tế lương thực, thuốc men cho các đơn vị ta đóng quân ngay sát nách quận lỵ Đức Lập.

Phát huy tinh thần chiến thắng Đức Lập năm xưa, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Đắk Mil hôm nay đoàn kết, phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, phát triển

Điển hình như già làng Y Oanh ở xã Đức Minh, trong kháng chiến chống Mỹ, ông cùng bà con M’nông đã nhiều lần chở che, cung cấp lương thực, thực phẩm và thông tin càn quét, phục kích của địch, giúp cán bộ, chiến sĩ ta thoát được nhiều hiểm nguy, bảo toàn lực lượng.

Theo ông Nguyễn Cảnh Tân, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đắk Mil, phát huy tinh thần chiến thắng Đức Lập năm xưa, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Đắk Mil hôm nay luôn đoàn kết, phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Sau nhiều năm phấn đấu đến nay, Đắk Mil đã trở thành một trong những địa phương dẫn đầu tỉnh về cây công nghiệp, thương mại, dịch vụ cũng ngày càng phát triển.

Để phát huy giá trị bề dày truyền thống cách mạng, Huyện ủy Đắk Mil đang xúc tiến tổ chức hội thảo khoa học để chỉnh lý, bổ sung cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện Đắk Mil, nhất là giai đoạn từ 1975 đến nay, trong đó chú trọng vào sự kiện và nhân chứng lịch sử về chiến thắng Đức Lập. Bên cạnh đó, huyện cũng sẽ tiến hành vận động sưu tập những hiện vật lịch sử trong đấu tranh cách mạng, nhất là những tư liệu, hiện vật về chiến thắng Đức Lập. Qua đó, giáo dục thế hệ trẻ phát huy truyền thống cách mạng, ra sức phấn đấu học tập, lao động để xây dựng Đắk Mil ngày một giàu đẹp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hào hùng chiến thắng Đức Lập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO