Hiệu quả chương trình hợp tác và phát triển giữa Đắk Nông và Mondulkiri

Tư Minh Khánh| 23/04/2018 11:04

Tỉnh Đắk Nông và tỉnh Mondulkiri (Vương quốc Campuchia) là hai tỉnh giáp giới của Việt Nam và Campuchia, có đường biên giới chung khoảng 130 km.

ADQuảng cáo

Hai tỉnh đã có truyền thống hữu nghị lâu dài, thường xuyên trao đổi giao lưu và cùng nhau xây dựng chương trình hợp tác phát triển trong khuôn khổ song phương giữa hai tỉnh cũng như trong chương trình hợp tác của tam giác phát triển Lào, Campuchia và Việt Nam.

Gần đây nhất, hai tỉnh đã ký kết “Chương trình hợp tác phát triển giai đoạn 2015-2020” nhằm giúp đỡ nhau cùng phát triển, tăng cường tình đoàn kết hữu nghị, láng giềng tốt đẹp, quan tâm đặc biệt đến việc xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Qua hơn hai năm thực hiện, hai tỉnh đã nỗ lực triển khai và đạt được nhiều kết quả tốt đẹp.

Về lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, trong giai đoạn 2015 – 2017, tỉnh Đắk Nông đã hỗ trợ các cơ quan đơn vị lực lượng chức năng và các địa phương của tỉnh Mondulkiri xây dựng trụ sở làm việc và nhiều công trình phụ trợ (giếng nước, công trình vệ sinh môi trường tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương).

Mới đây nhất, tranh thủ sự ủng hộ của Chính phủ, tỉnh Đắk Nông triển khai xây dựng trường THPT tại huyện Ô Răng với qui mô 8 phòng học cho khoảng 320 học sinh với tổng kinh phí gần 22 tỷ đồng, đến nay đã bố trí 15 tỷ đồng, dự kiến công trình này sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong quí IV năm 2018. Ngoài ra, tỉnh Đắk Nông đang tích cực tham gia vào việc thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển khu vực biên giới vay vốn  Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), trong đó có tiểu Dự án tỉnh Đắk Nông là nâng cấp tuyến đường kết nối quốc lộ 14 với cửa khẩu Quốc gia Bu P'răng (tuyến đường này có chiều dài khoảng 38 km trên lãnh thổ Việt Nam).

Mục tiêu của dự án là cải thiện kết nối khu vực thông qua sự cải thiện hạ tầng giao thông và nâng cao năng lực vận tải, thương mại, du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho hai tỉnh nói riêng và cho các tỉnh trong và ngoài khu vực tam giác phát triển phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Dự kiến việc hoàn thiện dự án để triển khai thực hiện vào quí III năm nay.

Trong các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, nông nghiệp và dịch vụ cũng được đẩy mạnh, trong đó nổi bật là việc cung cấp điện thường xuyên trên tuyến đường dây tải điện thông qua cửa khẩu Bu P'răng cho tỉnh Mondulkiri. Các hoạt động tổ chức hội chợ, quảng bá sản phẩm, ký kết hợp đồng trao đổi giao lưu hàng hóa cũng được triển khai đồng bộ.

ADQuảng cáo

Hiện phía tỉnh Đắk Nông đã có 3/7 chợ tại các xã biên giới, là cơ sở ban đầu để đẩy mạnh việc mua bán hàng hóa giữa các cư dân trong khu vực biên giới của hai tỉnh. Hai bên cũng đã thống nhất trình Chính phủ hai nước cho phép nâng cấp cửa khẩu Quốc gia Đắk Peur (Đắk Mil) thành cửa khẩu quốc tế, hứa hẹn một tương lai rộng mở cho việc giao lưu hàng hóa, phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch. Ngoài ra, huyện Tuy Đức (Đắk Nông) cũng đã tích cực hỗ trợ tỉnh Mondulkiri trong các lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp, thăm khám và chữa bệnh.

Lĩnh vực giao lưu văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao cũng được chú trọng, thông qua các sự kiện lễ hội, ngày nghỉ tết truyền thống của hai tỉnh, cấp chính quyền hai tỉnh, các sở, ban ngành, nhất là các đơn vị trong lực lượng bảo vệ biên giới hai tỉnh thường xuyên tổ chức giao lưu văn hóa, nghệ thuật, thi đấu bóng chuyền, bóng đá… tăng cường sự hiểu biết và đoàn kết giữa các cơ quan đơn vị và nhân dân hai tỉnh.

Riêng trong lĩnh vực đối ngoại, bảo vệ biên giới, hai tỉnh đã phát huy truyền thống hòa bình, hữu nghị, láng giềng thân thiện giữa hai tỉnh. Trong những năm qua, chính quyền và nhân dân hai tỉnh đã luôn vun đắp tình đoàn kết hữu nghị, giúp đỡ lẫn nhau. Các cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến đơn vị cơ sở, chốt, đồn của hai tỉnh đã thiết lập cơ chế giao ban thường xuyên, định kỳ nhằm nắm bắt chặt chẽ tình hình diễn biến trong khu vực biên giới, trao đổi thông tin và cùng hợp tác có hiệu quả trong việc phòng và chống các loại tội phạm qua biên giới.

Trong công tác phân giới cắm mốc, hai bên đã tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng chức năng trong công tác khảo sát, phân định và thi công xây dựng cột mốc chính, mốc phụ. Tính đến nay, hai tỉnh đã hoàn thành 16 cột mốc chính tại 8 vị trí mốc chính, phía Việt Nam đã xây dựng gần 80 cột mốc phụ, phía Campuchia đã xây dựng gần 20 cột mốc phụ trên đoạn biên giới đất liền đi qua 2 tỉnh.

Bước vào quí II năm 2018, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tích cực triển khai các chương trình công tác đối ngoại của Đảng và nhà nước, lãnh đạo, chỉ đạo các ngành và các địa phương trong tỉnh nỗ lực phấn đấu thực hiện chương trình hợp tác và phát triển đã ký kết với tỉnh bạn, góp phần ổn định và phát triển, hoàn thành các mục tiêu kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng và an ninh của tỉnh trong tình hình mới.

Có được những kết quả trên là nhờ sự quan tâm giúp đỡ, lãnh đạo và chỉ đạo, sự phối hợp chẽ của các cấp lãnh đạo, các bộ, ngành ở Trung ương, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự nỗ lực của các ngành liên quan, của địa phương và của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh cũng như sự chỉ đạo của Chính phủ Hoàng gia Campuchia, của chính quyền tỉnh, huyện và sự đồng tình ủng hộ của nhân dân các dân tộc thuộc tỉnh Mondulkiri.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả chương trình hợp tác và phát triển giữa Đắk Nông và Mondulkiri
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO